![]() |
Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan Chuyển phát nhanh (Cục Hải quan Hà Nội). Ảnh tư liệu |
Sửa quy định phù hợp với thực tiễn
Thực hiện Công ước Kyoto về việc luật pháp quốc gia phải quy định trị giá tối thiểu và/hoặc số thuế hải quan và thuế khác tối thiểu mà dưới mức đó không thu thuế hải quan và thuế khác, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg (Quyết định số 78) miễn thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với hàng hóa trị giá thấp gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Quyết định số 78 cho đến nay, các quy định của pháp luật về thuế, sự phát triển của thương mại điện tử cũng như thực tiễn quốc tế liên quan đến chính sách thuế đối với hàng hóa nhập khẩu trị giá thấp gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh đã có nhiều thay đổi, dẫn đến việc cần thiết phải rà soát, điều chỉnh quy định.
Hàng hóa gửi qua đường chuyển phát nhanh thực hiện thủ tục theo quy định hiện hànhViệc khai báo hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh vẫn thực hiện theo quy định hiện hành. Tức là: Hàng hóa gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh đường hàng không, đường biển trị giá thấp miễn thuế khai báo trên tờ khai MIC, MEC của Hệ thống VNACCS (không có chức năng tính thuế); hàng hóa gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh đường bộ, đường sắt thực hiện khai tờ khai giấy để tránh quá tải Hệ thống VNACCS. |
Bên cạnh đó, Luật thuế GTGT hiện hành cũng như Luật thuế GTGT số 48/2024/QH15 vừa được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2024 không có quy định về miễn thuế GTGT nói chung và miễn thuế GTGT đối với hàng nhập khẩu trị giá thấp nói riêng. Luật chỉ quy định đối tượng không chịu thuế hoặc đối tượng chịu thuế. Ngoài ra, thời gian gần đây, một số quốc gia trên thế giới như EU, Vương quốc Anh, Úc, Singapore, Thái Lan…cũng đã bãi bỏ quy định không thu thuế GTGT đối với hàng hóa nhập khẩu trị giá thấp.
Căn cứ bối cảnh trong nước và quốc tế, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 01/2025/QĐ-TTg bãi bỏ Quyết định số 78 có hiệu lực thi hành từ ngày 18/2/2025. Đồng nghĩa, hàng hóa nhập khẩu trị giá nhỏ gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh không được miễn thuế GTGT kể từ ngày 18/2/2025. Việc kê khai, nộp thuế GTGT đối với hàng hoá nhập khẩu trị giá nhỏ được thực hiện theo quy định tại Luật Thuế GTGT và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Theo Tổng cục Hải quan, Quyết định số 78 không quy định về thủ tục hành chính nên việc bãi bỏ Quyết định này sẽ không ảnh hưởng đến các thủ tục hành chính hiện hành. Tuy nhiên, trong thời gian chờ nâng cấp hệ thống, người khai hải quan phải khai báo bổ sung một số thông tin trên tờ khai giấy và bảng kê chi tiết hàng hóa phục vụ việc kê khai, nộp thuế GTGT.
Bảo đảm công tác thu đúng chính sách
Hàng hóa nhập khẩu thuộc nhóm có trị giá hải quan trong định mức miễn thuế nhập khẩu và không thuộc mặt hàng phải có giấy phép nhập khẩu, kiểm tra chuyên ngành (nhóm 2), hiện nay, người khai hải quan thực hiện khai trên tờ khai hàng hóa trị giá thấp và các chỉ tiêu thông tin của tờ khai không có chỉ tiêu thông tin liên quan đến việc tính thuế. Thủ tục hải quan không có các quy định liên quan đến việc thu thuế của cơ quan hải quan. Hệ thống không có các chức năng liên quan đến việc tính và thu thuế của cơ quan hải quan.
Để triển khai Quyết định số 01/2025/QĐ-TTg bãi bỏ Quyết định số 78 có hiệu lực từ 18/2/2025, trong khi Bộ Tài chính chưa thể ban hành Thông tư, Tổng cục Hải quan chưa có Hệ thống hỗ trợ, Tổng cục Hải quan đã trình Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện trước mắt.
Đối với hàng hóa nhập khẩu nhóm 2 gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế vận chuyển qua đường không, đường biển, doanh nghiệp chuyển phát nhanh thực hiện khai hải quan theo phương thức điện tử trên Hệ thống VNACCS (tờ khai hàng hóa nhập khẩu trị giá thấp - Tờ khai MIC) theo quy định hiện hành. Doanh nghiệp chuyển phát nhanh thực hiện tính thuế GTGT phải nộp và xuất trình cho cơ quan hải quan theo Mẫu số 02-BKTKTGT Phụ lục I Danh mục 2 ban hành kèm theo Thông tư số 56/2019/TT-BTC ngày 23/8/2019 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, trong đó bổ sung thêm dòng “Tổng trị giá hải quan”, “Thuế suất thuế GTGT” và dòng “Số tiền thuế GTGT”.
