TikTok có nhiều nội dung độc hại, vi phạm pháp luật

Theo ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông - TT&TT), trước đây nền tảng TikTok có nội dung thuần túy về giải trí. Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2022 trở lại đây, trên nền tảng này xuất hiện nhiều nội dung vi phạm pháp luật, chống phá Đảng, Nhà nước. Cùng với đó, nhiều nội dung độc hại đã phát triển mạnh mẽ trên TikTok, gây ảnh hưởng đến trẻ em Việt Nam.

Trên thực tế, cơ quan chức năng và dư luận đã bức xúc phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng về nội dung trên TikTok gây nghiện và liên tục tạo ra các xu hướng độc hại. Các nội dung độc hại trên TikTok cũng rất dễ tạo thành trend (xu hướng), từ đó ảnh hưởng xấu đến giới trẻ và người dùng.

Đáng cảnh báo là trong thời gian gần đây, xuất hiện nhiều người nổi tiếng, các thần tượng mạng trên TikTok. Nền tảng này cho phép người dùng mạng xã hội donate (tặng tiền) cho những thần tượng mạng, nhưng TikTok không khuyến khích những nội dung tốt đẹp. Điều này dẫn đến việc nhiều người sử dụng các nội dung độc hại, nhảm nhí, vô văn hóa, để nhận được nhiều tiền hơn từ người dùng mạng.

Bên cạnh đó, TikTok không có biện pháp kiểm soát hiệu quả các nội dung vi phạm bản quyền, đặc biệt là bản quyền phim, cùng với đó là các thông tin tự ý sử dụng hình ảnh, vi phạm quyền riêng tư của người dùng.

Mạnh tay bài trừ mặt trái của TikTok, ngăn chặn tận gốc nạn
Các doanh nghiệp viễn thông đã tự chủ động rà soát, xử lý hơn 3,84 triệu thuê bao được xác định là có thông tin không trùng khớp.

Trên TikTok cũng xuất hiện nhiều video có nội dung xuyên tạc về lịch sử văn hóa Việt Nam, các nội dung sử dụng hình ảnh khiêu gợi, hở hang, đi kèm nội dung hạ thấp con người Việt Nam, bên cạnh đó là những nội dung gây nguy hiểm với trẻ em. Không chỉ vậy, nền tảng này còn dung túng, khuyến khích tạo thuận lợi cho nhiều hoạt động kinh doanh bất hợp pháp.

Hệ lụy của những sai phạm trên dẫn tới TikTok đã tạo môi trường thuận lợi cho tin giả phát tán, gây thiệt hại về kinh tế và bất ổn cho xã hội. Bên cạnh đó, nền tảng này đã khuyến khích giới trẻ bắt chước, học theo những trào lưu xấu, phản cảm, làm lệch lạc nhận thức, lối sống của giới trẻ, làm băng hoại giá trị văn hóa của dân tộc.

Trước thực trạng này, ông Lê Quang Tự Do cho biết, trong thời gian tới, Bộ TT&TT quyết liệt triển khai các giải pháp đấu tranh với Tiktok như phối hợp với các bộ, ngành có liên quan nhiều lần tổ chức làm việc, có văn bản kiên quyết yêu cầu TikTok và các nền tảng xuyên biên giới khác như Facebook, Youtube thực hiện việc chủ động ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm.

Bên cạnh đó, Bộ TT&TT tiếp tục phát triển công cụ, kỹ thuật để rà quét, phát hiện và xử lý thông tin vi phạm; tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành với sự tham gia quan của các ngành: Công thương; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Công an; Thuế… Trong trường hợp các tổ chức, cá nhân này không thực hiện, cơ quan có thẩm quyền sẽ triển khai các biện pháp kỹ thuật ngăn chặn toàn bộ nội dung, dịch vụ, ứng dụng trên.

Chuẩn hóa thông tin thuê bao, ngăn chặn tận gốc nạn "sim rác"

Một trong những vấn đề đang gây bức xúc trong xã hội hiện nay là nạn "sim rác" với các cuộc gọi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản sẽ được Bộ TT&TT triển khai mạnh mẽ trong quý II/2023. Cụ thể, Bộ TT&TT chỉ đạo đơn vị chức năng đề nghị các nhà mạng có biện pháp ngăn chặn tận gốc nạn sim rác; trong đó đề nghị cơ quan công an vào cuộc đấu tranh chống hiện tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng...

Đình chỉ nhà mạng bán "sim rác"

Nhằm chấn chỉnh và xử lý triệt để vấn đề sim rác, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đề nghị các tỉnh, thành và các sở TT&TT triển khai đợt thanh tra diện rộng hoạt động đăng ký, lưu trữ thông tin thuê bao trên phạm vi toàn quốc. Thời gian thanh tra kéo dài 2 tháng, từ ngày 5/4 đến 5/6/2023.

