Thiết lập khám chữa bệnh từ xa tới tuyến huyện

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, đặt biệt là thời điểm các tỉnh thành phía Nam và TP. Hồ chí Minh bùng dịch, Bộ Y tế đã yêu cầu các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh tại các địa phương đang có dịch bệnh diễn biến phức tạp thành lập phòng khám từ xa để điều trị người bệnh Covid-19 tại nhà.

Khám chữa bệnh từ xa, giảm tải tuyến trên trong điều trị Covid-19
Các bệnh viện thành lập phòng khám từ xa để điều trị người bệnh Covid-19 tại nhà. Ảnh: TL.

Để triển khai hoạt động này, Bộ Y tế đề nghị các bệnh viện xây dựng kế hoạch cụ thể của phòng khám về tổ chức nhân sự, trang thiết bị, cơ sở vật chất, quy chế hoạt động trình giám đốc các bệnh viện phê duyệt trước khi tổ chức thực hiện.

Trong đó, các bác sĩ cần sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin hiện có như Zalo, Zoom, Viber, Messenger, ứng dụng sổ quản lý sức khỏe điện tử, bệnh án điện tử… để hỗ trợ hiệu quả nhất cho người bệnh. Đồng thời, các bệnh viện phải có số điện thoại được công khai trên các phương tiện truyền thông để người dân tiện liên hệ khi cần trợ giúp.

“Bên cạnh đó, các bệnh viện có thể cho phép các bác sĩ có chứng chỉ hành nghề được phép kê đơn điện tử đúng chuyên khoa mình được cấp chứng chỉ hành nghề cho người bệnh mắc Covid-19 trong trường hợp khẩn cấp” - ông Khuê cho hay.

Theo ông Khuê, Bộ Y tế cũng yêu cầu các bệnh viện tuyến tỉnh đề nghị các bệnh viện tuyến Trung ương hỗ trợ về chuyên môn, kinh nghiệm tổ chức thực hiện phòng khám từ xa tư vấn và điều trị cho các ca F0 tại nhà trong quá trình hoạt động.

Ngoài ra, việc sử dụng nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa (Telehealth) tổ chức hội chẩn trực tuyến từ xa để nắm bắt và điều trị tốt nhất cho bệnh nhân Covid-19 và cả các bệnh khác là một trong những giải pháp hiệu quả trong việc hỗ trợ chẩn đoán, điều trị kịp thời, hạn chế quá tải ở các bệnh viện tuyến trên, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh.

Cùng với đó, các bệnh viện được giao nhiệm vụ trung tâm hồi sức tích cực quốc gia và vùng khẩn trương thiết lập mạng lưới tư vấn, hội chẩn từ xa với các bệnh viện thu dung, điều trị Covid-19 theo phạm vi phụ trách theo định kỳ và đột xuất để hướng dẫn phân loại tình trạng người bệnh, tư vấn cấp cứu, điều trị, chuyển viện kịp thời, hạn chế thấp nhất tử vong.

Hội chẩn từ xa điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng

Trực tiếp đến một số cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19, ông Khuê khẳng định, nền tảng Telehealth thiết lập đầy đủ đến các cơ sở điều trị tuyến huyện sẽ mang lại lợi ích nhiều mặt.

Làm việc tại tỉnh Vĩnh Long và Bình Dương, ông Khuê đánh giá cao các kết quả kết nối hội chẩn, chuyển giao kinh nghiệm hữu ích từ các chuyên gia của Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho các bệnh viện dã chiến ở Vĩnh Long, Bình Dương.

Ông Khuê nhấn mạnh, hệ thống chỉ đạo chống dịch, điều trị phải thông suốt, phối hợp nhịp nhàng. Bộ Y tế đã cử vào đây những chuyên gia hàng đầu như PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu và nhiều thầy thuốc khác. Do vậy, tỉnh Bình Dương cần tăng cường hoạt động hội chẩn từ xa để lĩnh hội các kiến thức, kinh nghiệm, hướng dẫn từ tuyến trên cho tuyến dưới. Thông qua kết nối này, lãnh đạo tỉnh hàng ngày nắm chắc, nắm rõ quy trình chuyển bệnh, ca bệnh nặng, ca bệnh nhẹ.

Ông Khuê đề nghị, 2 tỉnh cần phổ biến kỹ năng vận hành kết nối Telehealth thành thạo đến tận các tuyến cơ sở. Các cơ sở y tế tư nhân, các bệnh viện tuyến huyện, bệnh viện dã chiến thông qua kết nối này để được hướng dẫn phác đồ điều trị chuẩn nhất, thuận tiện nhất.

Còn theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, tại TP. Hồ Chí Minh, trong đợt dịch vừa qua, 7 bệnh viện tuyến trên cử cán bộ y tế trực tiếp hướng dẫn chuyên môn tại chỗ, hội chẩn từ xa, tập huấn, đào tạo, nâng cao năng lực, giám sát chất lượng về cấp cứu, điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng cho các quận, huyện và TP.Thủ Đức.

Đồng thời, tổ chức giao ban trực tuyến hằng ngày để rút kinh nghiệm điều trị giữa bệnh viện tuyến trên và bệnh viện tuyến dưới. Phối hợp với Trung tâm cấp cứu 115 trong việc điều phối chuyển tuyến kịp thời và phù hợp người bệnh Covid-19. Ngoài ra, bệnh viện tuyến trên hỗ trợ chuyên môn về hồi sức tích cực từ xa cho các quận, huyện trong thực hiện quản lý, điều trị người nghi nhiễm và nhiễm Covid-19 cách ly điều trị tại nhà./.

Tại lễ công bố kết nối nền tảng Telehealth tới 100% tuyến huyện và ra mắt trung tâm công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, về lâu dài, Bộ sẽ áp dụng đăng ký khám chữa bệnh trực tuyến cho tất cả người dân, đẩy mạnh áp dụng các thành tựu công nghệ về dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo vào quản lý và khám chữa bệnh.

Ngay từ khi dịch Covid-19 mới xuất hiện tại Việt Nam, Tập đoàn Viettel đã đẩy mạnh ứng dụng các giải pháp chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác phòng, chống Covid-19. Trong đó, nền tảng Telehealth đã và đang phát huy hiệu quả khi cho phép hội chẩn từ xa cho các ca bệnh khó, đặc biệt là các ca bệnh Covid-19 đang chuyển biến nặng.