Chú trọng vai trò của dự báo kinh tế vĩ mô

Chia sẻ kinh nghiệm về quản lý kinh tế vĩ mô, đại diện Bộ Ngân khố Australia cho biết, lạm phát chịu tác động của cả cú sốc cung và cầu, đang gia tăng ở nhiều quốc gia trong đó có cả Australia. Hiện tại, Australia phải đối mặt với những thách thức trong bối cảnh dịch Covid-19.

Trong bối cảnh như vậy, Chính phủ Australia đã thông qua chiến lược tài khóa 2 giai đoạn: đảm bảo sự phục hồi và đẩy tỷ lệ thất nghiệp xuống mức trước khủng hoảng hoặc thấp hơn; tăng trưởng kinh tế để ổn định và sau đó giảm nợ trong tỷ trọng của GDP. Theo đó, Chính phủ Australia sẽ đề ra một chiến lược tài khóa sửa đổi trong ngân sách tháng 10 sắp tới. Sau mức hỗ trợ kinh tế chưa từng có đã được cung cấp trong thời kỳ đại dịch, chính sách bắt đầu chuyển sang chế độ bình thường hóa. Sức mạnh của sự phục hồi kinh tế và lạm phát tăng cao có nghĩa chính sách bắt đầu bình thường hóa là phù hợp.

Nguồn: Bộ Ngân khố Australia. Đồ họa: Thế Dương
Nguồn: Bộ Ngân khố Australia. Đồ họa: Thế Dương

Vai trò của mô hình dự báo kinh tế vĩ mô và cấu trúc tổ chức bộ phận dự báo của Bộ Ngân khố Australia thể hiện ở hai khía cạnh: Mô hình kinh tế vĩ mô cần phải là một phần của quá trình dự báo thường xuyên, là một công việc cần được tiến hành liên tục, yêu cầu có một bộ phận chuyên trách để vận hành và duy trì mô hình; Ban phụ trách về tình hình kinh tế vĩ mô (MECD) trong Bộ Ngân khố Australia có nhiệm vụ điều hành những diễn biến, phát triển trong nền kinh tế vĩ mô của Australia và cung cấp những báo cáo tóm tắt, phân tích và dự báo liên quan.

Cơ cấu tổ chức bộ phận dựa trên cơ sở nhóm (nhóm dự báo; nhóm tình hình trong nước và nhóm tình hình quốc tế), đặt dưới sự điều hành chung của Trợ lý bộ trưởng thứ nhất (tương đương thứ trưởng). Mỗi nhóm khác nhau có trách nhiệm thực hiện dự báo cho từng yếu tố của GDP, phản ánh những lĩnh vực chính của nền kinh tế. MECD gồm hơn 40 nhà phân tích, trong đó đơn vị xây dựng mô hình kinh tế vĩ mô gồm khoảng 7 thành viên.

Như vậy, Chính phủ Australia rất coi trọng vai trò của dự báo kinh tế vĩ mô và chú trọng xây dựng và phát triển mô hình dự báo hiệu quả, có cơ cấu tổ chức và vận hành cụ thể.

Đảm bảo ổn định hệ thống thanh toán và bù trừ trên thị trường chứng khoán

Trao đổi về kinh nghiệm phát triển thị trường chứng khoán trong bối cảnh Covid-19, phía Australia chia sẻ về hệ thống thanh toán và bù trừ. Theo đó, có 4 nền tảng thực hiện chức năng bù trừ và thanh toán tại Australia gồm: ASX Clear, ASX Clear (Futures), ASX Settlement, Austraclear.

4 nền tảng này đều thuộc quyền sở hữu của Công ty TNHH ASX - công ty đại chúng được niêm yết trên thị trường chứng khoán Australia. ASX hoạt động độc lập, tư nhân vận hành Sở Giao dịch chứng khoán Australia và là công ty được cấp phép thành lập cũng như hiện là công ty duy nhất cung cấp dịch vụ thanh toán và bù trừ chứng khoán, chịu sự giám sát hoạt động của các cơ quan liên quan của chính phủ.

Để vận hành hệ thống thanh toán và bù trừ, Australia thành lập Hội đồng các nhà quản lý chính sách tài chính (CFR) bao gồm Uỷ ban Đầu tư và chứng khoán Australia (ASIC), Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA), Bộ Ngân khố và Cơ quan Quản lý thận trọng Australia (APRA). CFR thường xuyên phải phối hợp với uỷ ban Tiêu dùng và cạnh tranh Australia (ACCC). Hoạt động của CFR là điều phối các hoạt động chính sách cùng với quy định áp dụng đối với các thành viên thị trường, với mục tiêu nhằm đảm bảo các hoạt động trên thị trường được thực hiện phù hợp và hiệu quả.

Kinh tế Australia phục hồi nhờ tiêu dùng và hỗ trợ của chính phủ

Theo đại diện Bộ Ngân khố Australia, triển vọng về tăng trưởng GDP thực tế của Australia được dự báo là tăng khoảng 4% vào năm 2021-2022 do sự phục hồi nhanh chóng về tiêu dùng sau đại dịch, một phần nhờ vào hiệu quả của sự hỗ trợ của Chính phủ trong việc duy trì thu nhập hộ gia đình và kết nối thị trường lao động.

Ưu tiên hàng đầu của các cơ sở thanh toán bù trừ tại Australia là phải đảm bảo được các yếu tố: tính ổn định của hệ thống tài chính, giảm thiểu rủi ro hệ thống, đảm bảo các dịch vụ thanh toán và bù trừ được cung cấp một cách công bằng và hiệu quả, bảo vệ nhà đầu tư trong việc giao dịch các sản phẩm tài chính và sử dụng các công cụ thanh toán và bù trừ.

Để thực hiện các mục tiêu nêu trên, Australia thực hiện Bộ Nguyên tắc cơ sở hạ tầng thị trường tài chính (PFMIs), bao gồm 24 nguyên tắc. Trong đó, các cơ sở thanh toán và bù trừ yêu cầu phải được cấp phép khi hoạt động tại Australia, bao gồm đủ năng lực tài chính và đáp ứng tiêu chí vận hành hợp lý, giảm thiểu rủi ro hệ thống theo cách thức hiệu quả và công bằng.

CFR đưa ra hai gói cải cách chính áp dụng đối với cơ sở thanh toán và bù trừ tại Australia, đó là gói cải cách về tính cạnh tranh trong thanh toán và bù trừ và Gói giải pháp cơ sở hạ tầng thi trường tài chính. Điều này cho phép ACCC phối hợp ASIC quản lý các hoạt động của ASX và ASX phải tuân thủ các hoạt động kiểm toán hàng năm. Hệ thống quản lý rủi ro là một phần quan trọng của gói cải cách của CFR nhằm thực hiện các cam kết của G20 sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Như vậy, tiêu chí ổn định hệ thống tài chính của Australia luôn đi cùng với việc quản lý hiệu quả các hoạt động của cơ sở thanh toán và bù trừ, điều tiết rủi ro vận hành theo hướng tăng tính bền vững cho thị trường.