Ngày 26/10, Tạp chí Kinh doanh của cơ quan Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phối hợp với các đơn vị tổ chức Diễn đàn "Đẩy mạnh liên kết vùng - Tăng tốc phát triển kinh tế: Kết nối tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp, hợp tác xã".

Kết nối tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp, hợp tác xã
Diễn đàn về kết nối tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp, hợp tác xã. Ảnh: NNK

70% hợp tác xã chưa tham gia tiêu thụ nông sản, chưa liên kết với doanh nghiệp

Tại diễn đàn, các nhà quản lý, chuyên gia cùng nhau chia sẻ những đánh giá, nhận định về thực tiễn liên kết vùng trong phát triển kinh tế, cũng như đưa ra lời giải cho doanh nghiệp, hợp tác xã nhằm đẩy mạnh kết nối tiêu thụ sản phẩm.

Theo ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, cả nước hiện có trên 28.000 hợp tác xã (HTX), 13.000 tổ hợp tác, khoảng 200 liên hiệp HTX. Khu vực HTX đang thu hút thu hút 3,2 triệu hộ nông dân, chính vì vậy đẩy mạnh liên kết vùng là vấn đề vô cùng quan trọng giúp các HTX liên kết sản xuất, mở rộng đầu ra.

Tuy nhiên, đến nay có khoảng 70% HTX chưa tham gia tiêu thụ nông sản, chưa liên kết với doanh nghiệp, chưa làm được vai trò cầu nối nông dân với doanh nghiệp, một số HTX có tham gia nhưng cũng ở mức độ, quy mô hạn chế. Điều này khiến vấn đề tiêu thụ nông sản của các HTX còn gặp khó khăn.

Theo Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh, trong liên kết vùng và kết nối tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp với HTX thì vai trò của các bên tham gia hợp tác, liên kết trong chuỗi giá trị nông sản còn nhiều hạn chế.

Ông Dương Thái Trung - Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) thừa nhận, việc tổ chức các kênh tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước và quốc tế nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, đồng thời phục vụ quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và bền vững vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Trong đó, tiêu thụ hàng nông sản nước ta liên tục gặp khó khăn, hàng nông sản thường xuyên rơi vào tình trạng “được mùa mất giá”. Hệ thống phân phối nông sản phần lớn tự phát, manh mún, nhỏ lẻ tổ chức kém và thiếu liên kết làm tăng rủi ro, chi phí giao dịch, gây khó khăn cho kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm và kiểm soát dịch bệnh...

Lý giải nguyên nhân của hiện tượng trên, theo ông Dương Thái Trung, do đặc điểm sản xuất nông nghiệp nước ta có quy mô nhỏ, manh mún, hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp chủ yếu hiện nay vẫn ở dạng hộ sản xuất với hơn 9,2 triệu hộ. Nông sản sản xuất ra không theo tín hiệu thị trường; khâu chế biến, dự trữ, bảo quản nông sản kém, hạ tầng logistics vừa thiếu vừa yếu; tư duy sản xuất của người dân chưa đáp ứng yêu cầu của kinh tế thị trường và khả năng hợp tác của nông dân còn yếu…

Kết nối tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp, hợp tác xã
Người tiêu dùng chọn mua mặt hàng nông sản tại siêu thị Hà Nội. Ảnh: NNK

Phát triển kinh tế trang trại, hợp tác xã để đẩy mạnh tiêu thụ nông sản

Để thúc đẩy hơn nữa liên kết giữa doanh nghiệp và HTX trong sản xuất, tiêu thụ nông sản, ông Dương Thái Trung nhấn mạnh, vấn đề đặt ra hiện nay là hạ tầng thương mại của các siêu thị, chợ chưa đáp ứng được vấn đề tiêu thụ nông sản. Đề làm được điều đó, Nhà nước cần hoàn thiện các văn bản pháp luật để các doanh nghiệp, HTX phát triển chuỗi. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện các văn bản pháp luật để các chợ, siêu thị phát triển cơ sở hạ tầng, giúp cung-cầu gặp nhau.

Đặc biệt, đại diện Vụ Thị trường trong nước khuyến nghị cần phát triển kinh tế trang trại, HTX góp phần đẩy mạnh tiêu thụ nông sản. Trong đó, các chính sách hướng đến thúc đẩy HTX tham gia sâu vào liên kết chuỗi giá trị, giúp HTX phát triển các hoạt động có giá trị gia tăng, khuyến khích các hộ nông dân tham gia HTX. Cùng với đó là các chính sách tăng cường xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường tiêu thụ; chính sách ưu đãi về tín dụng, đất đai…

Còn theo ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), trước khi nói đến xuất khẩu, sản phẩm của HTX phải chinh phục được thị trường nội địa. HTX cần chú trọng đến câu chuyện thị hiếu khách hàng. Ngoài ra, các HTX cũng cần liên kết chặt chẽ với các cơ quan bộ ngành để sản xuất theo quy trình sạch, hữu cơ, có định hướng rõ ràng phục vụ tiêu thụ và xuất khẩu.

Ở góc độ của một chuyên gia tài chính, TS. Cấn Văn Lực đặc biệt nhấn mạnh đến việc huy động nguồn lực tài chính phát triển hạ tầng, đẩy mạnh liên kết vùng. Theo ông Cấn Văn Lực, đẩy mạnh liên kết vùng, nhất là liên kết hạ tầng giao thông, du lịch, chế biến, logistics, chuỗi giá trị công nghiệp - nông nghiệp… sẽ góp phần hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp, hợp tác xã.

Tỷ lệ nông sản chủ lực tiêu thụ thông qua liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản từ 10% năm 2017 (trước khi triển khai Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 5-7-2018 về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp) lên hơn 30% hiện nay, trong đó tỷ lệ hợp tác xã nông nghiệp thực hiện liên kết, tiêu thụ nông sản cho nông dân đạt 37% (tăng 25%).