Từ khóa “chưa từng có”

“Chưa từng có” là từ khóa được đại biểu Quốc hội (QH) nhắc đến nhiều nhất, trong 2 ngày liên tục (8, 9/11/2021) thảo luận về kinh tế xã hội. Đại biểu Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh) cho biết, trong Kinh Phật nêu 7 loại đại họa thì dịch bệnh là đại họa hàng đầu. Cho đến nay, 22.500 người đã tử vong do Covid-19 - một con số mất mát, theo đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội), là lớn nhất từ sau năm 1975. Ông Trí đề nghị QH cho phép tổ chức một ngày Quốc tang cho những người đã mất vì dịch.

“Dành cho họ - những người đã ra đi trong sự đau đớn xa cách người thân và vì dịch bệnh đã không được tổ chức mai táng chu toàn, một ngày quốc tang là rất nhân văn, nhân nghĩa, nhân ái, đúng đạo lý của con người Việt Nam. Ngày Quốc tang cũng để nhắc nhở chúng ta, những người đang sống, tuyệt đối không được lơ là; để chúng ta đồng lòng hơn, quyết tâm hơn trong công cuộc chống lại đại dịch Covid-19 cam go và ác liệt này" - đại biểu Nguyễn Anh Trí ngậm ngùi.

Tính đến ngày 7/11/2021, cả nước đã tiêm được hơn 90 triệu liều vắc-xin với hơn 83,8% số người từ 18 tuổi.
Tính đến ngày 7/11/2021, cả nước đã tiêm được hơn 90 triệu liều vắc-xin với hơn 83,8% số người từ 18 tuổi.

Từ TP. Hồ Chí Minh (HCM), đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nhận xét các báo cáo chưa “diễn tả” được sự mất mát hàng vạn đồng bào đã ra đi vì bệnh dịch và còn rất nhiều người dân không được chăm sóc y tế tốt trong giai đoạn dịch có thể cũng đã ra đi... Còn đại biểu Tô Thị Bích Châu nêu con số hơn 400 nghìn người nhiễm và gần 17 nghìn người đã tử vong tại TP.HCM cùng sự bàng hoàng: “Nếu không có sự hỗ trợ, giúp đỡ của Đảng, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, của nhân dân cả nước, bạn bè quốc tế và của đồng bào ta ở nước ngoài thì không biết hậu quả mất mát, đau thương còn nặng nề tới mức độ nào”.

Một bài học “xương máu” trong đại họa lần này, theo bà Bích Châu, “phải thúc đẩy sự mạnh dạn, rõ ràng được trách nhiệm, vai trò của mỗi bộ, ngành, địa phương trong chống dịch". Nữ đại biểu ghi nhận Chính phủ thì thương dân, dẫu vậy, “nước xa khó cứu được lửa gần”, mà phải trông ở sự chủ động, linh hoạt của địa phương. Nhưng địa phương làm gì cũng phải hỏi trên, như lô hàng hơn 22 nghìn lon sữa do kiều bào Úc ủng hộ trẻ em khó khăn trong đại dịch tại TP.HCM, về cả tháng trời chưa lấy ra được khỏi kho, vì địa phương không được quyền quyết. Mặt trận Tổ quốc thành phố phải xin ý kiến Cục An toàn thực phẩm, Cục Thú y. Cục Thú y trả lời đồng ý, Cục An toàn thực phẩm lại đề nghị TP.HCM hỏi Chính phủ…

Một chương không thể quên

“Chúng ta đã đi qua chặng đường đầy cam go, thử thách trong cuộc chiến sinh tử với đại dịch Covid-19, với những chiến thắng và cả những hy sinh to lớn cũng như thách thức đang hiện hữu. Lịch sử sẽ còn nhắc nhớ đến đại dịch Covid-19 này như một chương không thể nào quên với tất cả thương đau nhưng cũng tỏa sáng tinh thần trách nhiệm vì dân, chói sáng sự tử tế, đức hy sinh, tình thương yêu bác ái của con người” - phát biểu của đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị).

