Kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP, tiếp sức cho sản xuất xuất khẩu
Đặc sản tỉnh, thành phố được giới thiệu tại hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP. Ảnh: Hải Anh

Tăng giá trị kinh tế của sản phẩm nông nghiệp

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, ông Nguyễn Minh Tiến - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, số lượng các sản phẩm OCOP hiện nay đang phát triển rất nhanh, tính đến nay cả nước đã có 11.054 sản phẩm OCOP. Chất lượng các sản phẩm OCOP được nâng cao và cải thiện, từ ứng dụng khoa học công nghệ đến bao bì mẫu mã. Công tác xúc tiến thương mại đã giúp cho các sản phẩm OCOP được tiêu thụ rộng khắp thị trường trong nước và mở rộng xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.

Vượt mục tiêu 10.000 sản phẩm

Về mặt số lượng, Chương trình OCOP đã vượt mục tiêu của giai đoạn 2021 - 2025 là 10.000 sản phẩm. Trong số đó có 68,9% là sản phẩm được công nhận 3 sao và gần 30% được công nhận sản phẩm 4 sao, đặc biệt có 42 sản phẩm được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành công nhận là sản phẩm OCOP 5 sao; còn lại là các sản phẩm có tiềm năng 5 sao.

Đánh giá về hiệu quả sức lan toả của Chương trình OCOP của Chính phủ, ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cũng cho hay, về mặt thương mại, có thể thấy các sản phẩm OCOP giai đoạn đầu chủ yếu tập trung tại các thị trường nội địa, trong tỉnh hoặc trong huyện. Nhưng hiện tại, rất nhiều sản phẩm OCOP đã được tiêu thụ rộng khắp trên thị trường cả nước và đã có những sản phẩm đã được xuất khẩu sang thị trường thế giới.

Với sự kết nối của Bộ Công thương, các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, các sản phẩm là đặc trưng, đặc sản, tiềm năng, lợi thế của địa phương, vùng miền đã được kết nối vào hệ thống các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn cả nước, đã được đưa vào tất cả các hệ thống phân phối lớn trên địa bàn cả nước như: Go!, MM Mega Market, Saigon Co.op, Winmart, Winmart+…

Với sự vào cuộc của các bộ, ngành, sản phẩm OCOP không chỉ phân phối tại các kênh truyền thống, mà còn được đưa lên sàn thương mại điện tử. Đặc biệt, trong năm 2023, trên nền tảng TikTok Shop đã đạt doanh thu lên tới 100 tỷ đồng.

Ở góc độ địa phương, ông Bùi Công Anh - Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa chia sẻ, sau 5 năm triển khai, Chương trình OCOP tỉnh Thanh Hóa đã mang lại những kết quả tích cực, góp phần khơi dậy tiềm năng, lợi thế của các địa phương.

Đến nay, tỉnh Thanh Hóa có 436 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Trong đó, có 1 sản phẩm 5 sao và 3 sản phẩm “tiềm năng” 5 sao. Tỉnh Thanh Hóa nằm trong tốp dẫn đầu của cả nước về số lượng sản phẩm OCOP, mỗi sản phẩm đều được lựa chọn kỹ càng, mang đặc trưng, lợi thế và phát huy được sức mạnh của cộng đồng, góp phần đáng kể vào việc cải thiện thu nhập, đời sống của người dân. Vì vậy, trong năm 2024, phát triển, nâng cao giá trị và sức tiêu thụ sản phẩm OCOP theo chỉ đạo của Chính phủ tiếp tục được tỉnh quan tâm, thúc đẩy.

Đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm OCOP

Kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP, tiếp sức cho sản xuất xuất khẩu
Sản phẩm Bột sữa gạo lứt sinh thái của Công ty cổ phần thực phẩm Điện Biên (TP. Phúc Yên) đạt hạng 4 sao. hạng 4 sao. Ảnh minh họa

Theo ông Đặng Quý Nhân - Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), sản phẩm OCOP có sự tăng trưởng mạnh mẽ về số lượng, nhưng hạn chế hiện nay là sự tham gia của các chủ thể vào Chương trình OCOP chưa thực sự chủ động; hoạt động đổi mới, sáng tạo trong phát triển sản phẩm tuy có kết quả, nhưng vẫn còn hạn chế so với tiềm năng. Đồng thời, công tác xúc tiến thương mại còn manh mún, thiếu đồng bộ, chưa tạo được điểm nhấn nổi trội và đặc sắc. Đây là hạn chế cần nhanh chóng khắc phục nếu như muốn đưa Chương trình OCOP đạt hiệu quả như mong muốn, trở thành mũi nhọn xuất khẩu.

Ông Quý Nhân nhấn mạnh vào yếu tố chất lượng, sự hấp dẫn của sản phẩm OCOP chưa thực sự chinh phục được khách hàng, đặc biệt là khách hàng nước ngoài. OCOP là đặc sản của địa phương, nên sản phẩm phải tinh túy hơn khi đến tay người tiêu dùng. So sánh với một nước đi đầu trong phát triển sản phẩm OCOP là Nhật Bản, ông Quý Nhân đặt vấn đề: “Tại sao bánh Mochi của Nhật Bản lại trở thành đặc sản và ngon, ngọt, mềm, thơm đến thế. Bánh vẫn được làm từ bột gạo nếp, tương tự như chiếc bánh dày của Việt Nam, nhưng cách làm khác nhau tạo nên chất lượng, giá trị sản phẩm khác nhau”. Một ví dụ khác là sản phẩm chè, cùng một loại chè nhưng chè Việt Nam uống có vị đắng rõ rệt hơn chè của Nhật Bản.

“Cùng là thu hoạch từ tháng 7 hằng năm, nhưng chè của Việt Nam hái 10 ngày 1 lứa nên rất đắng. Chè của Nhật đến khi được thu hoạch thì được che tối, 2 tháng mới hái một lần nên trà rất ngon. Điều đó cho thấy sản phẩm OCOP của Việt Nam phải cải tiến để cho chất lượng tốt hơn” - ông Nhân nói.

Ở góc độ địa phương, ông Bùi Công Anh cho hay, mặc dù đã đạt được những kết quả quan trọng, nhưng các sản phẩm OCOP của tỉnh Thanh Hóa đều có quy mô sản xuất vừa và nhỏ, các chủ thể sản xuất chưa có đủ tiềm lực kinh tế để đầu tư phát triển sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế. Do đó, cùng với việc huy động nguồn lực hỗ trợ các chủ thể đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tỉnh còn chú trọng đến việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ mới.

“Để sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa phát triển vươn xa hơn nữa, các chủ thể phải thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa, tạo ra sản lượng lớn, chất lượng sản phẩm đồng đều. Đồng thời, áp dụng công nghệ để tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, tăng năng suất, nhưng vẫn giữ được giá trị văn hóa truyền thống của từng sản phẩm” - ông Bùi Công Anh nêu giải pháp./.