9

PV: Tháng 8 này tròn 1 năm Hiệp định EVFTA có hiệu lực. Ông đánh giá thế nào về kết quả đã đạt được sau 12 tháng đầu tiên thực thi hiệp định?

Ông Alain Cany: EVFTA là một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mang tính lịch sử, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Ngay tại thời điểm có hiệu lực, 65% hàng hóa xuất khẩu của EU sang Việt Nam và 71% hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang EU được miễn thuế. Trong thập kỷ tới, con số này sẽ tăng lên gần 99%.

pv9

Ông Alain Cany

Ngoài cắt giảm thuế quan, EVFTA còn hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực như bảo vệ môi trường, cải cách luật pháp và phát triển bền vững. Trong khi đó, hiệp định mở ra khả năng tiếp cận thị trường cho đầu tư của EU trong các lĩnh vực và ngành công nghiệp khác như giáo dục đại học, dịch vụ máy tính, phân phối, viễn thông.

Mặc dù đại dịch Covid-19 đã và đang gây ra những tác động tiêu cực tới thương mại toàn cầu nhưng nhìn chung, 12 tháng đầu triển khai EVFTA diễn biến tích cực. Gần 2/3 các công ty thành viên của chúng tôi (61%) - đã được hưởng lợi từ hiệp định kể từ khi EVFTA có hiệu lực. Trong khi đó, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch thương mại hàng hóa Việt Nam - EU đạt 27 tỷ USD, tăng hơn 18% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là một thành tích đáng ghi nhận giữa một đại dịch toàn cầu.

Một điểm tích cực nữa khi thực thi hiệp định là, ngay cả trong những trường hợp khung pháp lý của Việt Nam chưa phù hợp với lộ trình cắt giảm thuế quan, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã lùi thời hạn nộp thuế để các công ty có thể yêu cầu mức thuế giảm như đã thỏa thuận trong EVFTA.

PV: Bên cạnh những kết quả đạt được, còn có những khó khăn gì khi áp dụng EVFTA sau 1 năm hiệp định có hiệu lực, thưa ông?

Ông Alain Cany: Mặc dù có những tiến bộ tích cực cho đến nay, vẫn còn tồn tại một số thách thức. Mỗi quý, chúng tôi khảo sát các nhà lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu cho biết quan điểm của họ về cách EVFTA mang lại lợi ích cho các công ty của họ thông qua Chỉ số Môi trường kinh doanh (BCI) của chúng tôi. Rào cản phổ biến nhất được báo cáo trong BCI đối với các thành viên của chúng tôi là thủ tục hành chính, với hơn 1/3 cho biết họ lo ngại về quy trình xuất nhập khẩu. Trong khi đó, 1/5 báo cáo rằng thách thức nằm ở các rào cản kỹ thuật đối với thương mại và chỉ dưới 10% đề cập đến các vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tầng của Việt Nam.

PV: Kết quả thực hiện EVFTA sau 1 năm được ghi nhận là tương đối tích cực. Vậy từ góc độ các nhà đầu tư châu Âu tại Việt Nam, theo ông, trong bối cảnh Covid-19 vẫn đang bùng phát trên thế giới thì phải lưu ý điều gì để có thể tận dụng được tốt hơn nữa những ưu thế từ EVFTA mang lại?

Ông Alain Cany: Gần 2/3 thành viên EuroCham tại Việt Nam đã được hưởng lợi từ hiệp định này kể từ khi EVFTA có hiệu lực và chúng tôi cũng đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ trong xuất khẩu của Việt Nam sang EU, cao hơn 20% trong 5 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm 2020. Một số ngành xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam có mức tăng đáng kể, trong đó giày dép tăng 19%. Trong quý đầu tiên của năm 2021 và thủy sản tăng 15%... Con số này sẽ tiếp tục tăng khi Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) có hiệu lực sau khi được phê chuẩn ở từng quốc gia thành viên EU. Tuy nhiên, để duy trì được đà tăng tích cực này, chúng ta cần đảm bảo EVFTA được thực hiện suôn sẻ và thành công trong suốt thập kỷ tiếp theo. Điều này yêu cầu cải cách khung pháp lý và hợp tác giữa lãnh đạo EU và Việt Nam, cũng như cộng đồng doanh nghiệp của cả hai phía.

Trong ngắn hạn, hiện tại, các chính phủ trên thế giới đều đang tập trung mọi nguồn lực để chống lại đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chúng ta nên bỏ qua EVFTA. Trên thực tế, hiệp định này đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, một khi chiến dịch tiêm chủng được triển khai và đại dịch được kiểm soát, nền kinh tế của chúng ta cần phải mở cửa trở lại và phục hồi. Cũng như vắc- xin sẽ giúp chống lại cuộc khủng hoảng toàn cầu về y tế - sức khỏe, thương mại tự do, công bằng và dựa trên luật lệ sẽ giúp chống lại cuộc khủng hoảng toàn cầu về kinh tế. Đối với Việt Nam và các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu, EVFTA sẽ là một trong những công cụ quan trọng nhất. Giờ đây khi hiệp định đã được thực thi, cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng đều được hưởng lợi từ việc loại bỏ dần thuế quan và mở cửa thị trường.

Nếu chúng ta muốn phát triển dựa trên nền tảng đầy hứa hẹn này, chúng ta cần phải cùng nhau hợp tác. EVFTA sẽ không thành công nếu không có nỗ lực phối hợp giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp tư nhân.

PV: Xin cảm ơn ông!

Đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng diện rộng

“Đợt bùng phát làn sóng Covid-19 thứ tư hiện nay ở Việt Nam đang gây ra sự gián đoạn cho các doanh nghiệp và chuỗi cung ứng, điều này đang có tác động không thể tránh khỏi đối với hoạt động thương mại. Trong khi đó, những hạn chế liên tục đối với việc di chuyển giữa các quốc gia, mặc dù rất cần thiết để ngăn chặn sự lây lan của virus nhưng vẫn là một rào cản đối với việc thu hút đầu tư. Lãnh đạo các doanh nghiệp sẽ trì hoãn các quyết định đầu tư lớn trong khi việc đến Việt Nam vẫn còn rất khó khăn. Chính phủ cần đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng diện rộng và có thể xem xét giảm bớt các yêu cầu kiểm dịch đối với các lãnh đạo doanh nghiệp đã tiêm vắc-xin để các hoạt động thương mại bình thường có thể trở lại càng sớm càng tốt và sự tăng trưởng tích cực trong thương mại Việt Nam - EU có thể tiếp tục”. Ông Alain Cany.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Luyện Vũ (thực hiện)