Lãi suất liên ngân hàng chịu áp lực tăng ngắn hạn

Báo cáo của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cho biết, xu hướng giảm của lãi suất liên ngân hàng đã được hỗ trợ bởi thanh khoản của hệ thống dồi dào hơn trong quý III/2021 vừa qua. Lãi suất các kỳ hạn qua đêm (ON) đến 3 tháng được ghi nhận lần lượt ở 0,629%, 0,754%, 0,868%, 1,104% và 1,461%.

Không loại trừ lãi suất liên ngân hàng chịu áp lực tăng nhất định

Các chuyên gia của VCBS nhận định, lãi suất liên ngân hàng sẽ duy trì ở mặt bằng như hiện tại và thanh khoản thị trường dồi dào. Lý giải cho điều này, chuyên gia của VCBS cho rằng, các ngân hàng trung ương trên thế giới hướng tới trung hòa chính sách tiền tệ nới lỏng dần dần, như vậy, thanh khoản dồi dào vẫn được đảm bảo trên hệ thống ngân hàng.

Cùng với đó, Việt Nam cùng các nền tảng kinh tế vĩ mô sẽ là điểm đến thu hút của dòng vốn đầu tư nước ngoài. Đồng thời, với bối cảnh tình hình kinh tế trong nước là cơ sở để Ngân hàng Nhà nước có những dư địa để điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt.

Tuy vậy, các chuyên gia của VCBS cũng không loại trừ khả năng lãi suất liên ngân hàng có thể chịu áp lực tăng nhất định, đặc biệt vào thời điểm cuối năm. Bởi theo yếu tố mùa vụ, cuối năm thường là thời điểm ghi nhận tốc độ tăng trưởng tín dụng cao hơn. Cùng lúc, việc chuẩn bị thanh khoản đáp ứng các nhu cầu cuối năm của khách hàng đòi hỏi sự chuẩn bị nguồn lực nhất định.

Mặt khác, Chính phủ tiếp tục cho thấy sự quyết liệt trong giải ngân đầu tư công tạo nên kỳ vọng lượng tiền gửi được Kho bạc Nhà nước gửi tại hệ thống ngân hàng sẽ không còn dồi dào.

Như vậy, “trong quý IV, chúng tôi cho rằng mặt bằng lãi suất liên ngân hàng sẽ vẫn duy trì xung quanh mặt bằng như hiện tại và chỉ ghi nhận một số áp lực tăng ngắn hạn vào cuối năm” – chuyên gia của VCBS nhấn mạnh.

Trên thị trường mở, trong quý III, Ngân hàng Nhà nước gần như không sử dụng nghiệp vụ thị trường mở trong quý. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước gần như không phát hành mua kỳ hạn, nguyên nhân chính là việc thanh khoản thị trường liên ngân hàng ở mức dồi dào.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng không phát hành tín phiếu nhằm hút thanh khoản, trong điều kiện lạm phát không nhận áp lực tăng nhanh và nằm trong khả năng kiểm soát.

“Điều này cũng cho thấy thông điệp cũng như quan điểm của nhà điều hành về thanh khoản ổn định, đảm bảo không xảy ra hiện tượng đứt gãy thanh khoản trên hệ thống” – VCBS cho hay.

Hiệu ứng mùa vụ có thể tác động lên lãi suất trái phiếu

Trong quý III/2021, thị trường sơ cấp trái phiếu chính phủ được đẩy mạnh phát hành, với 107.245 tỷ đồng trái phiếu được huy động trong quý. Trong đó, Kho bạc Nhà nước đã huy động 96.221 tỷ đồng trái phiếu. Trong khi đó, Ngân hàng Chính sách Xã hội huy động 11.024 tỷ đồng trái phiếu.

Lãi suất trúng thầu trái phiếu do Kho bạc Nhà nước chủ yếu giảm trong quý III và chỉ tăng nhẹ trong những phiên đấu thầu cuối quý.

Cụ thể, lãi suất trúng thầu ghi nhận ở mức ở 0,82% (-28 bps); 1,17% (-19 bps); 2,12% (-08 bps); 2,35% (-11 bps); 2,80% (-11 bps) và 2,98% (-07 bps) cho các kỳ hạn 5 năm, 7 năm, 10 năm, 15 năm, 20 năm và 30 năm.

Không loại trừ lãi suất liên ngân hàng chịu áp lực tăng nhất định

Thị trường trái phiếu chính phủ thứ cấp quý III/2021, thanh khoản giao dịch kém sôi động hơn so với quý cuối năm trước, nhưng vẫn ở mức cao 507.971 tỷ đồng (-15,4%) được giao dịch trên thị trường thứ cấp.

Cụ thể, giá trị giao dịch theo phương thức thông thường (outright) đạt 330.517 tỷ đồng (-9,9%), trong khi giá trị giao dịch mua đi bán lại (repo) đạt 171.455 tỷ đồng (-24,4%). Đáng chú ý, trong quý III, 60% giá trị được ghi nhận tại các kỳ hạn trên 7 năm.

Trong quý III/2021, khối ngoại mua ròng 690 tỷ đồng trên thị trường trái phiếu chính phủ. Điều này cho thấy nhà đầu tư ngoại vẫn đặt niềm tin vào tài sản phi rủi ro ở những quốc gia đạt được sự ổn định kinh tế vĩ mô và cùng lúc kiểm soát được dịch bệnh như Việt Nam.

Không loại trừ lãi suất liên ngân hàng chịu áp lực tăng nhất định

Lợi suất giảm trong đầu quý, tuy nhiên chịu áp lực tăng vào cuối quý III.

Theo thống kê của Bloomberg, lợi suất các kỳ hạn 1 năm, 2 năm, 3 năm, 5 năm, 7 năm, 10 năm và 15 năm lần lượt kết thúc quý ở: 0,395% (+7 bps); 0,56% (+4,86 bps); 0,89% (-6,55 bps); 0,99% (-10,339 bps); 1,09% (- 14,12 bps); 1,34% (-8,7 bps); 2,20% (-6,25 bps); 2,49% (-9,55 bps); 2,95% (-12,93 bps); 3,09% (-0,25 bps).

Đánh giá về xu hướng biến động lợi suất trong phần còn lại của năm 2021, các chuyên gia của VCBS cho rằng, xu hướng giảm sẽ chững lại, các nhịp tăng nhẹ nếu có thì có thể xuất hiện vào cuối năm.

“Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục duy trì chính sách nhất quán và một cách thận trọng, trạng thái ổn định trên thị trường cũng như mặt bằng lợi suất trái phiếu có thể sẽ không biến động nhiều vào nửa đầu quý IV. Tuy nhiên về cuối quý IV, đặc biệt là vào cuối tháng 11 và 12, các hiệu ứng mùa vụ có thể tạo ra những áp lực tăng lên lợi suất trái phiếu trong ngắn hạn. Đồng thời, thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng sẽ là yếu tố quyết định ảnh hưởng lên lợi suất trái phiếu, đặc biệt là lợi suất trái phiếu kỳ hạn ngắn. Mặt khác, kỳ vọng của các thành viên trên thị trường cũng trở nên thận trọng hơn đáng kể khi mức lợi nhuận tiềm năng không tương xứng với các rủi ro” – các chuyên gia của VCBS lý giải cho nhận định của mình./.