Tích cực, chủ động hợp tác quốc tế

Theo thống kê, trong thời gian từ tháng 1/2016 - 7/2021, đơn vị tham mưu nghiệp vụ về phòng, chống ma túy của Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) đã tham mưu ban hành và chủ trì ban hành 17 văn bản cảnh báo nghiệp vụ gửi cục hải quan các tỉnh, thành phố nhằm tăng cường công tác kiểm soát ma túy, tiền chất trong toàn ngành.

Theo đánh giá của Tổng cục Hải quan, hoạt động trao đổi thông tin nghiệp vụ về ma túy thường xuyên được trao đổi giữa Hải quan Việt Nam với hải quan khu vực và quốc tế. Qua đó, nhiều thông tin nghiệp vụ được chia sẻ, phân tích đánh giá, phục vụ xác định trọng điểm, áp dụng kỹ thuật quản lý rủi ro và các biện pháp nghiệp vụ khác, tạo cơ sở quan trọng triển khai thành công các kế hoạch đấu tranh chuyên đề, vụ án, chuyên án về ma túy lớn.

Trong đó, điển hình, Tổng cục Hải quan tăng cường, tập trung vào quan hệ hợp tác song phương, đa phương với Hải quan Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc và Campuchia trong công tác hỗ trợ thông tin, thực hiện các chuyên đề phối hợp kiểm soát, chia sẻ thông tin phục vụ cho hoạt động kiểm soát hải quan, tập trung vào các lĩnh vực: nhập khẩu chất thải rắn; ma túy, tiền chất; động vật hoang dã; hàng hóa quá cảnh.

Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn (ngồi bên phải) và ông Mark Laming - chỉ huy lực lượng quốc tế Cơ quan Bảo vệ biên giới Vương quốc Anh ký Biên bản ghi nhớ. Ảnh: Phương Thảo
Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn (ngồi bên phải) và ông Mark Laming - chỉ huy lực lượng quốc tế Cơ quan Bảo vệ biên giới Vương quốc Anh ký Biên bản ghi nhớ. Ảnh: Phương Thảo

Bên cạnh đó, Hải quan Việt Nam đã tăng cường hoạt động hợp tác trong khuôn khổ các chương trình kiểm soát chung về ma túy và tiền chất dưới sự điều phối của Ủy ban kiểm soát WCO, Văn phòng RILO A/P, Nhóm làm việc về Kiểm soát và tuân thủ hải quan ASEAN (CECWG), Văn phòng liên lạc qua biên giới BLO nhằm tăng cường hiệu quả chia sẻ thông tin; chia sẻ thông tin với CECWG về các vụ việc ma túy điển hình do Hải quan Việt Nam thực hiện.

Đáng chú ý, từ 25/9/2018 đến nay, Tổng cục Hải quan đã phối hợp với Hải quan Trung Quốc, Văn phòng Liên lạc tình báo khu vực châu Á - Thái Bình Dương (RILO A/P) xây dựng và thực hiện Dự án Con rồng Mê Kông (MeKong Dragon) về tăng cường trao đổi thông tin và hợp tác giữa hải quan các nước tiểu vùng sông Mê Kông để phòng ngừa và ngăn chặn các hoạt động vận chuyển trái phép ma túy và tiền chất qua biên giới.

Ngoài ra, qua Hệ thống thông tin về các vụ bắt giữ tiền chất (PICS) của Ban kiểm soát ma túy quốc tế (INCB) và Hệ thống trao đổi thông tin vụ việc (IONICS) về trao đổi thông tin về các vụ việc liên quan đến các lô hàng nghi vấn, vận chuyển hoặc sản xuất các chất hướng thần mới (NPS), Tổng cục Hải quan khai thác dữ liệu trên hệ thống để phục vụ công tác nghiệp vụ về kiểm soát ma túy. Đồng thời, Tổng cục Hải quan đã tích cực triển khai trao đổi thông tin sử dụng Hệ thống cảnh báo nhanh giữa các thành viên trong Nhóm CECWG…

Ghi nhận trong Chương trình kiểm soát

Được biết, Chương trình kiểm soát container (CCP) là sáng kiến hợp tác chung giữa Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp quốc (UNODC) và Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) được đưa ra nhằm hỗ trợ chính phủ các nước đang phát triển tăng cường năng lực cho lực lượng thực thi pháp luật để nâng cao hiệu quả kiểm soát container tại các cảng biển; giảm thiểu nguy cơ bị các tổ chức tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia lợi dụng container đường biển để vận chuyển trái phép ma túy, động vật hoang dã, hàng hóa lưỡng dụng, vũ khí.

Tổng cục Hải quan là đầu mối tiếp nhận, xử lý, thu thập thông tin, tài liệu trong và ngoài ngành, trong và ngoài nước về hoạt động của tội phạm ma túy trong lĩnh vực hải quan, chuyển giao thông tin cho các đơn vị và cá nhân có thẩm quyền để phục vụ công tác chỉ đạo, cảnh báo, điều tra, xác minh trong công tác phòng, chống ma túy.

Tại Việt Nam, được sự phê duyệt của Chính Phủ, Bộ Tài chính đã ký kết Thư thỏa thuận tham gia chương trình kiểm soát container từ tháng 2/2015. Tổng cục Hải quan đã tích cực tham gia Chương trình, triên khai tại các cục hải quan tỉnh/thành phố: Hải Phòng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh.

Hải quan Việt Nam đã thành lập 4 Nhóm kiểm soát cảng (PCU) tại 4 cục hải quan nêu trên nhằm phản ứng nhanh, sử dụng kỹ năng phân tích thông tin, đánh giá rủi ro và xác định trọng điểm những container nghi vấn một cách có hệ thống để kiểm tra.

Sau thời gian triển khai chương trình, các PCU đã đạt được một số kết quả nhất định. Trong năm 2017, thành viên PCU Hải Phòng đã thực hiện phân tích rủi ro, xác định trọng điểm đối với container vận chuyển bất hợp pháp hơn 99 kg cần sa và 2,8 tấn lá KHAT. Đến năm 2019, các PCU đã áp dụng kỹ năng phân tích thông tin rủi ro, xác định trọng điểm và phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ tại đơn vị phụ trách phát hiện và thu giữ một số vụ vi phạm. Tổng số hàng hóa thu giữ được bao gồm: 115 kg cocain, trên 13 tấn ngà voi, trên 20 tấn vẩy tê tê, 2 container vận chuyển trên 10 tấn gỗ đàn hương trái phép, chưa kể đến các vụ việc gian lận thuế, thương mại như thuốc lá, rác thải nhựa, rác thải điện tử. Đặc biệt, trong năm, 20 thành viên PCU Hải Phòng đã thực hiện phân tích rủi ro, xác định trọng điểm đối với container vận chuyển bất hợp pháp hơn 99 kg cần sa vào năm 2017 và 2,8 tấn lá KHAT vào năm 2019.

Tổng cục Hải quan nỗ lực tiến hành các hoạt động hợp tác ở tầm vi mô, chiến lược, như mở rộng quan hệ hợp tác song phương nhằm tận dụng tối đa thế mạnh của các nước trong việc hỗ trợ thực hiện các nhu cầu thực tiễn của Hải quan Việt Nam; tìm kiếm và khai thác tối đa nguồn viện trợ, hỗ trợ kỹ thuật cho việc đào tạo phát triển nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng trang thiết bị phục vụ công tác quản lý hải quan hiện đại.