Nhiều yếu tố đặc thù

Theo báo cáo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh giải ngân đầu tư công mới đây, TP. Hồ Chí Minh được cho là một trong những địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp. Kết quả cập nhật tại Kho bạc Nhà nước thành phố tính đến ngày 30/9/2022, thành phố đã giải ngân được 11.327 tỷ đồng, trên tổng số 43.860 tỷ đồng kế hoạch vốn, đạt tỷ lệ giải ngân là 26%, thấp hơn tỷ lệ giải ngân trung bình của cả nước (46,67%).

Ông Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc KBNN TP. Hồ Chí Minh cho biết, bên cạnh một số nguyên nhân phổ biển như công tác giải phóng mặt bằng, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng, yếu tố chủ quan của một số chủ đầu tư... như đã và đang diễn ra ở nhiều địa phương, thì TP. Hồ Chí Minh còn gặp thêm khó khăn do một số yếu tố đặc thù.

Kiểm soát thu - chi ở Kho bạc Nhà nước quận 3. Ảnh: Sơn Nam
Kiểm soát thu - chi ở Kho bạc Nhà nước quận 3. Ảnh: Sơn Nam

Theo đó, mô hình chính quyền đô thị tại TP. Hồ Chí Minh được cơ cấu lại với mục đích giúp tinh gọn bộ máy, bảo đảm tính thống nhất, xuyên suốt, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy. Tuy nhiên, công tác quản lý, điều hành ngân sách chưa đáp ứng kịp thời việc thực hiện nhiệm vụ tại địa phương do quận không còn là một cấp ngân sách, theo quy định tại Nghị quyết 131/2020/QH14 ngày 16/11/2020 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hồ Chí Minh và Nghị định 33/2021/NĐ-CP ngày 29/03/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 131/2020/QH14. Theo đó, vấn đề liên quan điều chỉnh kế hoạch vốn của các dự án trước kia thuộc thẩm quyền của UBND quận, nay phải báo cáo Sở Tài chính trình UBND trước khi báo cáo và trình HĐND thành phố xem xét, thông qua tại kỳ họp gần nhất. Điều này không đáp ứng kịp thời nhu cầu giải ngân, điều chỉnh kế hoạch vốn ở các quận.

Lãnh đạo KBNN TP. Hồ Chí Minh cũng cho biết, công tác phối hợp giải ngân đầu tư công và triển khai thực hiện dự án còn hạn chế, còn bị động trong huy động các nguồn lực khác và sự tham gia của các thành phần kinh tế (thông qua hợp tác công tư) để bổ sung, hỗ trợ cho đầu tư công. Đối với các dự án sử dụng vốn nước ngoài, một số dự án sử dụng vốn vay, vốn nhà tài trợ giải ngân theo hình thức ghi thu ghi chi, quá trình thực hiện phải tuân thủ theo quy trình của nước cho vay, qua nhiều bước, các bước thực hiện phải xin ý kiến đồng thuận.

Cá biệt, vẫn còn nhiều dự án chưa được chủ đầu tư ước tính sát với thực tế triển khai, dẫn đến tình trạng phân bổ kế hoạch vốn đầu tư chưa sát nhu cầu thực tế. Nhiều dự án triển khai tốt thì lại không được ghi kế hoạch vốn, dự án chậm triển khai thì được bố trí kế hoạch vốn. Hệ quả của điều này là vốn không giải ngân được, đồng thời gây ra nợ đọng trong xây dựng cơ bản.

Thanh toán trước phải đi đôi với tăng cường hậu kiểm

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang phải chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ các yếu tố bên ngoài, việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công của TP. Hồ Chí Minh là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Giám đốc KBNN TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Hoàng Hải cho rằng, kho bạc được xem là “mắt xích” sau cùng trong chuỗi giải ngân vốn đầu tư công, với chức năng nhiệm vụ kiểm soát, thanh toán, chi trả các khoản chi ngân sách nhà nước và các nguồn vốn khác trên địa bàn theo quy định của pháp luật.

“Mặc dù là mắt xích cuối cùng, nhưng KBNN TP. Hồ Chí Minh đã tích cực chủ động tham gia tích cực trong việc triển khai các giải pháp của chính quyền thành phố để kịp thời nắm bắt và góp ý xử lý những khó khăn vướng mắc trong công tác giải ngân đầu tư công” - ông Hải khẳng định.

