Giá trị của liên kết

Tây nguyên gồm 5 tỉnh: Gia Lai, Kon Tum, Đăk Lăk, Đăk Nông và Lâm Đồng. Mảnh đất này được ví như “dải lụa mềm” được thiên nhiên ban tặng cho nhiều giá trị “vô giá” bởi tiềm năng của những bạt ngàn đất đỏ bazan, bạt ngàn cao su, cà phê và rất nhiều nông đặc sản có giá trị cao mà ít nơi nào có được.

Hứa hẹn những đơn hàng xuất khẩu tỷ USD
Sàng lọc cà phê đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu.

Đơn cử như Hợp tác xã (HTX) nông lâm nghiệp Đăk Mil, huyện Đăk Mil, tỉnh Đăk Nông, kết thúc năm 2021, ông Võ Đình Danh - Giám đốc cho biết, HTX không chỉ đạt toàn bộ các chỉ tiêu về doanh thu, lợi nhuận, mà còn kiểm chứng được độ chân thành và giá trị của các đối tác liên kết. Theo ông Danh, trong bộn bề đại dịch, cà phê và hồ tiêu của HTX vẫn bán được giá cao; trong ách tắc toàn diện, các mặt hàng rau - quả tươi của HTX vẫn tiêu thụ hết. Quan trọng nhất là cả nông dân, HTX và doanh nghiệp (DN) đều giữ vững ý chí, hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn.

Trong khi đó, tại tỉnh Gia Lai ông Trịnh Khắc Dương - Giám đốc HTX nông nghiệp và dịch vụ Đak Krong, huyện Đak Đoa cho biết, từ năm 2018 đến nay, HTX ký hợp đồng tiêu thụ 100 tấn cà phê nhân chất lượng cao sản xuất theo tiêu chuẩn 4C với Công ty TNHH Vĩnh Hiệp. Hiện HTX đã thu hút được 191 thành viên tham gia xây dựng vùng nguyên liệu với diện tích 326 ha. Trong số này, có 38 hộ dân tham gia sản xuất cà phê chất lượng cao trên diện tích 46 ha để cung cấp cho DN trên. Sắp tới, HTX dự tính nâng sản lượng lên 150 tấn/năm với khoảng 80 hộ tham gia. “Đây là mục tiêu mà HTX đang hướng đến vì đầu ra tương đối ổn định, đáp ứng chuỗi liên kết lâu dài, bền vững” - ông Dương chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Tuấn - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Gia Lai cho rằng, chuyển đổi số chính là xu thế và là “giải pháp của mọi giải pháp” để giúp doanh nghiệp điều hành hoạt động chủ động, linh hoạt trong suốt chuỗi sản xuất - tiêu thụ. Thời gian qua, một trong những hoạt động thường xuyên của hiệp hội chính là dẫn dắt, tác động các doanh nghiệp ứng dụng, khai thác tiện ích của công nghệ thông tin để tiết giảm chi phí kinh doanh và phục vụ công tác quản trị doanh nghiệp.

Cũng tại tỉnh Gia Lai, một đơn vị nữa là HTX Thành Đạt, xã Ia Hla, huyện Chư Pưh thì năm 2021 là năm thứ 3 HTX đại diện cho các thành viên ký hợp đồng sản xuất và tiêu thụ chanh dây với Công ty cổ phần Chanh leo Nafoods. Mô hình liên kết này giúp 150 hộ có đầu ra ổn định cho khoảng 60 ha, tăng thu nhập đáng kể. Hơn 2 năm trở lại đây, chanh xô có giá cao, trung bình 13 - 22 nghìn đồng/kg. Với 1 ha, người dân thu hoạch 25 - 30 tấn, lãi hơn 200 triệu đồng.

Ông Lê Đức Huy - Tổng giám đốc Simexco Đăk Lăk, DN đầu tư - xuất khẩu cà phê - nông sản lớn nhất tại tỉnh chia sẻ, cước vận tải biển năm 2021 có thời điểm tăng gấp 10 lần. Việc giao hàng cho các đối tác cực kỳ khó khăn, nhưng xuất khẩu của đơn vị vẫn tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay, đạt gần 270 triệu USD.

Theo ông Huy, thành công này là nhờ chiến lược đầu tư bài bản trong nhiều năm, từ liên kết xây dựng vùng nguyên liệu đến trẻ hóa đội ngũ. Nhờ liên kết xây dựng vùng nguyên liệu, Simexco Đăk Lăk có nguồn hàng lớn và chất lượng; nhờ sự trẻ hóa kịp thời, DN đã kết nối được thêm nhiều khách hàng quốc tế trong bối cảnh nhiều khó khăn. 2021 là năm khó khăn, cũng là năm rất thành công của nông nghiệp Tây Nguyên với thị trường cà phê, hồ tiêu, cao su phục hồi mạnh mẽ, giá xuất khẩu tăng từ hơn 20% trở lên so với cùng kỳ năm trước. Nền tảng của nông nghiệp Tây Nguyên cũng tiếp tục được củng cố với hàng loạt dự án lớn trong trồng trọt, chăn nuôi và chế biến.