Đối với hàng hóa nhập khẩu nhóm 2 gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế vận chuyển qua đường bộ, đường sắt, doanh nghiệp chuyển phát nhanh thực hiện khai tờ khai hải quan theo mẫu HQ/2015/NK ban hành kèm theo Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính. Trong đó: Tại chỉ tiêu ô số (18) trên tờ khai hàng hóa nhập khẩu doanh nghiệp khai tên hàng đại điện cho lô hàng và số file đính kèm HYS (Bản kê chi tiết hàng hóa). Tại chỉ tiêu ô số (29), Thuế GTGT - “Trị giá tính thuế” là “Tổng trị giá hải quan”; “Thuế suất (%)/Mức thuế” là “mức thuế GTGT theo quy định”; “Tiền thuế” là “tổng số tiền thuế phải nộp theo mức thuế GTGT”. Cơ quan hải quan căn cứ bảng kê tính thuế do doanh nghiệp xuất trình để cập nhật nghĩa vụ thuế phải nộp vào Hệ thống kế toán thuế tập trung.
Đối với hàng hóa nhập khẩu có mức thuế GTGT (5%, 8%, 10%) và không chịu thuế GTGT, doanh nghiệp lập các bảng kê hàng hóa nhập khẩu có cùng mức thuế GTGT.
Thực hiện theo phương án này có khả năng bảo đảm công tác thu đúng chính sách, không tạo áp lực trên Hệ thống VNACCS. Tuy nhiên, phát sinh nhược điểm là không thuận lợi trong việc quản lý, thống kê số liệu (số liệu được tổng hợp trên tờ khai giấy và trên Hệ thống tờ khai trị giá nhỏ); phát sinh khối lượng công việc lớn cho cán bộ, công chức tiếp nhận đăng ký tờ khai do phải kiểm tra, xác nhận hoàn thành nghĩa vụ thuế theo phương thức thủ công.
Ông Đào Duy Tám - Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan cho biết, thương mại điện tử hiện vẫn là một mô hình mới tại Việt Nam, mặc dù các hoạt động giao dịch qua sàn giao dịch thương mại điện tử đã có từ lâu và đặc biệt là sau khi dịch bệnh Covid-19 diễn ra thì hoạt động thương mại điện tử ở Việt Nam ngày càng sôi động hơn trước.
GS.TS HOÀNG VĂN CƯỜNG - ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI ĐOÀN HÀ NỘI: Đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng Việc thu thuế hàng nhập khẩu sẽ giúp hàng hóa trong nước được cạnh tranh bình đẳng hơn với hàng hóa nhập khẩu. Bên cạnh đó, khi thu thuế thì chúng ta cần có những chính sách đi kèm theo. Qua đó sẽ kiểm soát được nguồn gốc, xuất xứ và cả chất lượng của các hàng hóa đó. Bởi thực tế hiện nay đã có tình trạng hàng hóa nhập khẩu chất lượng kém, không đúng xuất xứ so với thông tin quảng cáo, hay thậm chí hàng hóa nước ngoài đội lốt hàng Việt Nam, lấy tên, nhãn mác của hàng Việt Nam để bán ở thị trường Việt Nam, làm ảnh hưởng đến thương hiệu, giá trị của sản phẩm trong nước. Do đó, lợi ích của việc thu thuế là vừa đảm bảo việc quản lý nhà nước, vừa an toàn, tránh thiệt hại cho người tiêu dùng. Hoàng Yến (thực hiện) |
ÔNG ĐÀO DUY TÁM - PHÓ CỤC TRƯỞNG CỤC GIÁM SÁT QUẢN LÝ VỀ HẢI QUAN (TỔNG CỤC HẢI QUAN): Hoàn thiện cơ sở pháp lý Hiện nay, Việt Nam chưa có quy định riêng đối với hàng hóa được giao dịch qua thương mại điện tử. Tùy từng trường hợp, hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử được gửi về Việt Nam được thực hiện thủ tục hải quan theo các loại hình khác nhau của cơ quan hải quan. Do đó, nhằm tạo cơ sở pháp lý để thực hiện quản lý đối với loại hình giao dịch thương mại điện tử, Tổng cục Hải quan hiện đang xây dựng dự thảo Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử để trình Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành. Trong đó có nội dung cụ thể như cơ chế phối hợp giữa các đơn vị quản lý, chính sách mặt hàng, thanh toán đối với giao dịch thương mại điện tử nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại điện tử phát triển đảm bảo sự vận hành thông suốt… Đông Mai (thực hiện) |