Theo báo cáo của Khu Quản lý đường bộ IV, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN), Bộ GTVT, nhiều tuyến Quốc lộ (QL) bị hư hỏng nặng nền và mặt đường. Khoảng 150 vị trí trên các QL1, QL8, QL7, đường Hồ Chí Minh bị sạt, trượt taluy dương với khối lượng 50.000 m3; hơn 20.000 m2 đường nhựa bị hỏng; 174 cống bị hỏng do đất vùi lấp; 1234 biển báo bị cong, gãy, đổ… Nhiều tuyến quốc lộ bị chia cắt do nước ngập, sạt lở và gây ách tắc giao thông trong thời gian dài như tại QL1 đoạn qua tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An.

Để đảm bảo giao thông an toàn và thông suốt, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN Nguyễn Xuân Cường đã yêu cầu các đơn vị giao thông thuộc Khu Quản lý đường bộ IV thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ; vật tư tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ và hậu cần tại chỗ, khẩn trương tập trung lực lượng hót đất đá sạt lở taluy dương, kè rọ đá những điểm sạt taluy âm; các vị trí ngập lụt tiến hành cắm tiêu, vè và cử người trực gác 24/24h tại những vị trí nguy hiểm, ngập lụt, đồng thời phối hợp với các lực lượng chức năng của địa phương tổ chức điều hành giao thông.

Ở những vị trí xung yếu cần huy động tối đa nhân lực,vật tư, thiết bị máy móc để sớm nối lại mạch máu giao thông tại những địa phương này.

Đối với ngành Đường sắt, việc tổ chức chạy tàu cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi xảy ra ách tắc trên tuyến Bắc – Nam. Tất cả các chuyến tàu đã được dừng tại ga Vinh và Đồng Hới vì hệ thống đường ray đã bị ngập và sạt lở. Ít nhất đã có 3 chuyến tàu Thống Nhất và 1 chuyến tàu đi Nghệ An phải hủy lịch chạy tàu.

Đối với các chuyến tàu bị hủy, nhà ga sẽ có phương thức hoàn tiền trả lại cho hành khách. Ngoài việc hỗ trợ hành khách trong thời gian tàu phải dừng tại các ga trên, ngành đường sắt cũng đang phối hợp với Sở GTVT các tỉnh Quảng Bình và Nghệ An cân nhắc phương án vận chuyển số hành khách trên bằng ô tô đi qua các đoạn ngập với khoảng cách là 20km./.

Trí Dũng