Phát triển kinh tế xanh

Sau 10 năm thực thi chiến lược giai đoạn 2011 - 2020, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa liên tục tăng trưởng, đóng góp quan trọng vào công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế của đất nước.

Tính từ đầu năm đến 15/9, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 526,04 tỷ USD, tăng hơn 70 tỷ USD so với cùng kỳ 2021. Trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 265,34 tỷ USD, tăng 17,82%; kim ngạch nhập khẩu đạt 260,7 tỷ USD, tăng 13,15% so với cùng kỳ năm 2021.

Mặc dù tăng trưởng xuất khẩu cao, nhưng các chuyên gia kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp cho rằng chưa bền vững, khi cơ cấu thị trường xuất khẩu, nhập khẩu còn chậm chuyển dịch, cán cân thương mại song phương với một số thị trường lớn chưa hợp lý. Nền kinh tế chưa khai thác hết lợi thế cạnh tranh xuất khẩu dựa vào công nghệ, trình độ lao động, quản lý để tạo ra các nhóm hàng xuất khẩu có khả năng cạnh tranh cao, có hàm lượng khoa học, công nghệ cao. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi Việt Nam tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng đặt ra nhiều thách thức trong cạnh tranh về năng suất chất lượng, rào cản kỹ thuật, các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp do các nước nhập khẩu mở ra để bảo hộ sản xuất.

Nguồn: Tổng cục Hải quan Đồ họa: Văn Chung
Nguồn: Tổng cục Hải quan Đồ họa: Văn Chung

Tại hội nghị “Xu hướng toàn cầu và Việt Nam: Quan điểm từ chiến lược xuất khẩu quốc gia”, do Bộ Công thương vừa tổ chức, bà Nguyễn Thuý Hiền cho hay, Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt đã quán triệt chủ trương, đường lối phát triển kinh tế - xã hội đã quan tâm đến những xu hướng mới trong kinh tế - thương mại quốc tế như: kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn… Chính vì vậy các bộ, ngành, cộng đồng doanh nghiệp cần xác định tăng trưởng xanh và phát triển kinh tế xanh là một trong những động lực thúc đẩy chiến lược xuất khẩu quốc gia giai đoạn 2021 - 2030.

“Phát triển xuất khẩu là động lực của tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững; đảm bảo phát triển xuất nhập khẩu bền vững với cơ cấu cân đối, hài hòa; phát huy lợi thế cạnh tranh, lợi thế so sánh, phát triển thương hiệu hàng hóa Việt Nam, nâng cao vị thế quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu” - bà Nguyễn Thuý Hiền nhấn mạnh.

Ưu tiên phát triển ngành mũi nhọn và kinh tế số

Đề cập đến chiến lược xuất nhập khẩu quốc gia đến năm 2030, PGS.TS Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng cần lồng ghép các mục tiêu tăng trưởng xanh cùng với thực hiện các cam kết thương mại quốc tế. Trong đó, chính sách phải nhắm tới mặt hàng và thúc đẩy mở rộng thị trường, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ các ngành mới, đặc biệt là các ngành kinh tế xanh, tăng trưởng xanh.

Ông Bùi Quang Tuấn khuyến cáo, cơ quan chức năng cũng cần rà soát lại các mặt hàng, bởi các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU… đang đi rất nhanh trong việc chuyển đổi xanh. Các chính sách cần thích ứng với các xu hướng mới đồng thời mở rộng thị trường, tạo động lực phát triển các sản phẩm xanh, đầu tư cho công nghệ mới nhằm đáp ứng cho yêu cầu chuyển đổi xanh. Yếu tố quan trọng không chỉ là thiết kế sản phẩm và quy trình mà phải liên kết nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp, nhà tư vấn, nhà khoa học và ngân hàng mới huy động được lực lượng tổng hợp.

Giai đoạn 2021 - 2025, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân 6 - 7%/năm

Quyết định số 493/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 đặt mục tiêu: Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân 6 - 7%/năm, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 tăng 8 - 9%/năm; giai đoạn 2026 - 2030 tăng 5 - 6%/năm.

Tăng tỷ trọng thị trường xuất khẩu khu vực châu Âu lên 16 - 17% tổng kim ngạch xuất khẩu vào năm 2025 và 18 - 19% vào năm 2030; khu vực châu Mỹ lên 32 - 33% tổng kim ngạch xuất khẩu vào năm 2025 và 33 - 34% vào năm 2030; tỷ trọng thị trường xuất khẩu khu vực châu Á vào khoảng 49 - 50% vào năm 2025 và 46 - 47% vào năm 2030.

Bà Pamela Coke-Hamilton - Giám đốc Điều hành Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), cũng đưa ra khuyến nghị đối với Việt Nam trong việc xác định các ngành ưu tiên dựa trên tiềm năng xuất khẩu và đóng góp đối với việc làm và phát triển kinh tế - xã hội, đó là các ngành điện tử, hàng hóa môi trường, gỗ và đồ nội thất; thương mại nông sản và dệt may. Ngoài ra, ưu tiên 5 lĩnh vực cạnh tranh thương mại là: chuyển đổi số; đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; chất lượng, tiêu chuẩn và chứng nhận; tính bền vững và bao trùm; tạo thuận lợi thương mại. Những lĩnh vực này sẽ đóng góp quan trọng cho việc phát triển chuỗi giá trị và phát triển xuất khẩu đồng thời có tác động lan tỏa đến toàn bộ nền kinh tế.

Đồng thuận với việc ưu tiên cho phát triển ngành mũi nhọn, PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại cũng nêu quan điểm, các bộ, ngành và doanh nghiệp cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số đồng hành với phát triển kinh tế xanh. "Tất cả các nền kinh tế muốn hội nhập vào thế giới không thể thiếu chuyển đổi số. Đây không phải việc đơn giản mà đòi hỏi sự cố gắng từ cả hai phía Chính phủ và doanh nghiệp. Trong đó, Chính phủ có vai trò tạo ra thể chế, chính sách, môi trường cạnh tranh minh bạch cho kinh tế số. Về phía các doanh nghiệp cần phải đảm bảo chất lượng, sản phẩm phù hợp với thị trường; đầu tư hệ thống, phương tiện hoạt động số; chú ý đào tạo nhân lực kỹ thuật số, công nghệ số".