Theo đó, thông qua việc áp dụng phương thức “thanh toán trước, kiểm soát sau” nguồn vốn đầu tư, KBNN sẽ làm thủ tục thanh toán ngay sau khi nhận đủ hồ sơ hợp pháp, hợp lệ theo quy định. Việc kiểm soát chi và xử lý kết quả kiểm tra được KBNN thực hiện sau khi đã thanh toán các khoản chi. Đặc biệt, với phương thức “thanh toán trước, kiểm soát sau”, thời gian để kiểm soát, thanh toán vốn cho các chủ đầu tư, nhà thầu đã được rút ngắn từ 3 ngày làm việc xuống còn 1 ngày. Đây được coi là bước cải cách mạnh mẽ của KBNN trong công tác kiểm soát, thanh toán góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Áp dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4

Đến nay, Kho bạc Nhà nước TP. Hồ Chí Minh đã triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, thực hiện 100% công tác gửi hồ sơ, chứng từ và trả kết quả qua dịch vụ công trực tuyến Kho bạc Nhà nước, đồng thời ban hành quy trình tiếp nhận, kiểm soát, luân chuyển chứng từ chi ngân sách nhà nước qua cổng dịch vụ công trực tuyến Kho bạc Nhà nước theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015, qua đó quy định cụ thể từng khung giờ đối với việc tiếp nhận - kiểm soát - luân chuyển chứng từ chi ngân sách.

Theo Giám đốc Nguyễn Hoàng Hải, việc áp dụng phương thức này đã được tất cả chủ đầu tư đồng thuận, với nguyên do: công tác xây dựng cơ bản sử dụng vốn đầu tư công rất phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều cá nhân, tổ chức, trình tự thực hiện đan xen nhiều công việc. Do vậy, khi thiết lập hồ sơ dự án nói chung và hồ sơ thanh toán vốn gửi KBNN nói riêng không tránh khỏi việc thiếu sót do chưa đủ thời gian thực hiện… Nếu chỉ áp dụng phương thức “kiểm soát trước, thanh toán sau” sẽ mất thêm nhiều thời gian để KBNN kiểm tra, sau đó thông báo đến chủ đầu tư, ban quản lý dự án hoàn thiện đầy đủ thủ tục rồi mới thanh toán. Do đó, công tác giải ngân vốn đầu tư cũng sẽ bị chậm theo.

Tuy nhiên với phương thức thanh toán trước, kiểm soát sau, việc thanh toán vốn hầu như được thực hiện đồng thời với việc gửi hồ sơ, thủ tục thanh toán đến KBNN. Việc xử lý và bổ sung những dữ liệu còn thiếu của hồ sơ thanh toán được xử lý vào lần thanh toán kế tiếp. Vì vậy mà việc thanh toán vốn đã được rút ngắn thời gian rất nhiều. Lãnh đạo KBNN TP. Hồ Chí Minh cũng cho biết, để đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư công, đối với các trường hợp đã có khối lượng nghiệm thu hoàn thành, nhưng còn vướng mắc thủ tục thanh toán, KBNN đề nghị UBND thành phố xem xét, chỉ đạo các sở, ban, ngành có liên quan, chủ đầu tư các dự án nghiên cứu tạm ứng trên giá trị khối lượng nghiệm thu hoàn thành.

Quyết liệt hơn trong 3 tháng cuối năm

Để nâng cao tỷ lệ giải ngân và cùng chính quyền TP. Hồ Chí Minh hoàn thành nhiệm vụ giải ngân đầu tư công trong 3 tháng cuối năm, KBNN TP. Hồ Chí Minh cho biết, đã quán triệt đến từng đơn vị thuộc và trực thuộc thường xuyên theo dõi; cập nhật các chủ trương, chính sách, văn bản chế độ mới liên quan đến thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022 nói chung, các văn bản chính sách liên quan đến công tác quản lý, kiểm soát chi NSNN nói riêng để triển khai thực hiện công tác thanh toán, đảm bảo thông suốt, liên tục, không bị ách tắc, không bị tồn đọng bất kỳ hồ sơ thanh toán nào tại KBNN mà không rõ lý do. Từ đó giúp thúc đẩy mạnh mẽ dòng tiền từ NSNN nhanh chóng đi vào nền kinh tế.

Trong khâu tổ chức thực hiện dự án đầu tư công, đơn vị đã kiến nghị UBND thành phố yêu cầu các chủ đầu tư dự án đảm bảo đúng thời gian thực hiện đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tránh để xảy ra tình trạng “ngâm” vốn dẫn đến phải điều chỉnh thời gian thực hiện dự án, đồng thời kiên quyết xử lý trách nhiệm các bên liên quan và các chủ đầu tư có nhiều dự án điều chỉnh, gia hạn; một dự án phải điều chỉnh, gia hạn nhiều lần.