PV: Chính phủ mới đây đã ban hành Nghị định số 34/2022/NĐ-CP (Nghị định 34) gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2022, với tổng số tiền được gia hạn dự kiến lên đến 125.300 tỷ đồng. Ông đánh giá thế nào về động thái này của Chính phủ trong nỗ lực hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) trong quá trình phục hồi sau đại dịch?

“Khoản vay không lãi” giúp doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch
TS. Nguyễn Văn Hiến

TS. Nguyễn Văn Hiến: Có thể nói, việc Chính phủ ban hành Nghị định 34 về việc gia hạn tiền nộp thuế và tiền thuê đất có hiệu lực từ ngày 28/5 đến hết ngày 31/12/2022 trong thời điểm hiện nay là rất cần thiết và kịp thời. Đây là một phần của gói chính sách tài khóa hỗ trợ phục hồi kinh tế của Chính phủ. Trước đó, trong năm 2021, Chính phủ cũng đã có một động thái tương tự khi ban hành Nghị định 52/2021/NĐ-CP và chính sách đó đã phát huy được tác dụng, nên Chính phủ tiếp tục ban hành nghị định tương tự để thực hiện trong năm 2022.

Đại dịch Covid-19 trong thời gian qua đã tàn phá nền kinh tế rất nặng nề, làm cho hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều DN bị đình trệ, thậm chí nhiều DN đã phải ngừng hoạt động, “chết lâm sàng”. Hiện Việt Nam đã kiểm soát được dịch bệnh, mọi hoạt động kinh tế gần như đã trở lại bình thường... Đây chính là thời điểm các DN bắt đầu phục hồi sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, do phải gắng sức cầm cự trong giai đoạn dịch bệnh nên nhiều DN về cơ bản đã cạn kiệt nguồn lực tài chính, đang rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước. Vì vậy, việc gia hạn thời hạn nộp thuế theo Nghị định 34 mang lại ý nghĩa rất lớn với DN.

PV: Theo ông, việc gia hạn này sẽ có tác động nào tới hoạt động sản xuất kinh doanh của DN?

TS. Nguyễn Văn Hiến: Năm 2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 52 về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Nghị định 52 ra đời cũng rất kịp thời, phù hợp, giúp ích cho rất nhiều DN có nguồn lực để đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, năm 2021, thị trường còn nhiều khó khăn kể cả trong nước và quốc tế nên hiệu quả của chính sách chưa thực sự cao như mong muốn, dù DN được hỗ trợ đã là một điều rất đáng quý. Bước sang năm 2022, điều kiện thị trường đã tốt hơn rất nhiều ở cả trong nước cũng như xuất khẩu, việc Nhà nước hỗ trợ cho các DN như quy định trong Nghị định 34 chắc chắn sẽ là một nguồn động lực rất quan trọng để hỗ trợ các DN...

Nguồn: Nghị định số 34/2022/NĐ-CP     							     Đồ họa: Hồng Vân
Nguồn: Nghị định số 34/2022/NĐ-CP Đồ họa: Hồng Vân

Về quy mô, gói hỗ trợ này cũng khá lớn lên tới trên 125.000 tỷ đồng. Có thể hiểu đây thực chất là một khoản vay không tính lãi đối với DN trong một khoảng thời gian nhất định để có điều kiện phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, bù đắp lại những thiệt hại của DN trong giai đoạn dịch bệnh.

PV: Có ý kiến cho rằng, gia hạn tiền nộp thuế không có ý nghĩa nhiều và tác dụng lớn trong hỗ trợ DN, vì trước sau gì thì DN vẫn phải nộp số thuế đó, ít quốc gia thực hiện việc hỗ trợ này. Thay vào đó, giảm thuế cho người dân và DN thì sẽ hiệu quả hơn. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

TS. Nguyễn Văn Hiến: Giảm thuế và gia hạn thời gian nộp thuế là 2 chính sách khác nhau. Giảm thuế nhằm giảm nghĩa vụ thuế của DN, còn gia hạn thời gian nộp thuế là hình thức có ý nghĩa như dành một khoản tài chính cho DN vay mà không phải trả lãi, nhằm hỗ trợ DN vượt qua khó khăn tạm thời trong một giai đoạn nhất định, thường là 6 tháng. DN đang trong giai đoạn khó khăn về tài chính để đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh lại còn phải thực hiện nghĩa vụ thuế thì gánh nặng đó sẽ khiến cho DN khó khăn lại càng khó khăn hơn. Cho nên, việc DN có thể tạm thời sử dụng số tiền đáng nhẽ phải nộp thuế cho nhà nước để đầu tư cho hoạt động sản xuất kinh doanh mà không bị tính lãi.

