Hỗ trợ 1.000.000 đồng/ha/ đối với đất chuyên trồng lúa nước

Hỗ trợ 1.000.000 đồng/ha/ đối với đất chuyên trồng lúa nước

Về vấn đề này ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã có cuộc trao đổi với phóng viên TBTCVN.

PV: Thưa ông, quá trình đô thị hóa diễn ra với tốc độ “chóng mặt” có khiến đất nông nghiệp nói chung và đất lúa bị thu hẹp?

- Ông Trần Xuân Định: Đất nông nghiệp cả nước thời gian qua có những biến động không nhỏ. Trong đó, đất lúa bị chuyển thành đất phi nông nghiệp khá nhanh khi tỉnh nào cũng mở những khu công nghiệp, khu đô thị. Có 41/63 tỉnh giảm diện tích đất trồng lúa. Đất lúa ước tính đến năm 2014 còn khoảng 4 triệu ha.

PV: Thực trạng đó ảnh hưởng như thế nào đến sản lượng lúa và an ninh lương thực Việt Nam, thưa ông?

- Ông Trần Xuân Định: Mặc dù đất lúa sẽ tiếp tục bị chuyển đổi nhưng về cơ bản, an ninh lương thực của Việt Nam vẫn được đảm bảo, không chỉ vậy chúng ta còn giữ an ninh lương thực cho các nước trong khu vực.

Cụ thể, trước mắt, sản lượng lương thực của Việt Nam trong những năm qua liên tục tăng, sản lượng lúa tăng từ khoảng 40 triệu tấn năm 2011 lên mức gần 44 triệu tấn vào năm 2014, nếu cộng cả sản lượng cây lấy bột quy thóc thì chúng ta có trên 52 triệu tấn…

Đồng thời, Việt Nam hiện đang dẫn đầu các nước Đông Nam Á về năng suất lúa, cao hơn bình quân của châu Á 17%, tuy nhiên chỉ bằng 75% - 77% so với Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Năng suất lúa của Việt Nam gia tăng liên tục trong suốt những năm qua bất chấp sự biến đổi thất thường của khí hậu, bão, lũ và nhiều tác động tiêu cực khác.

Mặt khác, chúng ta cũng thấy thói quen tiêu dùng gạo của người Việt cũng đã thay đổi, nếu trước đây bình quân tiêu thụ 15 - 16 kg gạo/người/tháng thì hiện nay con số này đã giảm chỉ còn 12 - 13kg; một bộ phận dân cư có thu nhập khá chỉ còn ăn dưới 10kg gạo/người/tháng, và ăn gạo ngon. Cân đối cung cầu gạo những năm gần đây dựa trên tính toán nhu cầu tiêu thụ, nhu cầu để làm giống cho vụ sau, nhu cầu cho chế biến và thức ăn chăn nuôi; dự trữ quốc gia về giống và lương thực... Việt Nam vẫn còn dư thừa 7 - 8 triệu tấn gạo hàng năm...




ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt
Ông Trần Xuân Định


PV: Để bảo vệ đất trồng và đảm bảo an ninh lương thực, Bộ NN&PTNT đã có những chính sách gì, thưa ông?

- Ông Trần Xuân Định: Năm 2012, Bộ NN&PTNT đã trình Chính phủ ban hành Nghị định (NĐ) số 42/2012/NĐ-CP quy định về quản lý và sử dụng đất trồng lúa với mục tiêu là quản lý một cách chặt chẽ quỹ đất lúa dựa trên các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được chính phủ phê duyệt; NĐ cũng đưa ra các quy định về các điều kiện, số lượng diện tích được chuyển đổi, đặc biệt việc chuyển đổi đất lúa sang đất phi nông nghiệp. Đặc biệt NĐ 42 đã đưa ra các cơ chế chính sách hỗ trợ để bảo vệ và phát triển đất trồng lúa, cho địa phương và cho người trồng lúa với mức là 1triệu đồng/ha đất chuyên lúa trong đó 500.000 đồng cho người trồng lúa.

Qua hơn 3 năm thực hiện, một số quy định trong NĐ 42 đã thể hiện bất cập. Bộ NN&PTNT tiếp tục trình Chính phủ sửa đổi NĐ 42 để vẫn đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, phân cấp quản lý sâu hơn cho địa phương và phải tiếp tục quản lý chặt chẽ đất trồng lúa. Theo đó, NĐ 35/2015/NĐ-CP về quản lý và sử dụng đất trồng lúa thay thế NĐ 42 ra đời, có hiệu lực từ 1/7/2015.

Nghị định vẫn quy định chặt chẽ việc sử dụng và chuyển đổi đất lúa phải tuân thủ Luật Đất đai 2013, tuân thủ quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất. Các chính sách bảo vệ, phát triển đất trồng lúa được nâng mức hỗ trợ cao hơn cho cả địa phương và người trồng lúa.

Một số điểm mới của NĐ 35 là khi chuyển đất trồng lúa sang mục đích phi nông nghiệp thì người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng phải thực hiện các quy định của pháp luật về đất đai và phải nộp một khoản tiền để bảo vệ, phát triển đất trồng lúa; trong đó mức nộp cụ thể tùy thuộc vào điều kiện từng địa phương nhưng không thấp hơn 50% số tiền được xác định theo diện tích đất chuyên trồng lúa nước phải chuyển sang đất phi nông nghiệp.

Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ cho các địa phương tăng lên về mức hỗ trợ và phạm vi hưởng như ngoài hỗ trợ cho địa phương (gồm chi đầu tư và chi thường xuyên), thì địa phương còn được hỗ trợ 1.000.000 đồng/ha/năm (mức cũ 500.000 đồng/ha/năm) đối với đất chuyên trồng lúa nước, 500.000 đồng/ha/năm (mức cũ 100.000 đồng/ha/năm) đối với đất trồng lúa khác trừ đất lúa nương được mở rộng tự phát không theo quy hoạch...

PV: Xin cảm ơn ông!

Nam Khánh