Giá trị của 2 tỷ đồng

Nếu như chỉ vài năm trước đây, lúc được coi là “thời bình”, dư luận thấy quá “quen” với các con số vài trăm tỷ đồng, thậm chí là vài nghìn tỷ đồng, vài chục nghìn tỷ đồng bởi hàng loạt các đại án được phanh phui với số tiền tham nhũng đều ở “tầm” như vậy. Thì, giờ đây, ở “thời chiến” vì đại dịch, chỉ với 2 tỷ đồng lại có thể mang lại sự choáng ngợp.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) dẫn lại thực tế địa phương mình: Một cặp vợ chồng ở Quảng Bình có hoàn cảnh rất bình thường, ủng hộ hơn 2 tỷ đồng cho tỉnh mua máy móc, thiết bị y tế. “Điều này chứng minh cho lòng yêu nước của nhân dân ta chưa bao giờ nguội tắt. Những hành động nghĩa khí như vậy chỉ chờ cơ hội sẽ sẵn sàng biến thành sức mạnh thúc đẩy con thuyền của đất nước tiến lên. Trong nguy luôn có cơ, tôi tin tưởng ngọn lửa của lòng yêu nước mới được thổi bùng lên trong cơn bĩ cực và sẽ tiếp tục hun đúc nhiệt huyết cống hiến của những người con đất Việt, đưa đất nước bước ra khỏi đại dịch với tâm thế của Việt Nam hùng cường” - đại biểu Tâm xúc động nói.

“Cuộc chiến với đại dịch Covid-19 không phải là một quy trình chuẩn tắc, mà là một hành trình đầy thách thức khắc nghiệt và khó lường. Đòi hỏi chúng ta phải quyết liệt từng hành động, sự cầu thị trong học hỏi, sự quả cảm trong thay đổi nhận thức và tư duy. Đại dịch Covid-19 đã và đang tiếp tục là một thách thức đặc biệt với dân tộc chúng ta” - đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam) nhận định.

Dịch bệnh đã tạo ra những diễn biến chưa từng xảy ra và một trong những điều chưa từng xảy ra, theo đại biểu Khải, đó là công nhân lao động bị sang chấn tinh thần, sẽ để lại di chứng lâu dài, cần nhiều thời gian để khắc phục. “Trước đây, việc kéo lao động từ nông thôn lên thành thị đã rất khó. Giờ đây, xuất hiện thêm tình trạng lực lượng lao động đang ở sẵn các thành phố nhưng vẫn nhất quyết đi về quê. Doanh nghiệp không thể giữ được lao động, kể cả khi Chính phủ đã mở cửa” - ông Khải nêu thực trạng.

“Rơi thẳng đứng” là hình ảnh mà đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) mô tả về nền kinh tế năm 2021. Ông Cường cũng nhắc đến thực tế, mỗi tháng có hàng chục ngàn doanh nghiệp đã phải đóng cửa và hàng chục ngàn người lao động mất việc làm phải hồi hương. Còn theo quan sát của đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau), qua đại dịch cũng bộc lộ ra chất lượng yếu kém của một bộ phận cán bộ chủ chốt ở một số nơi, từ nhận thức đến hành vi không chuẩn về pháp luật dẫn đến ứng xử vừa không đúng về pháp luật, vừa không đúng về đạo lý với nhân dân.

Cho rằng tiếp tục chuyển trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 với nguyên tắc xuyên suốt bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là nhiệm vụ hàng đầu và là điều kiện tiên quyết để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nhưng đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) thấy cần tránh tình trạng “lúc qua tả, lúc qua hữu, cần chú trọng công tác dự báo, không để bị động, bất ngờ, chủ động trong phòng, chống dịch chứ không đuổi theo dịch”.

Số lượng nhiều nhất, tốc độ nhanh nhất

Một ngày trước khi diễn ra các phiên thảo luận kinh tế xã hội tại QH, ngày 7/11/2021, Văn phòng Chính phủ có công điện gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Thủ tướng yêu cầu chuẩn bị sẵn sàng thành lập ngay trạm y tế lưu động ở những nơi dịch bùng phát, địa bàn dịch phức tạp; đẩy mạnh tuyên truyền người dân tiếp tục thực hiện 5K, không vì đã tiêm vắc-xin mà lơ là, chủ quan.

Đến nay, Việt Nam đã có những thỏa thuận đơn hàng hợp đồng lên tới gần 200 triệu liều vắc-xin, thực tế đã tiếp nhận khoảng 125 triệu liều. Chiến lược tiêm chủng đang được thần tốc triển khai. Tính đến ngày 7/11/2021, cả nước đã tiêm được hơn 90 triệu liều vắc-xin với hơn 83,8% số người từ 18 tuổi đã được tiêm ít nhất một liều và hơn 40% số người 18 tuổi trở lên được tiêm đủ 2 mũi. Số lượng vắc-xin hiện tại đảm bảo đủ liều vào cuối năm nay; đồng thời triển khai kế hoạch tiêm mũi thứ ba vào cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Việt Nam là một trong 20 nước trên thế giới có số liều vắc-xin tiêm chủng nhiều nhất; đứng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á, sau Indonesia và là một trong nhóm ba nước có tốc độ tiêm nhanh nhất.