Đào tạo nhân lực kế toán, kiểm toán: “Lợi ích kép” từ phối hợp giữa doanh nghiệp và nhà trường Chuẩn bị kiểm toán việc sử dụng các nguồn lực cho chống dịch và chính sách hỗ trợ

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Vũ Văn Họa cho biết, hội thảo khoa học “Kiểm toán chuyên đề việc quản lý, sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19” được tổ chức để lấy thêm ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, nhà quản lý và nhất là ý kiến của các lực lượng tuyến đầu chống dịch về mục tiêu, nội dung, phạm vi, giới hạn và phương thức tổ chức cuộc kiểm toán nhằm hoàn thiện Đề cương kiểm toán chuyên đề trước khi trình Tổng KTNN ban hành.

Phát hành báo cáo kiểm toán trước 31/5/2022

Mục tiêu cuộc kiểm toán là đánh giá việc tuân thủ pháp luật, việc ban hành các cơ chế chính sách, các khó khăn vướng mắc trong quá trình huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phòng chống dịch Covid-19, nhằm báo cáo kịp thời với Quốc hội, Chính phủ, thông tin kịp thời cho công luận và xã hội.

Phạm vi kiểm toán là việc huy động quản lý và sử dụng các nguồn lực phòng chống dịch Covid-19 tại 32 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các bộ, ngành cơ quan trung ương. Tuy nhiên, không kiểm toán việc mua sắm thuốc, hóa chất, sinh phẩm, kít xét nghiệm tại tất cả các đơn vị bởi nội dung Thanh tra Chính phủ thực hiện, KTNN chỉ tổng hợp số liệu theo báo cáo của các đơn vị. Thời gian kiểm toán dự kiến từ 16/02/2022 đến 31/3/2022, phát hành báo cáo kiểm toán trước 31/5/2022.

Tại hội thảo, trình bày về một số khó khăn, vướng mắc trong quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, viện trợ, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay thời gian qua, Việt Nam nhận được khá nhiều nguồn tài trợ, viện trợ. Tuy nhiên, do nguồn hỗ trợ đa dạng cả về nhà tài trợ, viện trợ và cả về chủng loại mặt hàng nên mặc dù Bộ Y tế đã dành tới 8 kho để lưu giữ và bảo quản hàng hóa phòng chống dịch nhưng trên thực tế, vẫn chưa đáp ứng yêu cầu nên việc tiếp nhận gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, do chưa có phần mềm quản lý kho nên việc tổng hợp và theo dõi số liệu tiếp nhận và xuất cấp mất nhiều thời gian.

Về áp dụng tiêu chuẩn, định mức sử dụng đối với các tài sản nhận viện trợ, tài trợ, Nghị quyết 86/NQ-CP quy định không áp dụng tiêu chuẩn, định mức sử dụng đối với các tài sản nhận viện trợ, tài trợ của các tổ chức, cá nhân và sau khi hết dịch xử lý theo quy định của pháp luật về tài sản công. Vì vậy, thời gian qua, căn cứ diễn biến dịch Bộ Y tế đã thực hiện việc điều chuyển tài sản đã xuất cấp từ địa phương này sang địa phương khác để kịp thời phục vụ công tác chống dịch và điều trị bệnh nhân Covid-19. Hoạt động này cũng sẽ tạo ra khối lượng công việc lớn cho Bộ Y tế và các đơn vị, địa phương do phải thực hiện thủ tục điều chuyển tài sản trong trường hợp vượt quá định mức.

Về theo dõi, hạch toán nguồn lực hỗ trợ, trong quá trình tiếp nhận và phân bổ nguồn lực hỗ trợ có một số đơn vị, tổ chức cá nhân hỗ trợ nguồn lực bằng hiện vật nhưng không có thông tin về giá trị hàng hóa tài trợ. Hiện tại, Bộ Y tế ghi nhận về số lượng tài trợ và đã có văn bản xin ý kiến Bộ Tài chính để hướng dẫn các đơn vị, địa phương hạch toán.

N
Hội thảo được tổ chức để lấy thêm ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, nhà quản lý và nhất là ý kiến của các lực lượng tuyến đầu chống dịch về mục tiêu, nội dung, phạm vi, giới hạn và phương thức tổ chức cuộc kiểm toán.