Nghị định số 34/2022/NĐ-CP quy định thời gian gia hạn cụ thể như sau:

Gia hạn 6 tháng đối với số thuế giá trị gia tăng từ tháng 3 đến tháng 5/2022 và quý I/2022, gia hạn 5 tháng đối với số thuế giá trị gia tăng của tháng 6/2022 và quý II/2022, gia hạn 4 tháng đối với số thuế giá trị gia tăng của tháng 7/2022, gia hạn 3 tháng đối với số thuế giá trị gia tăng của tháng 8/2022; gia hạn 3 tháng đối với số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp quý I, quý II của kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2022; hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thực hiện nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân năm 2022 chậm nhất là ngày 30/12/2022; gia hạn 6 tháng đối với 50% số tiền thuê đất phát sinh phải nộp năm 2022.

Ngoài ra trong trường hợp cơ quan thuế đã tính tiền chậm nộp (nếu có) đối với các hồ sơ thuế thuộc trường hợp được gia hạn theo quy định tại nghị định này thì cơ quan thuế thực hiện điều chỉnh, không tính tiền chậm nộp.

Gia hạn nộp thuế không ảnh hưởng đến số thu ngân sách nhà nước, còn giảm thuế có thể ảnh hưởng trực tiếp đến thu ngân sách nhà nước. Đây cũng là một vấn đề mà khi ban hành chính sách, Chính phủ đã tính toán kỹ để đảm bảo cân đối ngân sách. Thực tế trong năm 2021, Chính phủ đã thực hiện giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8% ở khá nhiều các nhóm mặt hàng và chính sách này đã cho thấy rõ tác dụng khi tác động vào sức cầu của thị trường. Tuy nhiên, nếu giảm thuế thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thu ngân sách nên phải rất thận trọng và tính toán kỹ. Còn gia hạn nộp thuế đã được triển khai từ năm 2021, cũng đã thể hiện tác động tích cực đối với DN, mặc dù điều kiện thị trường trong năm 2021 vẫn còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, đến năm 2022, điều kiện thị trường đã tốt hơn, chắc chắn việc gia hạn thời gian nộp thuế sẽ mang lại nhiều ý nghĩa hơn đối với DN trong việc phục hồi sản xuất kinh doanh.

PV: Xin cảm ơn ông!

Cần rút gọn các thủ tục để phát huy hiệu quả chính sách

Theo TS. Nguyễn Văn Hiến, những tác động diễn biến phức tạp về địa chính trị trên thế giới trong thời gian gần đây, đặc biệt là xung đột giữa Nga và Ukraine đã có tác động rất lớn đến nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Giá xăng dầu và các nguyên liệu đầu vào tăng cao càng làm trầm trọng thêm các khó khăn của các DN sau đại dịch và cũng đã phần nào làm giảm hiệu quả của những gói hỗ trợ trước đó của Nhà nước dành cho DN. Vì vậy, việc tiếp tục tung ra các gói hỗ trợ như giảm thuế và gia hạn thời gian thuế lần này là thể hiện sự nỗ lực cố gắng rất lớn của Chính phủ, nhằm hỗ trợ một phần những khó khăn trong nỗ lực khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN.

Các chính sách có ý nghĩa rất lớn, nhưng chỉ là chính sách mang tính thời điểm. Vì vậy, nếu triển khai thực hiện chậm do thủ tục rườm rà, phức tạp thì sẽ làm giảm hiệu lực của chính sách. Điều này cũng giống như việc cơ thể người khi ốm bệnh thì phải cho uống thuốc kịp thời thì mới phát huy được tác dụng.

Để chính sách phát huy tác dụng tốt, theo TS. Nguyễn Văn Hiến thì cần rút gọn các thủ tục. Các cơ quan chức năng, khi áp dụng phải đơn giản hóa và minh bạch các thủ tục, phổ biến các quy định một cách cụ thể, rõ ràng đến các đối tượng được hưởng chính sách và phải đặc biệt đề cao tính tự chịu trách nhiệm của người nộp thuế. Tăng cường hậu kiểm, tránh các thủ tục rườm rà, phức tạp, phải qua nhiều khâu xét duyệt không cần thiết sẽ làm chậm quá trình triển khai hỗ trợ, làm giảm đi tính hiệu quả của chính sách. Đó là vấn đề cơ bản trong thực hiện chính sách mà các cơ quan quản lý nhà nước cần phải quan tâm để đảm bảo chính sách đi vào cuộc sống một cách nhanh nhất và mang lại hiệu quả cao nhất.