Theo đánh giá của các chuyên gia, trong điều kiện dịch bệnh, 2021 là một năm được ghi dấu ấn tích cực đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như; cà phê, cao su, hồ tiêu mà theo cách nói của nhiều chuyên gia là một sự “khai thông bế tắc, phát triển ấn tượng”. Không chỉ tăng trưởng cao về kim ngạch xuất khẩu (với 2 tỉnh đạt hơn 1 tỷ USD), năm 2021, nông sản Tây Nguyên còn thâm nhập mạnh mẽ hơn vào các thị trường khó tính như Nhật Bản và EU, đánh dấu bước tiến về chất lượng sản phẩm và sự đổi mới, trưởng thành của các DN.

Liên kết phải gắn liền với số hóa

Theo đánh giá của các chuyên gia, mặc dù thu về lợi ích thông qua sản xuất, chế biến và xuất khẩu các mặt hàng nông, đặc sản đem về cho các địa phương mỗi năm rất lớn nhưng chưa xứng với tiềm năng hiện có đối với lĩnh vực này. Phát biểu tại rất nhiều diễn đàn do hội nông dân các cấp tổ chức, ông Trịnh Khắc Dương đã kiến nghị: “Hội nông dân và các chi hội trên địa bàn tham gia phát triển cà phê bền vững, không thể mãi sản xuất theo kiểu “ăn xổi ở thì”, năm được năm mất. Nếu tham gia chuỗi liên kết sản xuất cà phê chất lượng cao theo hướng hữu cơ đạt những tiêu chí xuất khẩu thì người dân mới tăng thu nhập”.

Ông Lưu Trung Nghĩa - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông (NN&PTNT) tỉnh Gia Lai cho biết, hiện tỉnh có 13 chuỗi liên kết về lĩnh vực trồng trọt như: cà phê, hồ tiêu, lúa, cây ăn quả, rau, dược liệu… với diện tích 134.281 ha. Thời gian qua, các HTX phát triển nhanh về số lượng nhưng chất lượng, hiệu quả hoạt động chưa tương xứng, vẫn còn nhiều đơn vị yếu kém hoặc duy trì hoạt động ở mức trung bình, một số còn bị động về đầu ra. Vì vậy, vấn đề liên kết trong sản xuất, xuất khẩu… là giải pháp tối ưu.

Ông Phạm Tuấn Anh - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đăk Nông cho biết, để đảm bảo phát triển bền vững trong hoàn cảnh mới, Đăk Nông xác định phải chủ động xây dựng các liên kết giữa nông dân, hợp tác xã và DN, khép kín từ vùng nguyên liệu tới thị trường. Để làm được điều này, tỉnh Đăk Nông đang đẩy mạnh thu hút các DN lớn, bồi dưỡng các HTX và DN nhỏ, tạo mọi điều kiện để các DN trở thành hạt nhân liên kết.

Tại tỉnh Gia Lai, ông Nguyễn Ngọc Hùng - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Gia Lai cho biết, một trong những giải pháp quan trọng để DN phát triển nhanh và mạnh hơn là thực hiện chuyển đổi số. Mới đây, Hiệp hội DN tỉnh và Viettel Gia Lai đã ký kết hợp tác triển khai chương trình chuyển đổi số trên nền tảng vESS cho DN giai đoạn 2022-2026. Nền tảng vESS bao gồm 3 bộ giải pháp: quản trị điều hành, quản trị nhân sự và kế toán - tài chính. Với hơn 30 công cụ, tiện ích cơ bản và nâng cao phục vụ nhu cầu của mọi loại hình DN bao gồm 77% hoạt động được số hóa; tiết kiệm 11% chi phí hoạt động chung; rút ngắn 36% thời gian ra quyết định; liên kết các nghiệp vụ cốt yếu, đồng thời mở rộng liên kết với các dịch vụ và giải pháp số khác.

Việt Nam đứng thứ 2 Đông Nam Á về xuất khẩu nông sản

Việt Nam đang đứng thứ 15 trên thế giới và đứng thứ 2 Đông Nam Á về xuất khẩu nông sản. Trong đó, 6 nhóm gồm: gỗ, cà phê, hạt điều, hồ tiêu, cao su, rau quả đang được thị trường châu Âu tiêu thụ mạnh. Nếu không tận dụng được cơ hội, nguy cơ “tụt hậu” về xuất khẩu, mất nguyên liệu bản địa, sẽ dẫn đến cạnh tranh không công bằng cho doanh nghiệp.

Năm 2021, mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng xuất khẩu cà phê của Việt Nam vẫn mang về trên 3 tỷ USD, đóng góp vào tăng trưởng chung của xuất khẩu hàng hóa Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Nam Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa), xuất khẩu cà phê Việt Nam lớn thứ hai thế giới, chiếm 8,3% thị phần xuất khẩu cà phê toàn cầu, chỉ đứng sau Brazil. Các thị trường xuất khẩu cà phê chính của Việt Nam bao gồm: châu Âu (EU), Mỹ, Nga, Nhật Bản, Anh.