Theo lý giải của Tổng cục Hải quan, trong tháng 8/2014, đơn vị đã trao đổi với Vụ Chính sách thuế về việc phân loại đối với mặt hàng có tên khai báo là thực phẩm bổ sung. Tuy nhiên, các đơn vị thuộc Tổng cục Hải quan và Hội đồng tư vấn thuộc Tổng cục Hải quan vẫn có ý kiến phân loại khác nhau.

Cục An toàn vệ sinh thực phẩm – Bộ Y tế đã có chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm số 14590/2011/YT-CNTC ngày 14/12/2011 theo tên thực phẩm bổ sung đối với sản phẩm trên theo “Điều kiện để xác định là thực phẩm chức năng” mà theo Thông tư số 08/2004/TT-BYT thì mặt hàng thực phẩm chức năng tùy theo công dụng, hàm lượng vi chất và hướng dẫn sử dụng còn có tên gọi khác, như: Thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung…

Theo đó, có thể hiểu mặt hàng thỏa mãn là thực phẩm bổ sung nên được phân loại thuộc nhóm thực phẩm bổ sung, mã số chi tiết: 2106.90.70.00 “- - Các chế phẩm thực phẩm bổ sung” hoặc 2106.90.70 “- - Thực phẩm bổ sung” theo Biểu thuế NK ưu đãi áp dụng từng thời kỳ: năm 2009: 10%, năm 2010: 15%, năm 2011: 15%, năm 2012: 15%.

Tổng cục Hải quan cũng dẫn, tại phiên họp thứ 43, tháng 2/2009, Tổ chức Hải quan Thế giới đã có khuyến nghị phân loại mặt hàng tương tự (Chế phẩm dạng bột, bao gồm protein đậu nành tách ly (75,5%), bột whey protein cô đặc 80% (24,5%), hương vani (0,25%) và đi oxit silic (0,20%), dùng để bán lẻ, được chứa đựng trong hộp có trọng lượng tịnh là 240g. Tổng số protein của sản phẩm là 85,9% (+-1%). Sản phẩm được sử dụng cùng với các thực phẩm hoặc đồ uống khác (liều dùng 5g, 1 đến 4 lần mỗi ngày) thuộc phân nhóm 2106.10 theo quy tắc 1 và quy tắc 6.

Như vậy, việc phân loại mặt hàng trên còn có nhiều quan điểm khác nhau. Xét đây là mặt hàng phức tạp trong nhận định, phân loại và là hàng tiêu dùng, không phải nguyên liệu cho sản xuất nên mức thuế NK 5% là thấp. Hiện tại, mức thuế NK ưu đãi của các dòng hàng có sự chênh lệch lớn (2106.10.00 “- Protein cô đặc và chất protein được làm rắn” áp dụng thuế suất 5%, 2106.90.70 “- Thực phẩm bổ sung” áp dụng thuế suất 15%) nên khả năng xảy ra gian lận thương mại cao.

Chính vì vậy, Tổng cục Hải quan kiến nghị Vụ Chính sách thuế xem xét, sửa đổi Biểu thuế NK ưu đãi hiện hành theo hướng đưa mức thuế NK ưu đãi của 2 dòng hàng (2106.90.70 và 2106.10.00) về ngang bằng nhau. Tổng cục Hải quan cho rằng, mức thuế sửa đổi có thể là 10% hoặc 15%./.

Theo customs.gov.vn