phùng ngọc khánh

Ông Phùng Ngọc Khánh - Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm.

Là thành viên đoàn công tác đến thăm và làm việc tại Vương quốc Anh do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng dẫn đầu từ ngày 2 đến 7/7/2019, ông Phùng Ngọc Khánh - Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính đã trả lời phỏng vấn TBTCVN liên quan đến hợp tác bảo hiểm giữa hai quốc gia trong thời gian qua và triển vọng thời gian tới.

PV: Thị trường bảo hiểm những năm gần đây có sự phát triển cả về quy mô và chất lượng, thể hiện được vai trò, vị trí quan trọng trong nền kinh tế - xã hội. Bảo hiểm cũng là một trong các lĩnh vực Việt Nam ưu tiên mở cửa thị trường cho các nhà đầu tư nước ngoài. Ông nhận xét như thế nào về mức độ mở cửa của thị trường bảo hiểm Việt Nam đối với các công ty bảo hiểm nước ngoài hiện nay?

Ông Phùng Ngọc Khánh: Trong những năm gần đây, thị trường bảo hiểm phát triển cả về quy mô và chất lượng. Nếu năm 2000, thị trường có 15 doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) thì đến nay có 64 DNBH hoạt động trong các lĩnh vực nhân thọ, phi nhân thọ, môi giới bảo hiểm, trong đó hơn nửa là các DNBH hàng đầu khu vực và thế giới. Hầu hết các DNBH đã xây dựng đầy đủ các quy trình nghiệp vụ theo quy định của pháp luật, từng bước chuẩn hoá các khâu trong hoạt động kinh doanh. Nhiều DNBH có vốn đầu tư nước ngoài đã tổ chức được hệ thống kiểm soát nội bộ hiệu quả, đầu tư phát triển hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) hiện đại phục vụ cho hoạt động kinh doanh và công tác quản trị, điều hành.

Trong 5 năm vừa qua, thị trường bảo hiểm càng ngày càng phát triển, cụ thể như: Tổng tài sản tăng bình quân 24%/năm (6 tháng đầu năm 2019 ước đạt 423.423 tỷ đồng); tổng doanh thu của thị trường đạt mức tăng trưởng bình quân 23%/năm (6 tháng đầu năm 2019 ước đạt là 71.147 tỷ đồng); tổng các quỹ dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm nhằm sẵn sàng đáp ứng nghĩa vụ chi trả bồi thường cho khách hàng của các DNBH, tăng bình quân 25%/năm (ước đạt 263,996 tỷ đồng 6 tháng đầu năm 2019); tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế tăng bình quân 23%/năm (ước đạt 342.869 tỷ đồng); tổng vốn chủ sở hữu của các DNBH tăng bình quân 16%/năm (ước đạt 91.456 tỷ đồng); các DNBH đã thực hiện bồi thường và chi trả quyền lợi bảo hiểm lên đến 139.287 tỷ đồng.

Các DN có mạng lưới phục vụ khách hàng trên toàn quốc, với gần 900 chi nhánh, văn phòng đại diện, 800.000 đại lý, cung cấp hơn 1.300 sản phẩm bảo hiểm; giải quyết công ăn việc làm cho gần triệu người mỗi năm; các vụ tổn thất lớn đều được chi trả bồi thường kịp thời, giúp khách hàng nhanh chóng ổn định sản xuất, kinh doanh; góp phần bổ trợ cho các chính sách an sinh xã hội và các chương trình mục tiêu, nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ thông qua các chương trình bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm thủy sản, bảo hiểm tín dụng xuất khẩu,..

Cùng với sự phát triển của thị trường bảo hiểm, năng lực quản lý nhà nước được nâng cao, hạn chế sự can thiệp hành chính vào hoạt động của DN, tăng quyền tự chủ và trách nhiệm của DN trong việc thực thi pháp luật. Thông qua hoạt động quản lý, kiểm tra, thanh tra, Bộ Tài chính đã xử lý nghiêm các vụ việc, đồng thời có biện pháp chấn chỉnh kịp thời, nhằm giảm thiểu các sai phạm, từ đó bảo vệ quyền lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm theo đúng thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm và quy định của pháp luật, đảm bảo sự phát triển lành mạnh của thị trường.

