lua gao

Cần khơi thông dòng chảy phương tiện chuyên chở, duy trì được chuỗi cung ứng lúa gạo. Ảnh: TL

Thu hoạch, lưu thông bị ách tắc trầm trọng

Thông tin từ Bộ Công thương cho thấy, trong 7 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đạt 3,492 triệu tấn, trị giá 1,888 tỷ USD, giá bình quân 540,68 USD/tấn. Như vậy, so với cùng kỳ năm ngoái, số lượng giảm 12,69%, về trị giá giảm 3,10% và giá bình quân tăng 53,5 USD/tấn. Dự kiến cả năm 2021, Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 6,0 - 6,2 triệu tấn gạo các loại, trị giá đạt khoảng 3,325 tỷ USD.

Mới đây, Bộ Công thương đã tổ chức cuộc họp với Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) và các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo để nắm bắt tình hình sản xuất - xuất khẩu.

Tuy nhiên, điều đáng nói là hiện chuỗi giá trị sản xuất, tiêu thụ, chế biến và xuất khẩu gạo đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Nguyên nhân chính là do việc áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg tại 19 tỉnh/thành phố phía Nam đã dẫn đến tình trạng tắc nghẽn lưu thông lúa hàng hóa từ ruộng về nhà máy và từ nhà máy ra các cảng xuất khẩu.

Đơn cử, hiện việc thu hoạch lúa tươi vụ Hè Thu tại ruộng đang thiếu hụt lực lượng lao động thời vụ trầm trọng; các ghe vận chuyển lúa không thể di chuyển từ vùng này sang vùng khác, đặc biệt là giữa các địa phương.

Bên cạnh đó, vụ thu hoạch rộ ngay thời điểm mưa nhiều nên lúa phải được sấy bằng thiết bị sấy, trong khi đó việc vận chuyển lúa từ ruộng đến nhà máy bị gián đoạn, dẫn đến tình trạng ùn ứ lúa tươi chưa được xử lý, làm giảm chất lượng gạo. Các thương nhân thiếu hụt nguồn nguyên liệu chế biến gạo thành phẩm, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các hợp đồng xuất khẩu đã ký kết trước đó.

Bên cạnh đó, những nhà máy tổ chức sản xuất theo hình thức “3 tại chỗ”, năng suất hoạt động giảm mạnh, chỉ duy trì từ 50% trở xuống do thiếu hụt lực lượng nhân công. Trong khi đó trên thực tế, các thương nhân dù đã áp dụng hình thức “1 cung đường, 2 địa điểm” cho nhà máy sản xuất, chế biến, tuy nhiên, do bị giới hạn bởi khung giờ không được ra đường, phong tỏa... nên một số hoạt động bị gián đoạn, đứt gãy chuỗi sản xuất, tiến độ giao hàng bị chậm trễ, hãng tàu phạt, chi phí tăng...

Bộ Công thương cũng cho rằng, tình trạng này làm dấy lên lo ngại về tâm lý người nông dân, họ có khả năng sẽ bỏ ruộng hoặc chậm xuống giống lúa vụ 3, tác động xấu đến các vụ mùa sau và hơn hết là dẫn đến nguy cơ thiếu hụt lương thực lúc giáp hạt vụ Đông Xuân 2021 - 2022 - thời điểm cận Tết.

Thương nhân: Khó khăn bủa vây tứ bề

Hiện tình hình tồn kho thóc gạo đang diễn ra khá nghiêm trọng, khiến cho dòng vốn của thương nhân cũng bị ách tắc, vừa không thể tiếp tục thu mua thóc gạo, vừa mang trên vai gánh nặng tài chính.

Trong bối cảnh cấp bách đó, dù Ngân hàng Nhà nước đã có công văn số 5747/NHNN-TD đề nghị các đơn vị đảm bảo vốn tín dụng phục vụ thu mua, tạm trữ thóc, gạo tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nhưng thực tế hiện nay, theo các thương nhân phản ánh, các ngân hàng thương mại vẫn chưa triển khai thực hiện.

Hơn nữa, biên độ chênh lệch giá thời điểm chào bán và giá cước thực tế lúc giao hàng quá lớn khiến thương nhân gặp rủi ro lớn. Hiện hầu hết thương nhân e ngại việc ký kết hợp đồng mới do tình trạng ách tắc trong lưu thông và giao nhận tại các cảng biển.

Theo Bộ Công thương, nếu tình trạng này tiếp diễn, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu của ngành và nguy cơ mất thị trường xuất khẩu, nhất là các thị trường truyền thống như Philippines, Trung Quốc, Malaysia vào tay các đối thủ cạnh tranh khác trong khu vực như Thái Lan, Ấn Độ...

Trước tình hình đó, để đảm bảo tiêu thụ kịp thời thóc, gạo hàng hóa cho người nông dân, Bộ Công thương vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét khẩn trương nghiên cứu, mở luồng xanh cho vận tải đường thủy.

Các bộ, ngành liên quan nhanh chóng khơi thông dòng chảy phương tiện chuyên chở, giúp các thương nhân xuất khẩu gạo duy trì được chuỗi cung ứng lúa gạo từ đồng ruộng ra đến cảng xuất khẩu.

Bên cạnh đó, Bộ Công thương kiến nghị các địa phương tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể cho các thương nhân hoạt động trong lĩnh vực thóc, gạo nói chung và thương lái nói riêng được đi lại thu mua trực tiếp tại đồng ruộng.

Ngoài ra, cần áp dụng các nhóm giải pháp đồng bộ như mở lại tất cả các máng đóng rút gạo trong thời gian sớm nhất nhằm giảm bớt tình trạng ùn tắc container xuất khẩu gạo, cân nhắc về phí phụ thu để tạo thuận lợi cho xuất khẩu; yêu cầu các hãng tàu, các doanh nghiệp kinh doanh ngành logistic phải công khai, minh bạch về giá cước vận chuyển container cũng như có sự điều chỉnh giá cước vận chuyển về mức hợp lý để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp; khẩn trương triển khai việc tiêm vắc-xin cho những thành phần lao động bắt buộc phải tham gia trực tiếp trong chuỗi cung ứng.../.

Tố Uyên