Đầu tư xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc trưng

Theo báo cáo của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Khánh Hòa, giai đoạn 2016 - 2020, công tác quản lý sở hữu trí tuệ đạt nhiều kết quả quan trọng. Toàn tỉnh đã xây dựng 11 thương hiệu sản phẩm đặc trưng, trong đó 9 sản phẩm được hỗ trợ mô hình quản lý, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ.

Các sản phẩm đặc trưng xây dựng thương hiệu dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu địa lý sử dụng địa danh như: xoài Cam Lâm, dừa xiêm Ninh Đa, sầu riêng Khánh Sơn, nước mắm Nha Trang, yến sào Nha Trang… bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cho hộ sản xuất và góp phần quan trọng, hiệu quả vào Chương trình mỗi xã một sản phẩm của tỉnh (OCOP).

Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Khánh Hòa cho hay, trong số 11 thương hiệu sản phẩm đặc trưng thì việc thực hiện quy chế và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Yến sào Nha Trang” được Công ty TNHH MTV Thương mại Hải Yến Nha Trang (tên thương mại The Hai Yen) triển khai thành công đáng ghi nhận và cần được nhận rộng.

Khánh Hòa: Phát triển tài sản trí tuệ định hướng tầm nhìn đến năm 2030
Sản phẩm của The Hai Yen được đăng ký nhãn hiệu chứng nhận “Yến sào Nha Trang”. Ảnh: CTV

Đến thời điểm này, The Hai Yen là đơn vị đầu tiên và duy nhất được Sở Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận sử dụng nhãn hiệu “Yến sào Nha Trang”. Công ty đã đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ 11 sản phẩm mới làm từ yến như: ONE S Tổ yến ăn liền, Blue Coffee Cà phê Yến sào Nha Trang, Blue Coffee Cà phê Đông trùng hạ thảo Yến sào Nha Trang, Yến chất, Yến Plus…

Lãnh đạo The Hai Yen cho hay, đơn vị luôn xác định làm ra sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, có hàm lượng chế biến sâu, tiên tiến, không những quảng bá thương hiệu Yến sào Nha Trang - Khánh Hòa mà còn nâng vị thế của sản phẩm Việt. Đơn vị đang triển khai xây dựng nhà máy sản xuất tại Cụm công nghiệp Trảng É, Nha Trang và tiếp tục nghiên cứu, sản xuất những sản phẩm mới.

Đáng đề cập nữa là Nhãn hiệu tập thể “Hoa cúc Ninh Giang” (thị xã Ninh Hòa) được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận từ năm 2017. Theo Chủ tịch Hội Nông dân phường Ninh Giang, Ninh Giang là “thủ phủ” hoa cúc của tỉnh Khánh Hòa. Vụ cúc tết vừa qua, với tổng sản lượng 45.000 chậu, tất cả người trồng đều có lãi. Đây là năm thứ 2, Hội Nông dân phường tiếp tục cấp tem nhãn hiệu hoa cúc cho nông dân quảng bá sản phẩm với số lượng hơn 1.000 nhãn.

Tuy nhiên, do nhận thức của người trồng hoa về thương hiệu còn hạn chế và sản lượng giảm so với năm trước nên số lượng đăng ký chưa nhiều. Đây là vấn đề cần tiếp tục tuyên truyền, hỗ trợ người dân trong việc xây dựng và bảo vệ giá trị thương hiệu sản phẩm đặc trưng trong thời gian tới.

Còn nhiều thách thức trong xây dựng và phát triển tài sản trí tuệ

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành Quyết định số 2049/QĐ-UBND về việc ban hành Chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021-2025, định hướng tầm nhìn đến năm 2030 với kỳ vọng gia tăng giá trị thương hiệu sản phẩm hàng hóa Khánh Hòa.

Chương trình đặt ra mục tiêu đến năm 2025: Có ít nhất 5 sản phẩm đặc trưng, chủ lực được hướng dẫn đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ; ít nhất 50% chương trình OCOP tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị...

Trên cơ sở thành quả của giai đoạn 2021-2025, Khánh Hòa đặt mục tiêu đến năm 2030 các tài sản trí tuệ của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong tỉnh gia tăng cả về số lượng và chất lượng.

Trong đó, số lượng đơn đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích tăng trung bình 20%/năm; số lượng đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp tăng trung bình 03%/năm; số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu tăng trung bình 10 - 15%/năm; có ít nhất 1 sản phẩm, dịch vụ đặc trưng, chủ lực có tiềm năng xuất khẩu của tỉnh được hỗ trợ xây dựng, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ra nước ngoài; có ít nhất 2 - 3 giống cây trồng của tỉnh Khánh Hòa được hỗ trợ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với giống cây trồng; có ít nhất 5 tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh được thương mại hóa.

Theo Sở Khoa học và Công nghệ Khánh Hòa, thời gian tới, cơ quan chức năng cần hỗ trợ, tăng cường quản lý nhằm mở rộng vùng địa lý canh tác, lan tỏa ảnh hưởng thương hiệu. Mặt khác, cần tập trung bảo hộ nhóm đối tượng về sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, giống cây trồng… Bên cạnh đó, các hoạt động hỗ trợ, khai thác giá trị thương hiệu, chuyển giao và thương mại hóa tài sản trí tuệ tồn tại nhiều khó khăn về giám định, kinh nghiệm xử lý, xác định hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cần được rà soát, rút kinh nghiệm.

Để đạt được các mục tiêu đã nêu Chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, Khánh Hòa tăng cường các hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ; thúc đẩy đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ ở trong và ngoài nước; nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ; thúc đẩy và tăng cường hiệu quả thực thi và chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; phát triển, nâng cao năng lực các tổ chức trung gian và chủ thể quyền sở hữu trí tuệ; hình thành, tạo dựng văn hóa sở hữu trí tuệ trong xã hội.