Khám chữa bệnh từ xa, nâng cao chất lượng chuyên môn tuyến cơ sở Bệnh viện E: Nắm bắt xu hướng khám chữa bệnh trong trạng thái “bình thường mới”

Kéo gần khoảng cách giữa các tuyến y tế

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), ngày 22/6/2020, Bộ Y tế đã phê duyệt Đề án Khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020-2025. Mục tiêu của đề án này là mọi người dân đều được quản lý, tư vấn, khám, chữa bệnh và hỗ trợ chuyên môn từ các bác sĩ ở tuyến xã cũng như tuyến trung ương. Bên cạnh đó, người dân sẽ được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên ngay tại tuyến dưới.

Khám chữa bệnh từ xa, giảm chi phí cho người bệnh
Các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đang hội chẩn, khám chữa bệnh từ xa cho người bệnh. Ảnh: TL.

Trong hơn 1 năm triển khai, đến nay đã có trên 1.500 điểm cầu khám, chữa bệnh được kết nối với các bệnh viện tuyến trung ương và các bệnh viện tuyến cuối của Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Nhiều bệnh viện, trung tâm y tế tại vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo đã đăng ký tham gia và được kết nối trực tuyến để được tư vấn khám chữa bệnh.

PGS.TS Vũ Văn Giáp - Giám đốc Trung tâm đào tạo và chỉ đạo tuyến (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, mặc dù mới thành lập được hơn 1 năm nhưng Bệnh viện Bạch Mai đã có hơn 450 điểm cầu các bệnh viện vệ tinh. Trong đó, rất nhiều điểm cầu tại vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo đã được nối dài với nhiều loại hình như đào tạo chuyên đề, hội chẩn cấp cứu, tư vấn sức khỏe…

Sau khi nhận được yêu cầu, đề xuất của tuyến dưới, trong vòng 30 phút đến 1 tiếng, Bệnh viện Bạch Mai có thể setup ngay buổi hội chẩn, kết nối làm sao để có thể hỗ trợ cho tuyến dưới kịp thời.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp, nhu cầu khám chữa bệnh tăng cao. Để đảm bảo an toàn, giãn cách, tiết kiệm chi phí đi lại cho người dân, rất nhiều bệnh viện đã đẩy mạnh mô hình khám bệnh từ xa thông qua hệ thống công nghệ thông tin "telehealth" hay "telemedicine".

Còn theo PGS.TS Đào Xuân Cơ - Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện Bạch Mai, việc kết nối cả hệ thống y tế các vùng miền, tập trung chữa cho những bệnh nhân rất nặng, nguy kịch. Bệnh viện Bạch Mai đã chuyển tải được những kiến thức, kỹ năng, kỹ thuật để đến với đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, đến với các đồng nghiệp tuyến dưới.

Nhờ sự hỗ trợ của tuyến trên thông qua hệ thống khám chữa bệnh từ xa, nhiều ca bệnh khó, nguy cơ tử vong được điều trị thành công ở tuyến dưới, giúp tăng hiệu quả, sự tiếp cận, san lấp khoảng cách về địa lý, chuyên môn giữa bệnh viện trung ương và tuyến y tế cơ sở.

Tiết kiệm chi phí cho người bệnh

Chia sẻ về kết quả triển khai Đề án Khám chữa bệnh từ xa, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, bệnh viện là đơn vị tiên phong ứng dụng triển khai khám chữa bệnh từ xa trong mùa dịch Covid-19. Từ 2 bệnh viện ban đầu là Bệnh viện đa khoa Mường Khương (Lào Cai), Bệnh viện đa khoa Quảng Xương (Thanh Hoá), đến nay đã có hàng trăm cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện tham gia Đề án Khám chữa bệnh từ xa của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Cùng với hội chẩn, các chuyên gia ở Bệnh viện Đại học Y Hà Nội còn có các báo cáo chuyên đề, cập nhật kiến thức của các chuyên ngành cho cán bộ y tế tuyến dưới. Đến nay, đã có nhiều báo cáo với các chủ đề, chuyên khoa khác nhau: ngoại tiết niệu, tim mạch, ung thư, can thiệp chẩn đoán hình ảnh, ngoại chấn thương, sức khỏe tâm thần, nội tiết…

Trong đó, tất cả các trường hợp mà bệnh viện tuyến dưới đưa ra hội chẩn, đều là các ca bệnh nặng, phức tạp, mà các bác sĩ cơ sở gặp khó khăn trong chẩn đoán, điều trị. Nhờ các buổi khám chữa bệnh từ xa, nhiều bệnh nhân nặng đã được cứu sống, khi các chuyên gia của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cùng các bác sĩ tuyến dưới hội chẩn, đưa ra hướng xử lý chính xác và kịp thời.

“Vì thế, mỗi buổi khám chữa bệnh từ xa không chỉ giúp các bác sĩ tuyến dưới có hướng xử lý ngay với từng bệnh nhân, mang lại lợi ích rất lớn cho người bệnh, mà thông qua các cuộc trao đổi, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm của các chuyên gia, các bác sĩ tuyến dưới có cơ hội nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của ngành Y tế”- PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu cho hay.

Còn theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh từ xa đã phát huy một cách cao nhất hiệu quả chất lượng khám chữa bệnh. Tận dụng hết chuyên môn, trí tuệ của thầy thuốc tuyến trên, giúp thầy thuốc tuyến dưới thêm vững tay nghề, người bệnh được hưởng lợi y tế chất lượng tại cơ sở.

Khám chữa bệnh từ xa sẽ là một công cụ hỗ trợ hữu ích cho hệ thống y tế, giúp tuyến trên không bị quá tải, nâng cao trình độ tuyến dưới, giảm tỷ lệ tái khám, tiết kiệm chi phí đi lại cho người bệnh.../.