Những kết quả đạt được nêu trên có sự đóng góp lớn từ chính sách mở cửa thị trường, thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó đặc biệt là sự góp mặt của các DNBH hàng đầu trên thế giới đến từ các các thị trường bảo hiểm tiên tiến, đã phát triển hàng trăm năm nay. Theo đó, sự có mặt của các DNBH đến từ các tập đoàn bảo hiểm lớn trên thế giới và khu vực chính là tác nhân quyết định đầu tư tại Việt Nam của các các tập đoàn đầu tư lớn tại các nước sở tại, qua đó vừa góp phần thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, vừa tăng doanh thu phí bảo hiểm từ đó nâng cao đầu tư trở lại nền kinh tế, vừa thu hút đầu tư công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực bảo hiểm, năng lực tài chính, kỹ năng quản trị DN và quản trị rủi ro, phương thức quản lý giám sát... theo thông lệ quốc tế.

Trong bối cảnh nền kinh tế mở, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, lĩnh vực bảo hiểm tiếp tục được mở rộng, bên cạnh việc cho phép tiếp cận dưới tất cả các hình thức hiện diện thương mại, còn dần dần tiến tới mở rộng các dịch vụ tài chính mới, nhằm theo kịp với sự phát triển của thị trường bảo hiểm trên thế giới. Trên cơ sở đó, chúng tôi mong rằng, đây là cơ hội để thị trường bảo hiểm Việt Nam tiếp tục phát triển theo kịp với sự phát triển của thế giới và khu vực, các tổ chức, cá nhân được tiếp cận với các DNBH tiên tiến, theo phương thức tiện lợi nhất, đáp ứng tối đa nhu cầu và khả năng tham gia bảo hiểm.

PV: Như ông vừa phân tích, thị trường bảo hiểm đã mở ra cơ hội hợp tác và thu hút nhiều DNBH lớn trên thế giới tham gia vào thị trường Việt Nam. Vậy đối với các DNBH của Vương Quốc Anh, ông có thể cho một vài nhận xét, đánh giá về quan hệ hợp tác và kết quả hoạt động của các DN này tại Việt Nam thời gian qua?

Ông Phùng Ngọc Khánh: Anh quốc là một trong những quốc gia phát triển bảo hiểm đầu tiên thế giới và cũng là một trong những nước đầu tiên hợp tác và thành lập DNBH, DN môi giới bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam. Hiện nay, có gần 15 quốc gia tham gia góp vốn, thành lập khoảng 43/64 DNBH, DN môi giới bảo hiểm tại Việt Nam. Đến từ Anh quốc có 2 Tập đoàn tài chính- bảo hiểm hàng đầu là Aviva và Prudential đầu tư thành lập DNBH nhân thọ, 2 DN môi giới bảo hiểm hàng đầu là Aon và Jardine Lloyd Thompson.

Trong đó, Prudential Việt Nam đang đứng thứ nhất về tổng tài sản thị trường bảo hiểm nhân thọ với hơn 90.024 tỷ đồng và đứng thứ hai về doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ với hơn 19.233 tỷ đồng năm 2018. Aviva Việt Nam mới thực hiện mua bán lại toàn bộ phần vốn góp của Viettinbank gần 2 năm nay, với số tài sản hiện có là hơn 5.000 tỷ đồng, doanh thu phí bảo hiểm hơn 1.400 tỷ đồng. Aon và Jardine Lloyd Thompson đều là 2 DN môi giới bảo hiểm hàng đầu tại Việt Nam với tổng doanh thu phí bảo hiểm thu xếp qua 2 DN này là hơn 280 tỷ đồng năm 2018.

Bên cạnh việc tích cực đóng góp cho sự phát triển của thị trường bảo hiểm Việt Nam thông qua việc tiên phong cung cấp các dịch vụ bảo hiểm, dịch vụ môi giới bảo hiểm đa dạng, đáp ứng nhu cầu của mọi tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm với chất lượng cao, phù hợp với thông lệ quốc tế về quản trị DN, quản trị rủi ro; các DN này còn chủ động chia sẻ, cập nhật với cơ quan quản lý và thị trường về các xu hướng mới trên thế giới hoặc khu vực liên quan đến cơ chế chính sách trong lĩnh vực bảo hiểm, sản phẩm bảo hiểm, quản trị DN... Đồng thời, đóng góp vào các hoạt động xã hội, nhằm chia sẻ rủi ro và nâng cao nhận thức, tuyên truyền về ý nghĩa của bảo hiểm.

PV: Thị trường bảo hiểm tại Việt Nam được đánh giá vẫn còn rất nhiều tiềm năng để phát triển. Xin ông cho biết, cơ hội nào chào đón các DNBH khi muốn đầu tư tại Việt Nam và ông có kỳ vọng gì qua các cuộc tiếp xúc, đối thoại với các nhà đầu tư lớn của Vương quốc Anh trong lĩnh vực bảo hiểm?

