Thị trường chứng khoán: Tâm lý còn dè dặt, VN-Index tăng nhẹ với thanh khoản ít biến động Thông tư 68/2024/TT-BTC thể hiện cam kết thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán

Vĩ mô vẫn là điểm tựa vững chắc

Nhận định về những yếu tố tác động đến thị trường chứng khoán, ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Phân tích của Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) cho rằng, về yếu tố bên ngoài, các ngân hàng trung ương vẫn đang trong xu hướng nới lỏng tiền tệ. Đà hồi phục một số nền kinh tế thế giới cũng hỗ trợ cho Việt Nam, do hiện chúng ta đang phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu, FDI. Chứng khoán thế giới cũng sẽ hồi phục theo nền kinh tế, phần nào tác động đến tâm lý nhà đầu tư trong nước.

Yếu tố vĩ mô Việt Nam vẫn là điểm tựa vững chắc cho thị trường chứng khoán. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV dự kiến sẽ thông qua nhiều chính sách, luật quan trọng, trong đó sửa đổi một số điều khoản của Luật Chứng khoán...

Kinh tế vĩ mô đang mở ra nhiều động lực cho sự phát triển bền vững của thị trường chứng khoán
Thị trường chứng khoán vẫn cần những "câu chuyện" có tính chất mạnh hơn . Ảnh: T.L

“Việt Nam vẫn kiểm soát tốt vấn đề tỷ giá. Áp lực đồng USD có xu hướng trở lại. Tuy nhiên, tôi cho rằng áp lực này có thể hạ nhiệt trong tháng 11, vì khả năng Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ giảm lãi suất sau cuộc họp sắp tới. Điều này có thể mở ra cơ hội cho thị trường chứng khoán, vì làm giảm áp lực bán của nhà đầu tư nước ngoài” - ông Minh cho biết.

Tháng 11 thường có cơ hội mua tốt nhất

Thống kê 6 năm trở lại đây, mức tăng bình quân của VN-Index từ tháng 11 cho đến tháng 4 hàng năm là gần 8% - cũng là mức tăng rất tốt.

Khi VN-Index tăng 8% thì cổ phiếu có beta nhạy hơn thì tăng gấp 2, 3 mức bình quân này. Khoảng 3 giai đoạn gần đây, 2020 - 2021 VN-Index tăng 32%, 2017 - 2018 tăng 18% và 2023 - 2024 tăng 16%. Trong 3 năm gần đây, tháng 11 là tháng trũng nhất và cũng thường có cơ hội mua tốt nhất.

Trong khi đó, lợi nhuận doanh nghiệp quý III đa số có mức tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ quý III/2023. So với quý II liền trước có giảm nhưng vẫn đang trong xu hướng đi lên. Thị trường sẽ có mức định giá mới.

Ngoài ra, thời gian qua, nhờ việc Nhà nước đẩy nhanh sửa đổi một số luật về bất động sản đã hỗ trợ cho thị trường này, tính pháp lý dự án đã có phần khơi thông, giúp giải tỏa bớt tâm lý của nhà đầu tư lên nhóm cổ phiếu bất động sản. Đà chững lại (nếu có) của nhóm cổ phiếu này phần nào sẽ tạo ra những cơ hội cho thị trường chứng khoán tháng 11.

Theo PGS-TS. Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, thị trường chứng khoán biến động tích lũy trong biên độ hẹp, nhà đầu tư rất khó kiếm tiền. Mặc dù chứng khoán đang có nhiều yếu tố tích cực nhưng chưa đủ tạo cú hích giúp thị trường bật tăng khỏi vùng tích lũy, chưa kể khối ngoại vẫn bán ròng.

“Không chỉ vàng thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư, lãi suất gửi tiết kiệm cũng nhích lên thời gian qua tạo thêm nhiều sự lựa chọn cho khoản tiền nhàn rỗi. Trong khi đó, chứng khoán lại kém khởi sắc khiến rất nhiều người chọn đứng ngoài quan sát, ngừng giao dịch càng kéo thanh khoản của thị trường chứng khoán giảm sâu" - ông Huân nói.

