PV: Qua 4 tháng đầu năm, ông đánh giá thế nào về bức tranh kinh tế hiện nay và triển vọng những tháng tới?

TS. Nguyễn Đình Cung: Về tình hình kinh tế nói chung, đến nay chúng ta đều thấy thực tế đã diễn ra như những gì đã lường trước. Đó là những khó khăn bắt đầu xuất hiện từ cuối năm ngoái và ngày càng rõ nét hơn. Những cơ hội, thuận lợi là có nhưng khó khăn, thách thức vẫn nhiều hơn. Tuy nhiên, nếu tận dụng tốt được các cơ hội thì tình hình kinh tế thời gian tới sẽ khả quan hơn.

Khó khăn, thách thức mở ra cơ hội để hành động thúc đẩy phát triển
TS. Nguyễn Đình Cung

Các cơ hội đang tới có thể kể đến như: Trung Quốc mở cửa trở lại. Kinh tế Trung Quốc phục hồi khá mạnh mẽ, dự kiến đạt mức tăng trưởng 5% so với 3% năm 2022. Các quan hệ thương mại, đầu tư và du lịch với Trung Quốc đang mở lại bình thường. Du lịch quốc tế phục hồi và tăng nhanh.

Ở trong nước, các mô hình kinh doanh mới, nhất là thương mại điện tử sẽ phát triển nhanh, đa dạng. Nhiều dự án đầu tư công được gấp rút triển khai. Thị trường chứng khoán phục hồi dần. Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc và các quốc gia khác gia tăng. Áp lực cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, áp lực khôi phục niềm tin trên thị trường tài chính ngày càng mạnh mở ra cơ hội để hành động thúc đẩy phát triển.

Tuy nhiên, khó khăn và thách thức còn nhiều. Tình hình thế giới biến động nhanh, khó lường. Các động lực tăng trưởng của nền kinh tế đang có xu hướng suy giảm, ít nhất là kéo dài đến quý II. Ngành công nghiệp nói chung và ngành chế biến chế tạo nói riêng vốn là động lực tăng trưởng chính cho nền kinh tế tăng trưởng âm. Vốn FDI đăng ký trong 3 tháng đầu năm 2023 giảm là 38,5%.

Các đầu tàu kinh tế lớn của cả nước đều sụt giảm tăng trưởng, trong đó TP. Hồ Chí Minh (TP.HCM) chỉ tăng trưởng 0,7%... Nhiều địa phương là trung tâm xuất khẩu của cả nước có mức tăng trưởng âm như Bắc Ninh (giảm 11,85%), Quảng Nam (giảm 10,88%), Bà Rịa - Vũng Tàu (giảm 4,75%), Vĩnh Phúc (giảm 2,47%).

PV: Những biến động tiêu cực của thị trường bên ngoài cũng như trong nước không phải là điều mới mẻ và vẫn thường diễn ra, không do nguyên nhân này thì nguyên nhân khác. Tuy nhiên sự sụt giảm của các đầu tàu tăng trưởng bắt nguồn từ nguyên nhân này hay còn những vấn đề gì khác thưa ông?

TS. Nguyễn Đình Cung: Quan sát những năm vừa qua, sự sụt giảm của TP.HCM hiện nay không có gì đáng ngạc nhiên. Những điểm nghẽn của TP.HCM về hạ tầng giao thông, bộ máy hành chính và cả chính tư duy phát triển... đã kéo dài nhiều năm.

Khó khăn, thách thức mở ra cơ hội để hành động thúc đẩy phát triển

Hoạt động sản xuất của một doanh nghiệp Nhật Bản tại Khu chế xuất Tân Thuận, TP. Hồ Chí Minh.

Tắc nghẽn về kết nối giao thông, cơ sở hạ tầng đã khiến việc phân bổ, sử dụng nguồn lực của TP.HCM kém hiệu quả đi, từ đó khó nâng cao năng suất lao động. Trong khi đó, TP.HCM vẫn tiếp tục phát triển những ngành sử dụng nhiều lao động, tốn nhiều đất, như có những doanh nghiệp dệt may có cả trăm nghìn lao động, khiến hạ tầng càng thêm quá tải. TP.HCM là nơi đông dân nhất, tập trung nhiều doanh nghiệp nhất cả nước nhưng nhân lực của bộ máy hành chính cũng không lớn hơn so với nhiều địa phương khác là bao.

Nhìn rộng ra câu chuyện của TP.HCM cũng là vấn đề của cả nước. Các giai đoạn phát triển của chúng ta cũng như các nước khác, giai đoạn thứ nhất là tăng trưởng theo chiều rộng, dựa vào nguồn lực đất đai, vốn, lao động, và giai đoạn này của chúng ta đã tận khai. Giai đoạn thứ hai là tăng trưởng theo chiều sâu, dựa vào nâng cao năng suất lao động. Giai đoạn thứ ba là phát triển dựa vào đổi mới sáng tạo.

Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta có thể vừa phát triển dựa trên nâng cao năng suất lao động, vừa dựa trên đổi mới sáng tạo. Muốn vậy phải dựa vào thị trường, chỉ có cơ chế thị trường mới huy động và phân bổ được nguồn lực hiệu quả, thúc đẩy nâng cao năng suất lao động và đổi mới sáng tạo. Lâu nay, những cải cách về kinh tế thị trường đang chững lại. Tất nhiên, thị trường vẫn có những thất bại vàđólàlúccầnđếnbàntay Nhà nước.

Vấn đề của chúng ta không phải là thiếu nguồn lực, mà nguồn lực bị tắc nghẽn, nơi thừa, nơi thiếu, nơi đóng băng... Những yếu tố này cộng hưởng với những tác động tiêu cực từ dịch Covid-19, sự suy giảm của thị trường thế giới, cú sốc trên thị trường bất động sản đã kéo chậm đà tăng trưởng của nền kinh tế.

PV: Những thách thức, khó khăn với nền kinh tế liệu có phải đang trở thành “áp lực cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, áp lực khôi phục niềm tin trên thị trường, mở ra cơ hội để hành động thúc đẩy phát triển” như ông đã nói ở trên?

TS. Nguyễn Đình Cung: Có thể nói như vậy. Theo dõi các chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thời gian qua, có thể thấy những vấn đề khó khăn, thách thức với hoạt động sản xuất kinh doanh, với nền kinh tế đã được Chính phủ nhận diện trúng và có những hành động, chỉ đạo cụ thể, quyết liệt.

Quan trọng là sớm đưa các chính sách đi vào thực tiễn

Tại Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 21/4/2023 những vướng mắc doanh nghiệp đề cập nhiều nhất đã được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu giải quyết ngay như về phòng cháy chữa cháy, môi trường, thủ tục pháp lý cho bất động sản... Gỡ được những vấn đề này thì sẽ giải phóng được nguồn lực rất lớn cho nền kinh tế. Điều quan trọng là làm sao sớm đưa các chính sách đi nhanh vào thực tiễn.

Liên tục từ đầu năm, Thủ tướng đã có các chuyến công tác đôn đốc triển khai các dự án quan trọng trải dài trên cả nước, các cuộc làm việc với từng bộ, ngành, địa phương để lắng nghe, chỉ đạo tháo gỡ nhiều vấn đề vướng mắc.

Mới đây, Thủ tướng đã có Công điện 280/CĐ-TTg về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương, yêu cầu kiên quyết khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, không quyết định công việc thuộc thẩm quyền; thậm chí đẩy việc lên cấp trên hoặc các cơ quan khác... điều đang khiến nhiều công việc bị đình trệ lâu nay.

Đặc biệt, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 21/4/2023 về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025. Nghị quyết đã nêu ra cụ thể và toàn diện những vần đề tồn đọng trong hầu hết các lĩnh vực kinh tế, đề ra những giải pháp trước mắt cho thị trường vốn, bất động sản, lao động, vướng mắc pháp lý... cũng như những giải pháp cho dài hạn.

Tại Nghị quyết 58, những vướng mắc doanh nghiệp đề cập nhiều nhất đã được Thủ tướng yêu cầu giải quyết ngay như về phòng cháy chữa cháy, môi trường, thủ tục pháp lý cho bất động sản... Gỡ được những vấn đề này thì sẽ giải phóng được nguồn lực rất lớn cho nền kinh tế. Điều quan trọng là làm sao sớm đưa các chính sách đi vào thực tiễn.

Theo tôi được biết, tại kỳ họp thứ 5 tới đây, dự kiến có tới 16 dự án luật, 4 dự thảo nghị quyết sẽ được cho ý kiến và xem xét, thông qua. Trong đó có những luật ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động của nền kinh tế như Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)…

Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, thị trường, các nhà đầu tư, doanh nghiệp đang có tâm lý chờ đợi nghe ngóng các động thái chính sách, hàng lang pháp lý mới sẽ như thế nào, sẽ thuận lợi hay chặt chẽ hơn. Tôi rất kỳ vọng rằng việc sửa đổi các luật sẽ được thực hiện theo nguyên tắc giảm đi những rào cản, chi phí cho doanh nghiệp; chỉ quy định những nguyên tắc cơ bản để tạo sân chơi công bằng, minh bạch cho mọi chủ thể trong nền kinh tế, tránh đi tư duy làm luật để quản lý.

PV: Xin cảm ơn ông!