Đón đầu làn sóng đầu tư

Trong những năm gần đây, thành tựu nổi bật nhất của KBC là thu hút đầu tư, có năm chiếm tới 10 - 15% tổng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam. Trong đó, ngoài khu công nghiệp (KCN) Quế Võ (Bắc Ninh), KCN Quang Châu (Bắc Giang) thì KCN Tràng Duệ (thuộc Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, Hải Phòng) – một trong những khu công nghiệp chủ đạo trong hệ thống KCN của KBC, cũng đặc biệt thành công bởi sự đầu tư của các dự án quy mô lớn lên tới hàng tỷ USD từ các tập đoàn lớn như LG Display (3,25 tỷ USD – mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư tăng vốn cho dự án thêm 750 triệu USD), LG Electronics (1,5 tỷ USD), LG Innotek (hơn 1,5 tỷ USD) và hàng trăm các dự án FDI khác với số vốn đầu tư đăng ký hàng trăm triệu USD...

Kinh Bắc điểm sáng thu hút vốn ngoại và lợi thế khi sở hữu quỹ đất

Tòa nhà Kinh Bắc tại Bắc Ninh.

Khu công nghiệp Tràng Duệ cũng là KCN có mật độ công nghệ và suất đầu tư cao nhất so với tất cả các KCN của Việt Nam, đạt được suất đầu tư gần 40 triệu USD/ha đất (đây là suất đầu tư lớn nhất cả nước), đạt tỷ trọng sản xuất công nghệ cao và tỷ lệ nội địa hóa hơn 80%. Hiệu quả thu hút đầu tư của KBC tại KCN Tràng Duệ đã góp phần chính đưa TP. Hải Phòng trở thành một trong những địa phương đứng đầu cả nước về thu hút vốn FDI những năm gần đây. Các dự án KCN do KBC đầu tư thành công trên khắp cả nước đã mang lại nguồn đóng góp rất lớn cho ngân sách nhà nước, tạo hàng vạn công ăn việc làm cho người lao động các địa phương và đóng góp tích cực trong công tác xã hội, hoạt động vì cộng đồng.

Huy động trái phiếu thành công, khẳng định uy tín hàng đầu

KBC vừa thông báo đã bán 1.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 24 tháng, đáo hạn tại ngày 3/6/2023. Lãi suất cố định 10,5%/năm được trả định kỳ 6 tháng/lần. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không phải nợ thứ cấp. Tài sản đảm bảo là cổ phiếu KBC thuộc sở hữu của bên thứ 3. Theo kết quả chào bán, 31 nhà đầu tư trong nước gồm các cá nhân, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, cùng tổ chức khác mua vào 900 tỷ đồng trái phiếu. 100 tỷ đồng trái phiếu còn lại được một quỹ nước ngoài đầu tư. Tính từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp đã phát hành hơn 3.400 tỷ đồng trái phiếu, với lãi suất cố định 10,5 - 10,8%/năm và đáo hạn tại năm 2023.

Ngoài lợi thế quy mô các KCN lớn, hệ thống hạ tầng được đầu tư đồng bộ, KBC còn được các nhà đầu tư đánh giá cao ở năng lực hỗ trợ khách hàng từ khâu khảo sát đầu tư tới cấp phép và trong suốt quá trình hoạt động. Bên cạnh đẩy mạnh tốc độ thu hút đầu tư, nhanh chóng lấp đầy các KCN hiện hữu, KBC vẫn luôn chuẩn bị sẵn sàng mọi nguồn lực và phát triển mở rộng, tạo lập quỹ đất mới, sẵn sàng đón đầu những làn sóng đầu tư mới đang có xu hướng dịch chuyển đầu tư sang Việt Nam.

Tiềm năng lớn trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp

Bên cạnh lợi thế về thu hút dòng vốn nước ngoài, KBC cũng sở hữu nhiều tiềm năng về đất đai. Tính đến nay, KBC đang quản lý hơn 4.713 ha đất cho phát triển KCN, chiếm gần 5% tổng số diện tích đất KCN của cả nước và 917.9 ha đất cho phát triển khu đô thị, dân cư. Trong đó, có 1.013 ha đất KCN thuộc 4 KCN (Quế Võ I, Quế Võ II, Tràng Duệ I, Tràng Duệ II) đã được lấp đầy 100% mang lại doanh thu cố định đáng kể cho tập đoàn bao gồm thu phí quản lý hạ tầng, cung cấp nước sạch, nước thải. Đặc biệt, thời gian lấp đầy các KCN đã được cải thiện lên rất nhiều cho thấy hoạt động của KBC ngày càng hiệu quả và sức hút đến từ thương hiệu KINHBACCITY đối với các đối tác. Cụ thể, các KCN Quế Võ I và Quế Võ II mất trung bình 12 năm để đạt tỷ lệ lấp đầy trên 90% thì các KCN mới như Tràng Duệ 1 và 2 chỉ mất trung bình khoảng 6 - 7 năm để đạt tỷ lệ này.

Khách hàng chính của KBC chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, công nghệ cao như LG, Haengsung Electronic,… không chỉ giúp KBC có được dòng tiền ổn định và dồi dào mà còn đưa Việt Nam vào bản đồ chuỗi cung ứng của thế giới, phát triển bền vững kinh tế địa phương.

Bên cạnh đó, KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh hiện tại đã tiến hành đền bù 185 ha trên tổng diện tích 300 ha, cùng với việc xây dựng và lắp đặt hệ thống nước sạch cho khoảng 100ha đã đền bù. KBC cũng kỳ vọng dự án này sẽ ghi nhận doanh thu đáng kể trong năm 2021. Ở khu vực phía Bắc, ngoài Tràng Duệ và Nam Sơn Hạp Lĩnh, KCN Quang Châu cũng được kỳ vọng sẽ mang đến khoản doanh thu đáng kể cho KBC trong 3 năm tới.

Tại khu vực phía Nam, KCN Tân Phú Trung tọa lạc tại Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh với diện tích đất thương phẩm còn lại khoảng hơn 172ha, trong đó còn 34 ha cần phải đền bù, vẫn là một trong những KCN có tiềm năng tăng trưởng cao nhờ vào quỹ đất sẵn có với chi phí thấp cùng với việc TP. Hồ Chí Minh đẩy mạnh đầu tư sang phía Tây.

KBC còn sở hữu nhiều dự án bất động sản thương mại lớn với vị thế đắc địa, điển hình là 2 đại dự án KĐT Phúc Ninh tại Bắc Ninh và KĐT Tràng Cát tại Hải Phòng, được xem là những dự án trọng điểm làm động lực tăng trưởng chính cho mảng bất động sản thương mại của KBC.

Kinh Bắc điểm sáng thu hút vốn ngoại và lợi thế khi sở hữu quỹ đất

Hình ảnh Khu công nghiệp Quế Võ của KBC tại Bắc Ninh.