Kho bạc “phủ sóng“ dịch vụ công trực tuyến tại các địa bàn khó khăn
Cán bộ Kho bạc nhà nước đang hướng dẫn khách hàng các thủ tục thanh toán vốn ngân sách. Ảnh: Hạnh Thảo

Dịch vụ công trực tuyến đã thu hẹp khoảng cách

Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) được Kho bạc Nhà nước (KBNN) triển khai thí điểm từ năm 2016 và phủ sóng diện rộng tới tất cả các đơn vị KBNN tỉnh, thành phố vào đầu năm 2018. DVCTT đã trở thành kênh giao dịch hiện đại, giúp các đơn vị sử dụng ngân sách (SDNS) thuận lợi trong giao dịch.

KBNN huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái bắt đầu triển khai DVCTT từ tháng 4/2020. Lúc mới triển khai, KBNN Yên Bình đã gặp không ít khó khăn khi các đơn vị SDNS vẫn còn e ngại với phương thức giao dịch mới này, nên chưa hào hứng. Vì thế, tỷ lệ các đơn vị SDNS tham gia còn khiêm tốn.

Tuy nhiên, với các đơn vị SDNS đã tham gia, thấy được những lợi ích của DVCTT mang lại như: theo dõi được tiến độ xử lý hồ sơ của cán bộ kho bạc đang ở khâu nào, tiết kiệm được chi phí in chứng từ giấy, đặc biệt là tiết kiệm được thời gian khi không còn phải mang hồ sơ trực tiếp sang kho bạc đã rất hào hứng và lan tỏa những tiện ích này đến với các đơn vị chưa tham gia. Theo đó, chỉ trong một thời gian ngắn, 100% đơn vị SDNS trên địa bàn huyện đã đăng ký tham gia DVCTT của kho bạc.

Từ khi triển khai DVCTT thành công, khu vực giao dịch “một cửa” tại KBNN Yên Bình đã không còn khách hàng đến giao dịch. Thay vào đó, các đơn vị SDNS đã gửi chứng từ đến kho bạc qua DVCTT.

Đặc biệt, với các xã cách trung tâm huyện từ 30 - 100 km như xã Tân Nguyên, xã Xuân Long, mỗi lần giao dịch với KBNN huyện, cán bộ kế toán của xã phải đi mất từ vài tiếng đồng hồ đến 2 ngày, thì nay chỉ cần ngồi tại trụ sở cơ quan và “click chuột” trên máy tính là đã gửi được hồ sơ thanh toán sang kho bạc. Vì thế, ngoài việc tiết kiệm được chi phí đi lại, DVCTT còn giúp các đơn vị SDNS tiếp cận nhanh được với nguồn vốn ngân sách để kịp thời thực hiện các nhiệm vụ của đơn vị.

Từ ngày 1/3/2020, KBNN Bắc Kạn đã triển khai DVCTT trên phạm vi toàn tỉnh cho các đơn vị SDNS, chủ đầu tư có mở tài khoản giao dịch tại KBNN Bắc Kạn và các đơn vị trực thuộc.

Ông Tạ Quốc Bảo - Giám đốc KBNN Bắc Kạn cho biết, với đặc thù là một tỉnh miền núi, giao thông đi lại khó khăn, nếu giao dịch bằng hình thức trực tiếp, nhiều đơn vị sử dụng ngân sách cần tối thiểu 3 giờ đồng hồ di chuyển đến KBNN Bắc Kạn để giao nhận hồ sơ chứng từ chi ngân sách.

“Vì thế, việc triển khai thành công và vận hành ổn định hệ thống DVCTT đã giúp các đơn vị giao dịch gửi hồ sơ chứng từ qua mạng internet thuận tiện, kịp thời, mọi lúc, mọi nơi. Qua đó, góp phần giảm thiểu thời gian, chi phí đi lại, tiết kiệm chi phí văn phòng phẩm so với phương pháp giao dịch bằng chứng từ giấy nên đã nhận được sự ủng hộ, đồng thuận cao của các đơn vị” - ông Bảo nhấn mạnh.

Tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị sử dụng ngân sách

Kho bạc Nhà nước (KBNN) cho biết, để đảm bảo hệ thống dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) hoạt động ổn định, thông suốt, nhất là tại các địa bàn khó khăn, KBNN đã tiếp nhận và giải quyết kịp thời các vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị sử dụng ngân sách tác nghiệp nhanh chóng trên DVCTT và giao diện thanh toán liên thông với các hệ thống ứng dụng liên quan.

Đặc biệt, ông Bảo cho biết, sau 3 năm thực hiện giao dịch trên DVCTT, qua khảo sát của KBNN Bắc Kạn, các đơn vị SDNS trên địa bàn tỉnh đều rất hài lòng với việc giao dịch trên DVCTT của kho bạc, vì đã rút ngắn thời gian giao dịch và hoàn thiện hồ sơ giao dịch, tiết kiệm tối đa chi phí và thời gian đi lại, hạn chế rủi ro.

Đồng thời, DVCTT cũng giúp cho đơn vị giao dịch có thể nắm rõ được thời gian, tiến độ tiếp nhận và xử lý hồ sơ tại KBNN, qua đó kịp thời thực hiện kế hoạch nhiệm vụ của đơn vị.

