chính sách tài chính mới

Sửa đổi biểu mẫu thu nộp NSNN của KBNN, NHTM

Từ 01/05/2014, mẫu Bảng kê giấy nộp tiền vào NSNN (Mẫu số C1-06/NS), Bảng kê thu tiền phạt (Mẫu số 02/BKTP), Bảng kê chứng từ nộp ngân sách (Mẫu số 04/BK-CTNNS) sẽ được áp dụng theo Thông tư 32/2014/TT-BTC.

Ngoài các nội dung chủ yếu trên chứng từ thu NSNN theo quy định của Bộ Tài chính, có thể tạo thêm thông tin về mã vạch, hình nền biểu tượng (lô-gô) của cơ quan, tổ chức thu nhưng đảm bảo phù hợp pháp luật và không làm ảnh hưởng đến nội dung chứng từ.

Thời điểm “cut off time” sẽ được kéo dài đến 16h, trước đây là 15h30. Trường hợp cần thiết thì Kho bạc Nhà nước chủ trì phối hợp với ngân hàng thương mại để thống nhất thời điểm "cut off time" của ngày làm việc đó.

Giao dịch thu nộp NSNN tại các NHTM phát sinh sau thời điểm cut of time hoặc vào các ngày nghỉ thì truyền chứng từ báo có cho KBNN chậm nhất trước 9 giờ của ngày làm việc kế tiếp.

Đó là một số nội dung mới tại Thông tư 32/2014/TT-BTC sửa đổi Thông tư 85/2011/TT-BTC hướng dẫn quy trình tổ chức phối hợp thu ngân sách nhà nước./.

Phí tuyến Quốc lộ 1, đoạn tránh thành phố Biên Hòa

Từ ngày 10/5/2014 phương tiện đi qua tuyến Quốc lộ 1, đoạn tránh TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai sẽ được áp dụng mức thu phí sử dụng đường bộ riêng theo Thông tư 37/2014/TT-BTC, thay thế cho mức thu phí áp dụng theo Thông tư 159/2013/TT-BTC .

Theo đó, kể từ ngày 10/05/2014 đến hết ngày 31/12/2015, mức thu được quy định cụ thể như sau:

Số TT

Phương tiện chịu phí đường bộ

Mệnh giá

Vé lượt (đồng/vé/lượt)

Vé tháng (đồng/vé/tháng)

Vé quý (đồng/vé/quý)

1

Xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọngdưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải khách công cộng

20.000

600.000

1.600.000

2

Xe từ 12 ghế ngồi đến 30 ghế ngồi, xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn

30.000

900.000

2.450.000

3

Xe từ 31 ghế ngồi trở lên, xe tải có tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn

44.000

1.320.000

3.550.000

4

Xe tải có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn và xe chở hàng bằng Container 20 fit

80.000

2.400.000

6.500.000

5

Xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lênvà xe chở hàng bằng Container 40 fit

160.000

4.800.000

12.950.000

Mức phí trên sẽ tăng kể từ ngày 01/01/2016. Biểu mức thu phí chi tiết được ban hành kèm theo Thông tư trên.

Phí giám định không bao gồm tiền bồi dưỡng

Nội dung trên được quy định tại Thông tư số 34/2014/TT-BTC, 35/2014/TT-BTC về quản lý mức thu, sử dụng phí giám định pháp y, pháp y tâm thần do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành.

Mức phí giám định được quy định cụ thể trong 2 Thông tư này, theo đó mức phí không bao gồm tiền bồi dưỡng giám định tư pháp như quy định cũ.

Đối tượng nộp phí là cơ quan tiến hành tố tụng nếu có yêu cầu giám định trọng các vụ án hình sự, các tổ chức cá nhân có yêu cầu giám định nếu là vụ án dân sự, hành chính.

Các đối tượng là thương binh, thân nhân liệt sỹ, người nhiễm chất đôc da cam, nguời già neo đơn, trẻ em mồ côi, khuyết tật được miễn nộp phí khi yêu cầu giám định.

Các Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 8/5/2014, thay thế các Thông tư 114/2011/TT-BTC, 182/2011/TT-BTC .

Hướng dẫn cho vay mua máy, thiết bị nông nghiệp

Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 13/2014/TT-NHNN hướng dẫn việc cho vay theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp.

Cụ thể Thông tư quy định bên vay là các tổ chức, cá nhân được quy định tại Điều 1 và Điều 2 Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg được phép vay vốn nếu thỏa các điều kiện:

- Các đối tượng vay vốn bằng đồng Việt Nam mua máy, thiết bị nằm trong danh mục chủng loại máy, thiết bị sản xuất trong nước, nhập khẩu

- Đáp ứng đủ điều kiện Khoản 3 Điều 1 và Khoản 3 Điều 2 Quyết định 68.

Về lãi suất vay: các NHTM cho vay với mức lãi suất thấp nhất áp dụng cho các khoản vay vốn phục vụ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cùng kỳ hạn và cùng thời kỳ.

Về thời hạn cho vay:

- Vay mua máy, thiết bị chỉ được ngân sách nhà nước hỗ trợ lãi suất tối đa 3 năm

- Vay đầu tư dự án dây chuyền máy, thiết bị vay tối đa không quá 12 năm

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 12/5/2014./.

Được tự thỏa thuận lãi suất vay nước ngoài

Theo quy định tại Thông tư 12/2014/TT-NHNN về điều kiện vay nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh, bên đi vay và các bên liên quan có quyền tự thỏa thuận chi phí vay nước ngoài (bao gồm lãi suất vay nước ngoài và các chi phí khác).

Nhưng trong trường hợp cần thiết, Thống đốc NHNN sẽ được quyết định mức trần chi phí vay nước ngoài.