Mặt khác, P/E của thị trường hiện nay đang neo quanh 14 lần - đây không phải là mức rẻ mà chỉ là mức trung bình của VN-Index trong 10 - 15 năm qua. Hơn nữa, thị trường tháng 11 đang trong trạng thái thiếu thông tin hỗ trợ sau mùa công bố kết quả kinh doanh quý III, những câu chuyện kỳ vọng như nâng hạng thị trường chứng khoán cũng dần dịch chuyển kỳ vọng sang năm sau. Nếu không có động lực mạnh mẽ hơn hoặc sự tham gia của dòng tiền mới thì rất khó để thị trường chứng khoán bứt phá.

Đâu là những nhóm ngành tiềm năng?

Ông Trần Hoàng Sơn - Giám đốc Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VPBank cho rằng, sau khi ra kết quả kinh doanh quý III được công bố, thị trường có sự phân hóa lớn. Nhóm có kết quả kém sẽ tiếp tục xu hướng điều chỉnh, nhóm có kết quả kinh doanh năm 2024 và 2025 kỳ vọng tăng trưởng thì điều chỉnh là cơ hội lựa chọn cổ phiếu mục tiêu cho kỳ tháng 12 và quý I/2025.

Ông Trần Hoàng Sơn kỳ vọng thị trường có thể tái cân bằng quanh ngưỡng 1.200 điểm, nhiều cổ phiếu chạm sát hoặc xuống dưới ngưỡng MA200. Do vậy, ở vùng 1.200 - 1.240, những nhà đầu tư trading thì xem xét giải ngân 10 - 30% cho những cổ phiếu nào có nền tảng cơ bản tốt, đặc biệt là kết quả kinh doanh quý III vừa qua tăng trưởng và cổ phiếu chiết khấu sâu.

Kinh tế vĩ mô đang mở ra nhiều động lực cho sự phát triển bền vững của thị trường chứng khoán
Sau khi ra kết quả kinh doanh quý III được công bố thị trường có sự phân hóa lớn. Ảnh: T.L

Ông Trần Hoàng Sơn cho rằng, kinh tế phục hồi tích cực sẽ giúp các ngân hàng gia tăng biên lợi nhuận, giảm bớt áp lực trích lập dự phòng. Mức độ lạc quan của người tiêu dùng trong thời gian gần đây và kỳ vọng kinh tế tiếp tục tăng trưởng sẽ là yếu tố thúc đẩy nhóm bán lẻ. Ngoài ra, dòng vốn FDI mạnh mẽ là điểm sáng với nhóm bất động sản công nghiệp.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Thế Minh, tổng quan bức tranh tăng trưởng quý III đã có sự xoáy chiều so với cùng kỳ năm trước. Quý III/2023, tăng trưởng chủ yếu đến từ nhóm tài chính và công nghệ. Sang quý III năm nay, tăng trưởng nhóm ngân hàng vẫn tốt, trong khi nhóm chứng khoán chậm lại hoặc giảm.

Nhóm sản xuất đã hồi phục trở lại trong quý III nhờ hồi phục nền kinh tế. Dự báo những tháng cuối năm, các nhóm ngành có triển vọng như hàng tiêu dùng, bán lẻ, xuất khẩu, nhờ vào mùa mua sắm, tiêu dùng.

“Trong nhóm tài chính, tôi kỳ vọng nhóm ngân hàng cho quý IV khi tăng trưởng tín dụng ở mức khá, tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đang tăng trưởng trở lại, từ đó biên lãi ròng (NIM) sẽ cải thiện, còn nợ xấu có thể giảm” - ông Minh cho hay./.

Tổng lợi nhuận sau thuế toàn thị trường trong quý III/2024 tăng 21,6%

Cập nhật mới nhất của FiinTrade, tính đến ngày 1/11/2024, đã có 1.060 doanh nghiệp niêm yết đại diện 98,5% vốn hóa toàn thị trường công bố kết quả kinh doanh quý III/2024.

Tổng lợi nhuận sau thuế toàn thị trường trong quý III/2024 tăng 21,6% so với cùng kỳ năm 2023, duy trì tốc độ ổn định so với 2 quý trước đó tăng 20,7% so với cùng kỳ trong quý I và tăng 21,4% trong quý II.