Loạt
Khu vực Nam Vân Phong được đề xuất đầu tư là các cảng biển, khu công nghiệp... Ảnh: TL

Cuộc “đổ bộ” thăm dò đầu tư của các doanh nghiệp “khủng”

Theo thông tin phóng viên TBTCVN có được, trong tháng 2/2023, Ban Quản lý khu kinh tế Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa sẽ làm việc với 13 doanh nghiệp lớn về việc đề xuất các dự án đầu tư vào Khu kinh tế Vân Phong.

Các lĩnh vực được quan tâm đầu tư đợt này như: dự án khu đô thị, du lịch, phát triển khu công nghiệp, đầu tư xây dựng cảng biển, sân bay, năng lượng, hoá dầu.

Cụ thể, theo lịch trình, từ ngày 7 - 8/2, Ban Quản lý khu kinh tế Vân Phong sẽ làm việc với Công ty CP Dầu khí Đông Phương, Công ty Stanvian hóa chất (Stanvian Land), Công ty CP Trung Nam, Công ty CP Sonadezi về các dự án phát triển khu công nghiệp, hóa dầu, năng lượng, công nghiệp…

Từ ngày 9 - 10/2, Ban Quản lý khu kinh tế Vân Phong sẽ làm việc với Tổng công ty Becamex IDC, Công ty CP SSI, Công ty CP Sinnec, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn về các dự án đầu tư phát triển khu công nghiệp, dự án đầu tư xây dựng cảng biển.

Tiếp đến từ ngày 14 - 15/2, Ban Quản lý khu kinh tế Vân Phong sẽ làm việc với Tập đoàn SunGroup, Tập đoàn Novaland, Công ty CP Đầu tư Đất Tâm, Công ty CP FPT, Công ty CP Flamingo Holdings Group về các dự án thuộc lĩnh vực du lịch, dịch vụ, sân bay, cảng biển, đô thị, khu công nghiệp.

Trong danh sách 13 đơn vị quan tâm đề xuất đầu tư vào Khu kinh tế Vân Phong, tại khu vực Nam Vân Phong và các khu công nghiệp có 8 doanh nghiệp, còn lại 5 doanh nghiệp ở khu vực Bắc Vân Phong.

Ban Quản lý khu kinh tế Vân Phong cho rằng, các nhà đầu tư có trách nhiệm giới thiệu tổng quan dự án, quy mô dự án, quy mô sử dụng đất, dự kiến tổng vốn dự án. Sơ bộ đánh giá về tác động, ảnh hưởng môi trường của dự án; hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án (giải quyết bao nhiêu việc làm, dự kiến đóng góp thuế, mức thu nhập người lao động)...

Đồng thời, thông qua việc tiếp xúc, các nhà đầu tư có đề xuất các dự án thuộc diện ưu tiên trong Khu kinh tế Vân Phong nhằm nắm bắt nhu cầu đầu tư của các nhà đầu tư để nghiên cứu trong quá trình lập quy hoạch phân khu các khu chức năng tại Khu kinh tế Vân Phong và các khu công nghiệp trên địa bàn.

Những dự án lớn được ưu tiên

Theo Ban Quản lý khu kinh tế Vân Phong, việc tiếp xúc với các nhà đầu tư nhằm mục đích thu thập thông tin để có cơ sở tham mưu, xây dựng danh mục các dự án ưu tiên thu hút vào Khu kinh tế Vân Phong, vừa phù hợp với định hướng đã được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa khóa XVIII thông qua tại Nghị quyết số 25-NQ/TU ngày 30/9/2022, vừa phù hợp với nhu cầu thực tế của các nhà đầu tư để phát huy hết tiềm năng của Khu kinh tế Vân Phong.

Loạt
... Còn khu vực Bắc Vân Phong chủ yếu là đô thị, dịch vụ, du lịch. Ảnh TL

Liên quan đến việc xúc tiến đầu tư tại Khánh Hòa, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch - Đầu tư về việc tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư để công bố các quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; giới thiệu và xúc tiến kêu gọi đầu tư các dự án trọng điểm của tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Các quy hoạch dự kiến sẽ công bố tại hội nghị gồm: Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2040; điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong đến năm 2040 tầm nhìn 2050 và Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm đến năm 2045.

Theo danh mục các dự án ưu tiên thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Vân Phong theo Nghị quyết số 55/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội, trong giai đoạn 2023 - 2024, dự kiến ưu tiên thu hút đầu tư 27 dự án. Giai đoạn 2024 - 2025 sẽ ưu tiên thu hút thêm 10 dự án.

Đặc biệt, Khánh Hòa sẽ ưu tiên đầu tư 19 dự án thuộc nhóm dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh khu đô thị với quy mô diện tích đất từ 300 ha trở lên, hoặc có quy mô dân số từ 50.000 người trở lên; đầu tư xây đầu tư xây dựng và kinh doanh khách sạn, khu du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp và vui chơi giải trí tổng hợp có sân golf có quý mô vốn đầu tư từ 25.000 tỷ đồng.

Cùng với các dự án nói trên, còn có 4 dự án liên quan đến năng lượng như nhà máy lọc dầu Nam Vân Phong (100.000 tỷ đồng); tổ hợp hóa dầu Nam Vân Phong 1 và 2 (60.000 tỷ đồng/dự án) và nhà máy sản xuất Hydro xanh và pin nhiên liệu mới (48.000 tỷ đồng) đều thuộc khu vực Nam Vân Phong và tập trung ở khu vực xã Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa.

Nhóm cuối cùng được ưu tiên thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Vân Phong thuộc nhóm dự án xây dựng và kinh doanh sân bay, đầu tư bến cảng, khu bến cảng thuộc cảng biển đặc biệt, dịch vụ logicstics… có quy mô đầu tư từ 2.300 tỷ đồng trở lên.

Có 3 dự án được ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2023 - 2024 gồm dự án sân bay dân dụng phục vụ charter (chuyến bay được thuê trọn gói) ở xã Vạn Thắng, Vạn Khánh, huyện Vạn Ninh, với tổng vốn 10.000 tỷ đồng; dự án cảng biển du lịch quốc tế (xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh), tổng vốn 3.000 tỷ đồng và cảng tổng hợp Nam Vân Phong (xã Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa) khoảng 45.000 tỷ đồng.