Hạn chế tối đa tiêu cực, lãng phí

Theo ông Lê Văn Khảm, Ủy viên thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội, trong quá trình sử dụng các nguồn lực cho phòng, chống dịch, yêu cầu về tính hiệu quả, kịp thời là ưu tiên hàng đầu, song cũng không xem nhẹ việc quản lý, sử dụng hợp lý, đúng quy định. Vì thế, trong Nghị quyết số 30/2021/QH15 đã lưu ý đến việc thực hiện các giải pháp không để xảy ra tiêu cực, hạn chế tối đa lãng phí. Việc sử dụng không hợp lý, lãng phí hay tiêu cực cần được chú ý đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu rất lớn nhưng khó xác định số lượng cụ thể và rất cấp bách; nguồn cung khan hiếm, nhiều loại phải nhập khẩu do chưa chủ động sản xuất trong nước, giá cả tăng cao (cao hơn so với giá trị thực), khó kiểm soát.

Thực tế cũng cho thấy, có thời điểm, cơ sở y tế có nơi lo sợ việc mua sắm vì thiếu thông tin, chưa nắm rõ quy định của pháp luật về mua sắm, sợ trách nhiệm nên chủ yếu sử dụng thiết bị được tài trợ, do Bộ Y tế cấp, hoặc chỉ mua các thiết bị đã đấu thầu từ trước. Nhưng cũng trong thực tế đã có cá nhân, có cơ sở có biểu hiện tiêu cực trong mua sắm trang thiết bị y tế gây bức xúc trong xã hội, thiệt hại tài sản của Nhà nước, của nhân dân và tác động tiêu cực nhiều mặt đến đời sống kinh tế - xã hội. Để thực hiện nghiêm quy định của pháp luật, nâng cao và phát huy hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh dựa trên việc sử dụng hợp lý các nguồn lực, nhất là nguồn tài chính công, thì kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán là nhiệm vụ cần thiết để đảm bảo việc sử dụng nguồn lực này hợp lý, hiệu quả, đúng pháp luật.

Nhiều áp lực và thách thức với công tác kiểm toán

Để triển khai thực hiện kế hoạch kiểm toán và đạt được mục tiêu đề ra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Thị Phú Hà cho rằng, KTNN cần xây dựng kế hoạch và tập trung kiểm toán các nội dung liên quan đến việc tham mưu xây dựng, ban hành, chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện các văn bản, chính sách liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương; việc huy động, tiếp nhận, phân bổ, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, bao gồm cả nguồn lực từ NSNN, nguồn tài trợ, viện trợ…

Với quy mô, nội dung và phạm vi kiểm toán lớn như trên, sẽ đặt ra nhiều áp lực và thách thức đối với KTNN. Trước hết, dịch bệnh diễn biến bất ngờ và rất phức tạp, công tác phòng, chống dịch hết sức cấp bách, nhiều cơ chế, chính sách ban hành khác các quy định pháp luật hiện hành và chưa có tiền lệ. Do đó, việc kiểm toán đánh giá công tác nghiên cứu, tham mưu ban hành các cơ chế, chính sách trong công tác phòng, chống dịch cần đặt trong bối cảnh dịch bệnh bất thường, bảo đảm đánh giá khách quan, công bằng, công khai, minh bạch, làm rõ hiệu lực, hiệu quả của các cơ chế, chính sách, cũng như làm rõ có việc cài cắm, trục lợi của các cá nhân, cơ quan, tổ chức và các ngành, lĩnh vực liên quan khi tham mưu, ban hành và tổ chức triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách này hay không.

Trong tình hình diễn biến phức tạp, lực lượng nhân viên y tế mỏng, thường xuyên điều chuyển, luân chuyển giữa các cơ sở y tế, các cơ sở y tế đều quá tải… nên có nơi, có thời điểm các cơ sở y tế tập trung công tác chữa bệnh, cứu người, nhiều thủ tục đăng ký khám, chữa bệnh không được thực hiện, hồ sơ, thủ tục thanh, quyết toán các nguồn kinh phí không đầy đủ sẽ gây khó khăn trong việc thu thập bằng chứng kiểm toán. KTNN cần xây dựng các phương án, phương thức và các giải pháp cụ thể để thu thập được các chứng cứ hợp lệ phục vụ công tác kiểm toán đạt yêu cầu đề ra, bà Nguyễn Thị Phú Hà nhấn mạnh.