Cục Viễn thông, Bộ TT & TT cho biết, sẽ phối hợp với các sở TT&TT tổ chức giám sát, kiểm tra việc phát triển thuê bao mới của các nhà mạng. Nếu vi phạm, nhà mạng có thể bị đình chỉ phát triển thuê bao mới. Đây là giải pháp “mạnh tay” nhằm tiến tới chuẩn hóa các thông tin thuê bao, giảm thiểu tình trạng sử dụng “sim rác” để thực hiện các cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo bùng nổ trong thời gian qua.

Liên quan đến chuẩn hóa thuê bao di động, theo ông Nguyễn Thành Phúc - Cục trưởng Cục Viễn thông, sau hơn 1 tháng triển khai (từ ngày 15/3), với sự phối hợp tích cực của các cơ quan báo chí, truyền thông, các doanh nghiệp viễn thông đã tự chủ động rà soát, xử lý hơn 3,84 triệu thuê bao được xác định là có thông tin không trùng khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, có dấu hiệu thông tin không đúng quy định.

Trong tháng 5 và tháng 6/2023, Bộ TT&TT sẽ tổ chức thanh tra diện rộng với sự tham gia của các sở TT&TT tỉnh, thành phố trên cả nước nhằm xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Về biện pháp xử lý và ngăn chặn tận gốc cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo, ông Nguyễn Thành Phúc cho biết, Bộ TT&TT chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai thực hiện 6 biện pháp quan trọng và quyết liệt.

Trong đó, chú trọng việc đôn đốc doanh nghiệp viễn thông di động tiếp tục công tác chuẩn hóa thông tin thuê bao, xử lý tình trạng sim có thông tin thuê bao không đúng quy định (sim rác); tiếp tục phối hợp với Bộ Công an để xử lý các cuộc gọi lừa đảo; điều tra, xử lý các trạm BTS (thu phát sóng di động) giả; ngăn chặn và xử lý vi phạm gọi điện quảng cáo vào số điện thoại thuộc danh sách không quảng cáo (Donotcall); đôn đốc, kiểm tra, đánh giá việc ngăn chặn, thu hồi địa chỉ điện tử thực hiện cuộc gọi rác; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chống cuộc gọi rác.

Tại sao sim rác, cuộc gọi rác tồn tại dai dẳng? Ông Võ Đỗ Thắng - Giám đốc Trung tâm an ninh mạng Athena thẳng thắn chia sẻ, do các quy định chế tài xử phạt chưa đủ mạnh, chưa áp đặt một cách chặt chẽ và có sự răn đe. Sim rác cũng là một nguồn doanh thu rất lớn cho nhà mạng. “Chúng ta gọi là rác, nhưng với nhà mạng khi có cuộc gọi phát sinh là họ có doanh thu. Khi doanh thu lớn, họ sẵn sàng chấp nhận phạt” - ông Thắng nói.

* Ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử Bộ Thông tin và Truyền thông:

Kiểm tra toàn diện Tiktok từ ngày 15/5/2023

Mạnh tay bài trừ mặt trái của TikTok, ngăn chặn tận gốc nạn
Ông Lê Quang Tự Do

Bộ TT&TT đã lập đề cương, kế hoạch và đã có công văn gửi các bộ, ngành, đơn vị có liên quan đề nghị cử người tham gia đoàn kiểm tra trực tiếp hoạt động Tiktok ở Việt Nam dự kiến từ ngày 15/5 đến hết tháng 5/2023.

Sau khi kiểm tra Tiktok, Bộ TT&TT sẽ cùng các bộ, ngành đánh giá và đưa ra giải pháp cụ thể. Tất cả các nền tảng xuyên biên giới vào Việt Nam đều phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, nếu không tuân thủ thì sẽ không được chào đón tại Việt Nam. Đồng thời, Bộ TT&TT cũng có kế hoạch phối hợp với Bộ Công thương về việc quản lý hoạt động cung cấp dịch vụ thương mại điện tử của TikTok Shop tại Việt Nam.

* Ông Trần Quang Hưng - Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT:

Cảnh giác, ngăn chặn cuộc gọi deepfake

Mạnh tay bài trừ mặt trái của TikTok, ngăn chặn tận gốc nạn
Ông Trần Quang Hưng

Đứng trước thủ đoạn lừa đảo mới, sử dụng công nghệ cao, sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo giả mạo hình ảnh để lừa đảo (cuộc gọi deepfake), Bộ TT&TT đã phối hợp với cơ quan công an để có biện pháp cảnh báo và ngăn chặn. Ngay từ thời điểm tiếp nhận phản ánh của người dân về hình thức lừa đảo mới này, Bộ TT&TT đã phân tích và cảnh báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Liên quan đến cuộc gọi deepfake, hiện nay các chính phủ, các tổ chức và các tập đoàn công nghệ lớn đang cùng tìm biện pháp, giải pháp kỹ thuật để phát hiện, ngăn chặn. Trong thời gian độ trễ của công nghệ, Bộ TT&TT đề nghị các cơ quan báo chí tích cực tuyên truyền, phổ biến rộng rãi để người dân có thể nhận biết được dấu hiệu của các cuộc gọi lừa đảo này, từ đó nâng cao cảnh giác./.