Chiều 30/5, Quốc hội đã nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự thảo nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi).

Quá nửa phiếu tín nhiệm thấp thì xin từ chức

Theo tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), dự thảo nghị quyết sửa đổi, bổ sung các trường hợp không lấy phiếu tín nhiệm đối với người đã có thông báo nghỉ công tác chờ nghỉ hưu, thông báo nghỉ hưu hoặc được bổ nhiệm, bầu cử trong năm lấy phiếu tín nhiệm; bổ sung chức danh Tổng Thư ký Quốc hội, điều chỉnh một số chức danh theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi, bổ sung năm 2019…

Dự thảo cũng sửa đổi quy định về hệ quả của việc lấy phiếu tín nhiệm để thể chế hóa Quy định số 96-QĐ/TW.

Cụ thể, người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND đánh giá “tín nhiệm thấp” thì xin từ chức, trường hợp không xin từ chức thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội, HĐND tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất.

Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp” thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội, HĐND tiến hành miễn nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất.

Đối với người đồng thời giữ nhiều chức vụ, thì việc bỏ phiếu tín nhiệm, miễn nhiệm được thực hiện một lần đối với các chức vụ đó.

Ngoài ra, UBTVQH báo cáo, xin ý kiến Quốc hội về việc bổ sung trường hợp không lấy phiếu tín nhiệm (khoản 5 Điều 2). Theo đó, không lấy phiếu tín nhiệm đối với người nghỉ chữa bệnh hiểm nghèo có xác nhận của cơ sở y tế và không điều hành công tác từ 6 tháng trở lên theo quyết định của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền tính đến thời điểm khai mạc kỳ họp lấy phiếu tín nhiệm.

Không lấy phiếu tín nhiệm với người nghỉ chữa bệnh hiểm nghèo là thể hiện tính nhân văn

Toàn cảnh phiên họp chiều 30/5

Không lấy phiếu tín nhiệm với người nghỉ chữa bệnh hiểm nghèo là nhân văn

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng tán thành với phạm vi đối tượng được Quốc hội, HĐND lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm và các trường hợp không lấy phiếu tín nhiệm như quy định tại Điều 2 của dự thảo nghị quyết.

Nêu rõ lý do không lấy phiếu tín nhiệm một số chức danh

Để có cơ sở cho Quốc hội xem xét, quyết định, một số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật đề nghị cơ quan soạn thảo cần lý giải rõ hơn về lý do dự thảo Nghị quyết không đưa một số chức danh do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn vào diện được lấy phiếu tín nhiệm, chẳng hạn như Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, thành viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Phó Trưởng Ban của HĐND, Hội thẩm Tòa án nhân dân.

Theo cơ quan thẩm tra, việc bổ sung quy định không lấy phiếu tín nhiệm đối với người nghỉ chữa bệnh hiểm nghèo có xác nhận của cơ sở y tế và không điều hành công tác từ 6 tháng trở lên theo quyết định của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền như tại khoản 5 Điều 2 của dự thảo nghị quyết là có cơ sở thực tiễn, thể hiện tính nhân văn và phù hợp với yêu cầu của việc lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, HĐND. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị cần nêu rõ thời gian không điều hành công tác là từ 6 tháng liên tục trở lên để bảo đảm chặt chẽ.

Đối với quy định về hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, Ủy ban Pháp luật đánh giá các quy định trong dự thảo nghị quyết đã bảo đảm phù hợp với yêu cầu xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với cán bộ có mức độ tín nhiệm thấp theo tinh thần của Quy định số 96-QĐ/TW và Quy định số 41-QĐ/TW ngày 03/11/2021 của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ. Do đó, Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với quy định về hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệmnhư trong dự thảo Nghị quyết.

Tuy nhiên, về quy định chi tiết, tại khoản 1 Điều 12, Ủy ban Pháp luật đề nghị chỉnh lý lại theo hướng trong trường hợp người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới 2/3 tổng số đại biểu đánh giá tín nhiệm thấp mà không xin từ chức thì UBTVQH trình Quốc hội, Thường trực HĐND trình HĐND bỏ phiếu tín nhiệm, thay vì quy định “cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội, HĐND tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm” như trong dự thảo Nghị quyết để bảo đảm thống nhất với quy định về chủ thể có thẩm quyền trình Quốc hội, HĐND bỏ phiếu tín nhiệm tại Điều 13 của dự thảo nghị quyết và cũng là kế thừa quy định tương ứng của Nghị quyết số 85/2014/QH13.

Không lấy phiếu tín nhiệm với người nghỉ chữa bệnh hiểm nghèo là thể hiện tính nhân văn
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị thiết kế quy định tại khoản 2 Điều 12 theo hướng trường hợp có từ 2/3 tổng số đại biểu trở lên đánh giá tín nhiệm thấp thì vẫn nên có cơ chế cho họ có thể chủ động xin từ chức, trường hợp không từ chức thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn mới trình Quốc hội, HĐND xem xét miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm đối với người đó, bởi vì mục đích của việc lấy phiếu tín nhiệm là nhằm giúp cho cán bộ thấy được mức độ tín nhiệm của mình để “tự soi”, “tự sửa”.

Về hệ quả đối với người được bỏ phiếu tín nhiệm (Điều 17), có ý kiến cho rằng, việc bỏ phiếu tín nhiệm nên được xác định là một công đoạn trong quá trình xem xét kỷ luật đối với cán bộ là người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Bởi, theo quy định tại Điều 13 của dự thảo Nghị quyết thì các trường hợp bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, HĐND thường là do phát hiện có dấu hiệu sai phạm hoặc qua lấy phiếu tín nhiệm cho thấy, người được Quốc hội, HĐND bầu, phê chuẩn có mức độ tín nhiệm thấp.

Trong khi đó, hệ quả nặng nhất đối với người được lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm quy định trong dự thảo nghị quyết đều là trình Quốc hội, HĐND quyết định việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm. Do đó, ý kiến này đề nghị trong trường hợp người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm có từ quá nửa tổng số đại biểu trở lên đánh giá không tín nhiệm thì cần áp dụng hình thức xử lý nghiêm khắc hơn, đó là Quốc hội, HĐND tiến hành bãi nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị cách chức đối với người đó.