Thông tin gần đây nhất từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho thấy, lãi suất bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm ở mức 6,07%, đã giảm bớt phần nào so với mức 6,38% tại thời điểm đầu tháng 3.

Lãi suất liên ngân hàng dù đã hạ nhiệt, nhưng vẫn ở mức cao
Lãi suất liên ngân hàng hạ nhiệt chút ít, nhưng vẫn cao. Ảnh: T.L
Lãi suất hạ nhiệt, tín hiệu tích cực hỗ trợ thị trường chứng khoán

Một số kỳ hạn khác cũng đã hạ nhiệt phần nào, với kỳ hạn 1 tuần là 6,21% (đầu tháng 3 là 6,48%); kỳ hạn 1 tháng là 7,13% (đầu tháng 3 là 7,4%)… Tuy nhiên, cũng có kỳ hạn có sự nhích tăng, chẳng hạn như kỳ hạn 2 tuần hồi đầu tháng 3 là 5,98% thì hiện tại đã tăng lên mức 6,32%.

Diễn biến trên cho thấy lãi suất liên ngân hàng đã giảm phần nào với phần lớn các kỳ hạn chính. Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng hiện tại vẫn cao hơn khá nhiều so với mặt bằng lãi suất giai đoạn giữa tháng 2.

Cụ thể, lãi suất qua đêm ghi nhận hôm 15/2 chỉ là 3,64%. Thời điểm đó, các mức lãi suất các kỳ hạn khác cũng khá thấp với lãi suất 1 tuần là 4,05%; kỳ hạn 2 tuần là 3,64%; kỳ hạn 1 tháng là 5,68%; kỳ hạn 3 tháng là 7,83%...

Bên ngoài thị trường tiền gửi dân cư, vừa qua Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa chia sẻ thông tin cho biết các ngân hàng thương mại đã đồng loạt giảm lãi suất tiền gửi.

Từ ngày 6/3/2023, các ngân hàng thương mại đã đồng thuận giảm lãi suất tiền gửi: Trong đó, 4 ngân hàng thương mại nhà nước giảm 0,2%/năm so với mức lãi suất niêm yết của từng ngân hàng tính từ ngày 27/02/2023 đối với nhóm kỳ hạn từ 6 đến 12 tháng.

Các ngân hàng thương mại cổ phần giảm 0,5%/năm so với mức lãi suất của từng ngân hàng tính từ ngày 27/02/2023 đối với nhóm kỳ hạn từ 6 đến 12 tháng.

Các ngân hàng giảm lãi tiền gửi nhằm giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay

Theo Ngân hàng Nhà nước, việc các ngân hàng đồng thuận giảm lãi suất tiền gửi sẽ giúp các ngân hàng thương mại giảm chi phí, qua đó có điều kiện để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên.