Đây là một trong những nội dung tại báo cáo “Năng lực cạnh tranh và công nghệ ở cấp độ doanh nghiệp tại Việt Nam năm 2013” vừa được Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, Tổng cục Thống kê và Trường đại học Copenhagen (Đan Mạch) công bố sáng nay, 3/11/2014.

Báo cáo này tổng hợp các phát hiện từ cuộc điều tra năng lực cạnh tranh và công nghệ năm 2013, cung cấp thông tin chi tiết về mức độ cạnh tranh, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ở Việt Nam.

Theo kết quả điều tra, các doanh nghiệp nhận thức được lợi ích của việc đầu tư công nghệ và đã làm những gì họ có thể nâng cao chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên nhiều trở ngại đang tồn tại cản trở doanh nghiệp đầu tư vào những lĩnh vực cần thiết để đổi mới doanh nghiệp.

Giáo sư Finn Tarp – Trường Đại học Cophenhagen cho biết, những trở ngại đối với các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp hiện nay theo thứ tự là: Tài chính, máy móc thiết bị, lao động có kỹ năng, nguồn lao động, hạ tầng cơ bản, hạ tầng giao thông và hạ tầng thông tin liên lạc.

Kết quả điều tra năm nay nhấn mạnh những hạn chế về tín dụng đối với doanh nghiệp trong việc đưa ra quyết định về cải tiến công nghệ, trong đó có sự chênh lệch rất lớn giữa nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp và mức tín dụng doanh nghiệp nhận được.

khoa hoc
Áp dụng khoa học công nghệ sẽ nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp. Ảnh: ĐT

Tiếp cận tài chính luôn là một trở ngại phổ biến đối với các doanh nghiệp hiện nay. Doanh nghiệp không có khả năng đầu tư cho cải tiến công nghệ bởi những hạn chế về tín dụng hoặc không đủ vốn tự có.

Trong khi phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam dựa vào vốn chủ sở hữu để cải tiến công nghệ, điều đó cho thấy khả năng đầu tư của doanh nghiệp bị hạn chế bởi nguồn vốn có sẵn, ví dụ như lợi nhuận giữ lại.

Chính vì thế có tới 90% số doanh nghiệp được điều tra hiện chưa có chiến lược cải tiến công nghệ trong khi công nghệ tiên tiến hơn có thể mang lại lợi ích cho doanh nghiệp.

“Điều này cho thấy môi trường kinh doanh và hoàn cảnh doanh nghiệp Việt Nam nói chung vẫn trong tình trạng trì trệ” – Báo cáo nêu rõ.

Báo cáo cũng cho rằng, điều quan trọng hiện nay là các chính sách phải được ban hành để hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển. Đặc biệt cần tập trung vào việc tháo gỡ dứt điểm những hạn chế được nêu trên. Chính sách công nghiệp hiện tại dường như không đủ đối phó với những vấn đề này.

Với tư cách là chuyên gia bình luận cho báo cáo này, bà Phạm Chi Lan đã đánh giá cao việc báo cáo được công bố trong bối cảnh những thông tin về năng suất lao động gây “sốc” thời gian vừa qua để chính phủ và doanh nghiệp cần cải thiện lại vấn đề này.

Tuy nhiên, theo bà Lan, báo cáo cũng cần làm rõ hơn con số doanh nghiệp bị loại ra khỏi thị trường trong thời gian qua, nhất là giai đoạn 2010 – 2013 với nhiều chấn động mạnh về vĩ mô. Các doanh nghiệp áp dụng công nghệ thì khả năng chống đỡ tốt hơn đến mức độ nào.

Ngoài ra, cũng theo bà Lan, không nên chỉ ưu tiên phát triển công nghệ cho các doanh nghiệp lớn như kiến nghị trong báo cáo, mà cần hỗ trợ cho cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bởi thực tế hiện nay doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp nhiều khó khăn hơn các doanh nghiệp lớn, nhất là trong việc tiếp cận nguồn vốn. Trong khi đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang tạo công ăn việc làm nhiều nhất cho người lao động. Đổi mới khoa học công nghệ ở lĩnh vực DNNVV sẽ giúp họ tránh được nguy cơ giải thể, phá sản.

“Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực này cần thận trọng, tránh trình trạng nước chảy chỗ trũng” – bà Lan nhấn mạnh./.











Trung Ninh