Ông Phùng Ngọc Khánh: Có rất nhiều cơ hội, tiềm năng để phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam, bao gồm các yếu tố bên ngoài như sự phát triển của nền kinh tế dẫn đến nhu cầu, cơ hội cho ngành bảo hiểm, đến sự phát triển của chính các yếu tố trong thị trường, ví dụ như:

Trong những năm gần đây, kinh tế Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc, đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất trong các nước khu vực ASEAN. Trong các năm 2018 - 2020, kinh tế Việt Nam tiếp tục được dự báo tăng trưởng ở mức cao nhất trong khối ASEAN với tốc độ bình quân trên 7,1% năm. Các chỉ số kinh tế vĩ mô tiếp tục được cải thiện, cán cân thanh toán, cán cân thương mại liên tục đạt thặng dư kể từ năm 2015, thâm hụt ngân sách có dấu hiệu giảm, tỷ giá ổn định, lạm phát được duy trì ở mức thấp hơn chỉ tiêu Quốc hội đề ra.

Với những thành tựu của Chính phủ trong việc cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, chỉ số mức độ thuận lợi trong kinh doanh (EDBI) của Việt Nam do Ngân hàng thế giới tổng hợp đã được cải thiện đáng kể. Theo đó, Việt Nam đã được thăng lên hạng 82 trên tổng số 190 quốc gia và được dự báo tiếp tục được tăng lên hạng 62 trong năm 2018. Với việc được thăng hạng về môi trường đầu tư, đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân và khu vực FDI được kỳ vọng tăng trưởng và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế nói chung.

Theo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 (Văn kiện đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII), nền kinh tế Việt Nam được dự kiến tiếp tục tăng trưởng cao với tốc độ bình quân đạt khoảng 6,5 - 7%/năm; cơ cấu kinh tế được chuyển dịch, theo đó tỷ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ được nâng cao chiếm khoảng 85% trong GDP; tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 45%; thu nhập thực tế của dân cư gấp khoảng 3,5 lần so với năm 2010; khoảng cách thu nhập giữa các vùng và nhóm dân cư được thu hẹp... Bên cạnh đó, theo Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam đến năm 2020 (Quyết định số 175/QĐ-TTg ngày 27/1/2011 của Thủ tướng Chính phủ), nhà nước sẽ huy động mọi nguồn lực để phát triển đồng bộ, hoàn chỉnh và hiện đại, đạt chất lượng và năng lực cạnh tranh quốc tế các loại thị trường dịch vụ.

Tiềm năng thị trường bảo hiểm còn rất lớn với tỷ lệ doanh thu phí bảo hiểm trên GDP là 2,9% (trong khi trung bình của khối ASEAN là 3,35%, của châu Á là 5,37% và của thế giới là 6,3%). Hiện mới có khoảng 8,8% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ; nhu cầu tham gia bảo hiểm trong các khu vực công, công nghiệp, thương mại, các sản phẩm bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm nông nghiệp, của người có thu nhập từ trung bình trở lên, hoặc ở vùng xa các thành phố trung tâm, các thị trường ngách còn rất lớn..

Cách mạng công nghệ thông tin 4.0 và các cải cách trong công nghệ được ứng dụng ngày càng rộng rãi trong các lĩnh vực, các ngành nghề, thành phần kinh tế và xã hội, tạo cơ hội cho các DNBH và các tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm tăng khả năng tiếp cận.

Việc hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam sẽ tạo cơ hội thuận lợi cho thị trường bảo hiểm phát triển. Các DNBH trong nước sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận với các đối tác là tổ chức kinh doanh bảo hiểm nước ngoài có uy tín, có kinh nghiệm, có tiềm lực tài chính mạnh, từ đó tăng cường hợp tác, chuyển giao công nghệ kinh doanh.

Qua Hội nghị xúc tiến đầu tư tại Anh quốc lần này, chúng tôi mong muốn các nhà đầu tư Anh quốc và các thị trường có liên quan hiểu rõ hơn về đất nước, con người, nền kinh tế, chính sách và môi trường kinh doanh, sự phát triển của thị trường bảo hiểm, cũng như các cơ hội đầu tư tại Việt Nam để có sự lựa chọn, quyết định hợp tác, đầu tư đôi bên cùng có lợi trong tương lai.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Minh Anh