Có thể thấy, với việc triển khai thành công DVCTT của KBNN trên phạm vi toàn quốc đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của khách hàng giao dịch. Đặc biệt, với các tỉnh miền núi, giao thông đi lại khó khăn như Bắc Kạn và Yên Bái, DVCTT đã thu hẹp khoảng cách, đưa nhanh, kịp thời nguồn vốn ngân sách đến từng địa bàn giúp địa phương phát triển kinh tế - xã hội vững mạnh.

100% thủ tục hành chính mức độ 4 lên dịch vụ công

Qua gần 5 năm nỗ lực từ thực hiện thí điểm đến triển khai diện rộng trên cả nước, đến nay KBNN đã cung cấp 100% thủ tục hành chính mức độ 4 (9 thủ tục) lên DVCTT và 100% đơn vị SDNS thuộc đối tượng bắt buộc tham gia DVCTT. Trung bình mỗi ngày phát sinh khoảng 150.000 giao dịch, ngày cao điểm 200.000 giao dịch qua DVCTT.

Không dừng lại tại đó, trong thời gian qua, KBNN đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ để tích hợp DVCTT của KBNN lên Cổng Dịch vụ công quốc gia; kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu với Cổng Dịch vụ công quốc gia phục vụ thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính trong giải quyết thủ tục hành chính.

Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu tra cứu thông tin của đơn vị SDNS, KBNN đã tiến hành xây dựng và cung cấp ứng dụng trên nền tảng thiết bị di động, cho phép chủ tài khoản, kế toán trưởng của đơn vị giao dịch có thể nhận, tra cứu thông tin về biến động số dư tài khoản, trạng thái xử lý hồ sơ giao dịch qua điện thoại thông minh.

Theo đánh giá từ các nhà quản lý, trong gần 5 năm qua, KBNN đã thực hiện tốt công tác giám sát, quản trị vận hành, đảm bảo hệ thống DVCTT hoạt động thông suốt, ổn định phục vụ các đơn vị SDNS tham gia DVCTT được thuận lợi, nhanh chóng và hiệu quả, đáp ứng được lượng người sử dụng rất lớn trong cùng một thời điểm.

Việc triển khai DVCTT của KBNN đã cung cấp thêm kênh giao dịch điện tử, là một bước tiến lớn trong việc hình thành kho bạc điện tử, là bước cải cách hành chính mạnh mẽ của KBNN theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, đáp ứng được các chủ trương định hướng chiến lược, các hạng mục nghiệp vụ theo cấu trúc hệ thống chính phủ điện tử.

Để phát huy các tiện ích của DVCTT mang lại, đặc biệt để giúp các đơn vị SDNS tại các vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại còn nhiều khó khăn, các đơn vị KBNN đang nỗ lực đẩy mạnh giao dịch trên DVCTT để giúp các đơn vị SDNS nhiều thuận lợi hơn nữa trong giao dịch với kho bạc.

Đơn cử như tại KBNN Bắc Kạn, ông Tạ Quốc Bảo cho biết, thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp hỗ trợ giúp các đơn vị SDNS không phải đến KBNN nhận bảng kê thanh toán, đối chiếu số dư. Đồng thời, KBNN Bắc Kạn tiếp tục nâng cao chất lượng kiểm soát, giao nhận hồ sơ chứng từ của các đơn vị và KBNN trên DVCTT.

Còn tại KBNN Yên Bái, để phát huy những thành quả đạt được trong triển khai DVCTT và để đẩy mạnh giao dịch trên DVCTT tại các huyện miền núi xa xôi, đơn vị sẽ tiếp tục tăng cường bồi dưỡng, tập huấn kiến thức về giao dịch điện tử, năng lực vận hành tác nghiệp trên chương trình DVCTT cho công chức kho bạc tại những địa bàn này cũng như các đơn vị SDNS.

Đồng thời, đơn vị sẽ thường xuyên cập nhật, nâng cấp, hoàn thiện các chương trình ứng dụng đảm bảo duy trì hoạt động bình thường, đầy đủ các tính năng nhằm giảm thời gian hơn nữa và nâng cao hiệu quả công việc.

Minh bạch trong kiểm soát chi ngân sách nhà nước

Thời gian qua, bên cạnh việc tạo điều kiện thuận lợi, giảm chi phí đi lại, chờ đợi cho khách hàng, việc sử dụng DVCTT với chữ ký số đã tăng cường tính bảo mật, tránh việc giả mạo chữ ký, con dấu của đơn vị, giúp khách hàng cũng như KBNN có thể giám sát quá trình xử lý hồ sơ và kiểm soát chi ngân sách nhà nước (NSNN), nâng cao tính trách nhiệm và minh bạch trong công tác kiểm soát chi NSNN nói riêng và giao dịch với khách hàng nói chung.

Ngoài ra, việc DVCTT hỗ trợ lấy số liệu tự động trên TABMIS đã giúp việc đối chiếu, xác nhận số liệu của đơn vị giao dịch tại KBNN được chính xác, nhanh chóng, giảm thiểu sai sót trong quá trình đối chiếu, góp phần đảm bảo an toàn tiền, tài sản của Nhà nước.