Đã phân bổ 30.000 tỷ đồng ngân sách cho xây dựng nông thôn mới

Ngày 5/8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025 (Chương trình NTM). Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, Chương trình NTM đặt mục tiêu đến năm 2025, cả nước phấn đấu có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn NTM; có khoảng từ 17 - 19 tỉnh, thành phố được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020.

Chương trình xây dựng nông thôn mới mang lại giá trị bền vững cho nông thôn trong giai đoạn mới. Ảnh: Công Tâm
Chương trình xây dựng nông thôn mới mang lại giá trị bền vững cho nông thôn trong giai đoạn mới. Ảnh: Công Tâm

So với giai đoạn 2016-2020, Chương trình NTM giai đoạn 2021-2025 đã bổ sung thêm một số mục tiêu phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, cấp xã, huyện, tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM và cấp thôn đạt chuẩn 2 NTM. Chương trình cũng đã cụ thể hóa mục tiêu phấn đấu xây dựng NTM các cấp (tỉnh, huyện, xã) theo các mức độ (đạt chuẩn, nâng cao, kiểu mẫu) đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 25/2021/QH15 ngày 28/7/2021, Thủ tướng Chính phủ giao mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 cho từng vùng, miền, làm cơ sở để các địa phương xác định mục tiêu cụ thể và triển khai thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 cho phù hợp với điều kiện thực tế.

Ông Trần Thanh Nam cho hay, thực hiện Nghị quyết số 25/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình NTM, Bộ NN&PTNT đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành trung ương có liên quan cơ bản hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản pháp lý, văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện chương trình giai đoạn 2021-2025.

Tổng nguồn vốn ngân sách trung ương (NSTW) bố trí cho Chương trình NTM là 39.632 tỷ đồng. Đến nay, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định giao 27.000 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển và 3.000 tỷ đồng kinh phí sự nghiệp.

Đồng thời, Bộ NN&PTNT đã có văn bản dự kiến phương án phân bổ 9.632 tỷ đồng vốn NSTW còn lại của chương trình giai đoạn 2021-2025 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo quy định.

Mỗi địa phương cần xây dựng kế hoạch để thu hút các nguồn lực

Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện Chương trình NTM, Bộ NN&PTNT sẽ tập trung triển khai 6 chương trình chuyên đề trong giai đoạn 2021-2025. Đặc biệt ngay từ năm 2022, Bộ NN&PTNT đề nghị các bộ, ngành chủ trì, phối hợp với bộ và địa phương khẩn trương hoàn thành xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn các địa phương triển khai các nội dung và các tiêu chí thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về NTM giai đoạn 2021-2025.

Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương chủ động cân đối bố trí đủ nguồn vốn đối ứng từ ngân sách địa phương, huy động hiệu quả các nguồn lực hợp pháp khác ngoài ngân sách để đầu tư xây dựng NTM; khuyến khích cho vay ủy thác qua ngân hàng chính sách xã hội, ưu tiên Chương trình “Mỗi xã phường một sản phẩm”; vận động các tổ chức kinh tế đăng ký hỗ trợ địa phương (huyện, xã) thực hiện xây dựng NTM; khuyến khích người dân tham gia, đóng góp xây dựng NTM theo hình thức tự nguyện, không huy động quá sức dân và không để phát sinh nợ đọng trong xây dựng cơ bản của chương trình.

