Khẳng định trụ đỡ của nền kinh tế
Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) ngày 13/1, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, năm 2022, toàn bộ 6/6 chỉ tiêu của ngành được Chính phủ giao đều đạt và vượt kế hoạch.
Cụ thể, GDP ngành Nông nghiệp đạt 3,36% là mức tăng cao nhất trong nhiều năm gần đây; kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản toàn ngành đạt 53,22 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2021; thặng dư thương mại trên 8,5 tỷ USD, chiếm hơn 75% tổng giá trị xuất siêu của toàn nền kinh tế; tỷ lệ xã đạt tiêu chí nông thôn mới 73,06% và 255 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; số xã đạt tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới đạt 78%; tỷ lệ che phủ của rừng đạt 42,02%.
Trong bối cảnh khó khăn chung, ngành Nông nghiệp với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, thực hiện đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo các giải pháp và "đổi mới tư duy" để vượt qua khó khăn, thách thức từ các "tình huống bất bình thường" của thực tiễn sản xuất, kinh doanh nhằm đạt các mục tiêu phát triển.
Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đồ họa: Thế Dương |
Đặc biệt, công tác xúc tiến thương mại thị trường được mở rộng, đã giúp đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là đối với các sản phẩm chủ lực tại các thị trường trọng điểm. Cùng với đó là các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa được đẩy mạnh, phối hợp tổ chức nhiều hoạt động kết nối cung cầu, liên kết chuỗi giá trị nông sản. Do vậy, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cao kỷ lục, vượt xa chỉ tiêu Chính phủ giao.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đánh giá cao những kết quả ngành Nông nghiệp đạt được, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh nông nghiệp ngày càng khẳng định là trụ đỡ của nền kinh tế trong bất cứ hoàn cảnh nào. Vì vậy, thời gian tới, ngành cần phát triển bứt phá mạnh mẽ hơn và bền vững hơn.
Kiên trì mục tiêu nông nghiệp sinh thái
Năm 2023, tình hình thế giới được dự báo là ngày càng khó đoán. Hàng loạt cảnh báo liên tục được đặt ra về sự sụt giảm của các đơn hàng quốc tế. Một trong số đó được tư lệnh ngành nông nghiệp nêu ra là mặt hàng gỗ, lĩnh vực chiếm khoảng 1/3 tổng giá trị xuất khẩu. Do vậy, vị tư lệnh ngành nhấn mạnh, toàn ngành Nông nghiệp cần “nêu cao tinh thần sẵn sàng” với mọi tình huống và cam kết ngành nông nghiệp sẽ kiên trì mục tiêu thực hiện: “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.
Theo đó, năm 2023 toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, hiện đại, kinh tế tuần hoàn... Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh và biến động thị trường để gia tăng xuất khẩu, tận dụng tốt cơ hội từ các hiệp định cho hàng nông sản Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đề nghị, năm 2023 ngành Nông nghiệp phấn đấu đạt tăng trưởng cao hơn năm ngoái, đạt khoảng 3,5%; xuất khẩu khoảng 55 tỷ USD; tỷ lệ che phủ rừng ổn định mức 42% và nâng cao chất lượng rừng; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới khoảng 80%, 270 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp quy chuẩn khoảng 60%.
Hoàn thành 100% các đề án được giao Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP, Bộ NN&PTNT đã ban hành Kế hoạch hành động triển khai thực hiện. Thống kê trong năm 2022, Bộ NN&PTNT đã hoàn thành 100% các đề án và 229/229 nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. |
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ NN&PTNT cần nắm chắc tình hình trong nước và thế giới để điều hành sản xuất linh hoạt; gắn sản xuất với thị trường, chế biến, giá trị gia tăng; đẩy mạnh xây dựng thương hiệu nông sản. Cùng với đó, chủ động tích cực hội nhập, mở rộng thị trường khi các thị trường truyền thống có xu hướng bị thu hẹp; đa dạng hóa thị trường để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Tại hội nghị, các bộ, ngành cho biết sẽ phối hợp cùng Bộ NN&PTNT hoàn thành tốt nhiệm vụ trong năm 2023. Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân khẳng định, luôn sát cánh cùng Bộ NN&PTNT trong nhiều hoạt động. Một số nội dung hợp tác giữa hai bộ gồm: Tiếp tục tập trung tái cơ cấu ngành sản xuất để nâng tầm nông sản Việt; xây dựng chính sách thúc đẩy thương mại biên giới, chuyển từ tiểu ngạch sang chính ngạch; đẩy nhanh tiến độ đàm phán với các đối tác nước ngoài để tăng số lượng các mặt hàng nông lâm thủy sản được xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường, đặc biệt là Trung Quốc. Cùng với đó, nâng cao chú trọng các chương trình xúc tiến thương mại, đặc biệt trên nền tảng số, thương mại điện tử...
Nhấn mạnh thời gian tới cần gắn chặt nông nghiệp với phát triển du lịch, hình thành ngành kinh tế xanh, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho rằng, lĩnh vực văn hóa luôn đồng hành, gắn bó mật thiết với lĩnh vực nông nghiệp. Theo ông Hùng, văn hóa hay nông nghiệp đều cùng hướng tới một mục tiêu cao nhất là phát triển nông thôn ngày càng văn minh, nông dân hiện đại, trên cơ sở giữ gìn, bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử. Trên cơ sở nắm bắt những chủ trương của ngành nông nghiệp, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch sẽ xây dựng kế hoạch phối hợp một cách chặt chẽ, hiệu quả.