thị trường nước đóng chai

Ông Nguyễn Thành Hưng đưa ra những cảnh báo mất an toàn trên thị trường nước uống đóng chai. Ảnh: Hải Anh

Theo Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, với sự tiện dụng của sản phẩm, thị trường nước uống đóng chai ngày càng phát triển đa dạng với tốc độ tăng 16%/năm. Bên cạnh sự tăng trưởng về sản lượng và mức tiêu thụ thì vấn đề chất lượng và an toàn thực phầm tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ hàng giả, kém chất lượng.

Thị trường hiện có 150 sản phẩm nước uống đóng chai của các doanh nghiệp (DN) có thương hiệu, có thể thống kê, giám sát được chất lượng. Song, có tới hàng nghìn cơ sở sản xuất, hàng trăm nghìn cơ sở cũng kinh doanh sản phẩm nước đóng chai, đóng bình, nhưng không thể kiểm soát được. Rất nhiều cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, đóng bình không đảm bảo nguồn nguyên liệu nước đầu vào, không đạt quy định vệ sinh của nhà nước trong quá trình chế biến.

Ông Nguyễn Thành Hưng, Phó trưởng phòng Tiêu chuẩn chất lượng nông nghiệp thực phầm, Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam, dẫn chứng: đợt kiểm tra của Sở Khoa học và công nghệ Nghệ An vào cuối năm 2015 đã phát hiện 37 cơ sở nước uống đóng chai, đá tinh khiết sử dụng phiếu kết quả thử nghiệm chất lượng nước giả mạo. Tiến hành xét nghiệm, phát hiện: 17 mẫu nước không đạt tiêu chuẩn, có mẫu nước nhiễm thực khuẩn mủ xanh là loại vi trùng nguy hiểm, có khả năng kháng thuốc cao, dễ làm nhiễm trùng đường ruột…

“Cơ quan chức năng đã từng phát hiện nước đóng chai nhiễm vi khuẩn coliform gây bệnh đường ruột, tiêu chảy của các nhãn hiệu Aquavenus, Bouwater, WaterHaru, Sakur. Chi cục quản lý thị trường Yên Bái cũng phát hiện 6.000 lon nước uống tăng lực An Đô sử dụng đường Saccharin- loại đường không được phép sử dụng trong sản phẩm. Gần đây nhất, vụ việc sản phẩm của Tân Hiệp Phát cũng đã gây chú ý cho dư luận…”, ông Nguyễn Thành Hưng cho biết thêm.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho hay, hội cùng với cơ quan chức năng kiểm tra phát hiện không ít trường hợp ngay tại Hà Nội, DN đăng ký sản xuất nước uống đóng chai từ nguồn nước giếng, tuy nhiên thực tế là lấy nguồn nước máy. Có cơ sở sản xuất nước tinh khiết từ nước giếng khoan; trên mặt đất quanh giếng lại chăn nuôi gia súc, gia cầm, dẫn đến khả năng ô nhiễm, thẩm thấu nguồn nước giếng rất cao…

Trong khi đó, trên thị trường bày bán những dây chuyền sản xuất nước tinh khiết được giới thiệu là công nghệ Mỹ, có giá chỉ vài chục triệu đồng, có đầy đủ các công đoạn khủ trùng bằng tia cực tím… Cách sản xuất này cũng rất có vấn đề về chất lượng.

“Khi phát hiện những trường hợp gian lận về sản phẩm, người tiêu dùng cần chủ động phản ánh và hợp tác với cơ quan chức năng nhà nước và Hội Bảo vệ người tiêu dùng từ trung ương đến địa phương để cùng đấu tranh…”, ông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.

Hàng năm, hội đã tiếp nhận hơn 1.000 vụ việc liên quan đến xâm hại quyền lợi người tiêu dùng, trong đó đã xử lý thành công nhiều vụ việc. Trong số chưa thành công có một phần lỗi từ người tiêu dùng, như mua hàng nhưng không lấy hóa đơn, không đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng và một phần khác do phía doanh nghiệp thiếu thiện chí…

“Khi mua hàng và sử dụng nước đóng chai, đóng bình, người tiêu dùng cần lưu ý đến thông số về quy chuẩn kỹ thuật đối với nước uống thiên nhiên và nước uống đóng chai được quy định tại Nghị định 89/2006/NĐ-CP về nhãn hàng hóa; chọn mua sản phẩm từ nguồn tin cậy, thương hiệu có uy tín trên thị trường, để giảm thiểu rủi ro…", ông Hùng lưu ý./.

Ngọc Linh