Ngoài quy định trên, Thông tư còn có một số điểm mới đáng lưu ý:

Đồng tiền vay nước ngoài là ngoại tệ. Chỉ được vay bằng đồng Việt Nam khi:

- Bên đi vay là tổ chức tài chính vi mô;

- Bên đi vay là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vay từ nguồn lợi nhuận được chia bằng đồng Việt Nam từ hoạt động đầu tư trực tiếp của Bên cho vay là nhà đầu tư nước ngoài góp vốn tại Bên đi vay;

- Các trường hợp khác khi được Thống đốc NHNN chấp thuận.

TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được vay ngắn hạn nước ngoài để bổ sung nguồn vốn tín dụng ngắn hạn.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/5/2014.

Điều lệ mẫu cho Quỹ đầu tư phát triển địa phương

Đây là nội dung chính quy định tại Thông tư 42/2014/TT-BTC về Điều lệ mẫu áp dụng cho Quỹ đầu tư phát triển địa phương do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành có hiệu lực từ ngày 23/5/2014.

Điều lệ mẫu này áp dụng cho các Quỹ đầu tư phát triển địa phương do Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành lập. Căn cứ vào Điều lệ mẫu quy định tại Thông tư này, các Nghị định, các văn bản pháp luật có liên quan và nhu cầu quản lý tại địa phương, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Quỹ hoạt động theo nguyên tắc: Theo mô hình ngân hàng chính sách, thực hiện nguyên tắc tự chủ về tài chính, không vì mục tiêu lợi nhuận, bảo toàn và phát triển vốn. Đồng thời, chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi nguồn vốn chủ sở hữu của Quỹ.

Trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực, các Quỹ đầu tư phát triển địa phương đang hoạt động phải thực hiện điều chỉnh Điều lệ tổ chức và hoạt động và trình UBND cấp tỉnh phê duyệt theo quy định tại Nghị định số 138/2007/NĐ-CP, Nghị định số 37/2013/NĐ-CP và Điều lệ mẫu ban hành kèm theo Thông tư này.

UBND cấp tỉnh có trách nhiệm gửi Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh, thành phố Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương (ban hành mới hoặc điều chỉnh) trong vòng 5 ngày kể từ ngày quyết định ban hành mới hoặc điều chỉnh Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương.

Chế độ tài chính đối với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam

Vừa qua, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 41/2014/TT-BTC quy định về chế độ tài chính đối với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam để thay thế cho Thông tư 62/2008/TT-BTC và Thông tư 229/2009/TT-BTC.

Theo đó, vệc sử dụng vốn của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam phải đảm bảo nguyên tắc đúng pháp luật, an toàn, phát triển vốn.

Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được mua sắm, đầu tư vào tài sản cố định phục vụ hoạt động của mình theo nguyên tắc giá trị còn lại của tài sản cố định không vượt quá 30% giá trị vốn điều lệ và quỹ đầu tư phát triển hạch toán trên sổ sách kế toán.

Quỹ dự phòng nghiệp vụ được sử dụng để chi trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền theo quy định của pháp luật về bảo hiểm tiền gửi.

Ngoài ra, Thông tư còn quy định chi tiết về nguồn hình thành vốn hoạt động, chế độ quản lý tài sản, các khoản thu, chi, chế độ kế toán, thống kê, kiểm toán, kế hoạch tài chính của tổ chức Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 25/5/2014 và áp dụng từ năm tài chính 2014.

Hạn chế mang vàng khi xuất, nhập cảnh của cá nhân

Ngày 28/3 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 11/2014/TT-NHNN thay thế Quyết định 1165/2001/QĐ-NHNN, theo đó việc mang vàng của cá nhân khi xuất, nhập cảnh bị hạn chế hơn so với trước kia, cụ thể:

- Cá nhân xuất, nhập cảnh bằng hộ chiếu sẽ không được phép mang theo vàng miếng, vàng nguyên liệu;

- Cá nhân xuất, nhập cảnh bằng giấy thông hành, chứng minh thư biên giới vẫn được mang theo vàng trang sức, mỹ nghệ phục vụ nhu cầu trang sức, nhưng nếu quá 300g trở lên phải khai báo;

- Cá nhân người Việt Nam được phép định cư nước ngoài nếu mang quá 01kg vàng trở lên (trước đây là từ 3 kg trở lên) phải có Giấy phép của NHNN chi nhánh cấp tỉnh đồng thời phải xin phép;

- Thời hạn để cấp phép tính từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ tăng lên thành 15 ngày.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/5/2014./.

Đã có thông tư hướng dẫn Luật Giá về thẩm định giá

Theo hướng dẫn mới tại Thông tư 38/2014/TT-BTC, Doanh nghiệp thẩm định giá (DN TĐG) không mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp phải trích tối thiểu hàng năm là 1% trên doanh thu dịch vụ TĐG vào quỹ dự phòng rủi ro nghề nghiệp.

Đối với quy định về bồi thường thiệt hại: tổ chức kinh doanh bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài hoạt động ở Việt Nam bồi thường theo hợp đồng bảo hiểm đã cam kết nếu DN TĐG gây thiệt hại cho người sử dụng kết quả TĐG.

Trường hợp DN TĐG không mua bảo hiểm thì phải sử dụng quỹ dự phòng rủi ro nghề nghiệp để bồi thường thiệt hại.

Số tiền phải chi trả bồi thường lớn hơn số tiền được bồi thường theo hợp đồng bảo hiểm hoặc lớn hơn quỹ dự phòng rủi ro nghề nghiệp thì phần thiếu sẽ được tính vào chi phí kinh doanh theo quy định pháp luật.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 15/5/2014./.

Hoàng Lâm