buon hang lau

Hàng lậu sẽ xuất hiện nhiều hơn trong dịp cuối năm. Ảnh: PL

Cụ thể, ngày 15/10, Chính phủ ban hành Nghị định 127/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan. Theo Nghị định này, mức xử phạt có thể lên tới 60 triệu đồng khi vi phạm các quy định về thủ tục hải quan.

Tiếp đó, ngày 16/10, Chính phủ lại ban hành tiếp Nghị định 129/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuế và cưỡng chế thi hành quyết định thuế. Theo Nghị định, tổ chức có hành vi vi phạm thủ tục về thuế có thể bị phạt tối đa không quá 200 triệu đồng, cao gấp 2 lần so với quy định trước đó.

Những Nghị định mới mang tính răn đe rất cao sẽ mở ra hy vọng cho việc “gò” các tập thể, cá nhân chấp hành nghiêm túc hơn những quy định liên quan tới nghĩa vụ đóng nộp thuế. Thực tế gần đây cho thấy việc vi phạm các chính sách về thuế đang diễn ra khá phổ biến và phức tạp.

Tại hội nghị Sơ kết 5 năm Chương trình phối hợp giữa Tổng cục Thuế và Tổng cục cảnh sát phòng chống tội phạm (Bộ Công an), hai bên đã thống kê có tới 218 vụ vi phạm về thuế bị xử lý hình sự. Đó là chưa kể hàng ngàn vụ vi phạm khác mà các cơ quan chức năng chỉ dừng ở mức xử phạt vi phạm hành chính.

Bên cạnh việc phối hợp đấu tranh với tội phạm trong lĩnh vực thuế, thời gian tới, hai đơn vị sẽ chú trọng tới loại tội phạm lợi dụng việc giao dịch thanh toán qua ngân hàng để thanh toán, khấu trừ, hoàn tiền thuế nhằm giảm thiểu tình trạng thất thu ngân sách nhà nước.

Tăng cường đấu tranh với loại tội phạm này là công việc chắc chắn cần được quan tâm, tìm ra những biện pháp quyết liệt hơn nữa bởi thực tế nó đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, đặc biệt là trong giai đoạn cuối năm, khi các hoạt động kinh doanh, giao dịch tài chính, thương mại tăng đột biến.

Chỉ tính trong vòng 1 tháng qua, đã có 4 DN bị khởi tố vì hành vi trốn lậu thuế. Cụ thể, ngày 23/9, Cty CP cồn rượu Hà Nội bị khởi tố vì hành vi xuất khống rượu vodka nhằm chiếm đoạt tiền hoàn thuế (530 triệu đồng). Đáng chú ý, hành vi chiếm đoạt tiền thuế đã được đơn vị này thực hiện có tổ chức và có ý định thực hiện nhiều vụ trong thời gian gần đây.

Ngày 3/10, Cty CP thực phẩm công nghệ Sài Gòn bị khởi tố cũng bởi hành vi xuất lô hàng khai là thuốc lá sang Campuchia, nhưng thực chất là gạo hòng chiếm đoạt hơn 2,3 tỷ đồng thuế.

Tiếp đó, ngày 16/10, Cty CP xuất nhập khẩu y tế Việt Nam bỏ ngoài tờ khai thuế 25 mặt hàng, khai lận 2 mặt hàng khác với trị giá hàng hóa vi phạm khoảng hơn 1 tỷ đồng.

Gần đây nhất, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải Quan) đã quyết định khởi tố hình sự Cty TNHH Esprinta Việt Nam về hành vi làm thủ tục xuất khẩu hơn 157.600 mét vải đi Campuchia nhưng không xuất khẩu mà tiêu thụ nội địa, có hành vi giả mạo dấu, chữ ký của cán bộ hải quan để hợp thức hóa hồ sơ.

Từ đầu năm đến nay, Hải quan Hà Nội và Hải quan TP. Hồ Chí Minh còn phát hiện, bắt giữ nhiều vụ vận chuyển hàng quốc cấm, ngoại tệ có giá trị lớn. Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn, trước mắt từ nay đến cuối năm, lực lượng kiểm soát hải quan tập trung vào các địa bàn, cửa khẩu trọng điểm như: cửa khẩu biên giới phía Bắc, biên giới giáp Lào, Campuchia; “đánh mạnh” vào các ổ nhóm buôn lậu hàng có giá trị thuế suất cao như thuốc lá, rượu, xăng dầu; triệt phá các đường dây vận chuyển hàng quốc cấm, động vật hoang dã, ma túy.

Việc tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, siết chặt công tác kiểm soát hải quan trong giai đoạn từ nay đến cuối năm là hết sức cần thiết. Thuận lợi hơn cho những hoạt động này là hàng loạt “chế tài” mới do Chính phủ ban hành sẽ như tiếp thêm “vũ khí” cho nhiệm vụ chính trị của ngành để thực hiện thu đúng, thu đủ cho ngân sách nhà nước, góp phần làm ổn định tình hình tài chính của đất nước trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Phạm Linh