Cả nước đã có 5.813 xã đạt chuẩn nông thôn mới

Đến tháng 7/2022, cả nước đã có 5.813/8.227 xã (70,7%) đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), tăng 2,4% so với cuối năm 2021; trong đó có 803 xã đạt NTM nâng cao, tăng 300 xã so với cuối năm 2021 và 94 xã đạt NTM kiểu mẫu, tăng 51 xã; có 254 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt NTM; 18 tỉnh có 100% số xã đạt NTM; trong đó có 5 tỉnh được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành xây dựng NTM. Ở cấp địa phương, đến hết tháng 7/2022 đã có 40/51 địa phương trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết phân bổ nguồn vốn ngân sách trung ương giao. Còn 11/51 địa phương đang trong quá trình xây dựng nghị quyết và dự kiến trình hội đồng nhân dân cấp tỉnh trong tháng 8/2022.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, Chương trình NTM giai đoạn 2021-2025 chú trọng hình thành các không gian, thiết chế cộng đồng dân cư nông thôn, gắn với không gian sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, trong đó nâng cao năng lực và chất lượng sống cư dân nông thôn là đặc biệt quan trọng. Như vậy, ngoài nguồn vốn trung ương, các địa phương cần lồng ghép với nguồn vốn địa phương và kêu gọi vốn xã hội, vừa thu hút doanh nghiệp về nông thôn, vừa tạo không gian cho các doanh nghiệp khởi nghiệp ngay tại mỗi địa phương. “Trong giai đoạn vừa qua rất nhiều địa phương đã về đích trước thời hạn nhờ huy động được các nguồn lực ngoài ngân sách từ doanh nghiệp và sự tham gia của người dân. Theo tôi, mỗi địa phương cần xây dựng kế hoạch để thu hút các nguồn lực, đồng hành, hỗ trợ sát sao với cấp cơ sở” – ông Lê Minh Hoan gợi ý.

Đặc biệt, theo ông Lê Minh Hoan, lấy NTM nuôi NTM là cách mà bộ sẽ cùng các địa phương tìm kiếm nguồn lực ngoài sự hỗ trợ của trung ương. Với tư duy tìm kiếm giá trị chúng ta có, từ giá trị đó tạo ra nguồn lực, thu hút đầu tư của tư nhân, doanh nghiệp thì sẽ tạo ra sức bật mới.

Bộ trưởng cũng cho biết, sau khi khởi động chương trình, Bộ NN&PTNT đã chia nhỏ những vấn đề cần làm, đặc biệt ở những khu vực đặc thù để có những tư vấn, hướng dẫn sâu. Mỗi vùng, bộ sẽ có cách tiếp cận để mỗi địa phương thấy rằng dù khó khăn về hạ tầng nhưng họ có giá trị sinh thái, văn hóa cao… Từ đó, kích hoạt được những giá trị văn hóa chứ không chỉ trông vào nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng.

Ngân sách ưu tiên hỗ trợ 39.632 tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 đã nêu rõ cơ chế phân bổ và sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí thực hiện chương trình giai đoạn 2021 - 2025 Theo đó, tổng nguồn vốn NSTW bố trí cho chương trình giai đoạn 2021-2025 là 39.632 tỷ đồng, gồm: 30.000 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển và 9.632 tỷ đồng kinh phí sự nghiệp được phân bổ cho các bộ, ngành trung ương và địa phương thực hiện theo các quy định tại Quyết định số 07/2022/QĐ-TTg ngày 25/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn NSTW của chương trình giai đoạn 2021-2025.

Căn cứ tổng mức vốn được hỗ trợ từ NSTW được cấp có thẩm quyền thông báo và điều kiện thực tế của từng tỉnh, UBND các tỉnh xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ, phương án phân bổ vốn, phương án lồng ghép các nguồn vốn theo quy định để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của chương trình trên địa bàn trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định, đảm bảo không chồng chéo, trùng lặp địa bàn, phạm vi, đối tượng đầu tư với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu của chương trình đã được phê duyệt

Về tỷ lệ vốn đối ứng từ ngân sách địa phương: Đối với các tỉnh tự cân đối được ngân sách (trừ tỉnh Quảng Nam và tỉnh Quảng Ngãi): 100% nguồn vốn thực hiện chương trình bố trí từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác trên địa bàn.

Đối với các tỉnh nhận hỗ trợ từ NSTW và tỉnh Quảng Nam, tỉnh Quảng Ngãi: Các tỉnh nhận hỗ trợ từ NSTW từ 80% trở lên; hằng năm, đối ứng tối thiểu 5% tổng vốn NSTW hỗ trợ thực hiện chương trình cho tỉnh. Các tỉnh nhận hỗ trợ từ NSTW từ 60% đến dưới 80%: Hằng năm, đối ứng tối thiểu bằng tổng vốn NSTW hỗ trợ thực hiện chương trình. Các tỉnh nhận hỗ trợ từ NSTW dưới 60% và tỉnh Quảng Nam, tỉnh Quảng Ngãi: Hàng năm, đối ứng tối thiểu gấp 1,5 lần tổng vốn NSTW hỗ trợ thực hiện chương trình cho tỉnh.