PV: Vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại cần có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản để tháo gỡ khó khăn về vốn cho bất động sản. Điều này có thể mở ra cơ hội cho thị trường bất động sản thời gian tới không, thưa ông?

Nên ưu đãi lãi suất cho người mua nhà có nhu cầu thực
TS. Nguyễn Hữu Huân

TS. Nguyễn Hữu Huân: Vừa qua, sau buổi họp giữa Ngân hàng Nhà nước và doanh nghiệp bất động sản, thông điệp được Ngân hàng Nhà nước đưa ra cho thấy, ngành Ngân hàng sẽ có sự rà soát, không hoàn toàn dễ dãi với một số loại hình, phân khúc cao cấp. Ở mộc góc độ nào đó, các doanh nghiệp bất động sản cũng phải nhìn nhận thực tế từ việc đã quá chủ quan không có giải pháp lường trước các biến động có thể xảy ra, dẫn đến nhiều trường hợp rơi vào tình trạng bị động.

PV: Mặc dù vậy, quan hệ giữa ngân hàng, doanh nghiệp bất động sản và với toàn bộ nền kinh tế có sự liên quan với nhau, nếu để doanh nghiệp bất động quá khó khăn, gây suy giảm thị trường thì ngay chính ngân hàng cũng có thể gặp khó khăn?

TS. Nguyễn Hữu Huân: Thị trường bất động sản hiện nay đúng là đang rất khó khăn, cung cầu đều không có và về cơ bản thị trường đang ở trạng thái đóng băng. Tình hình nếu còn tiếp tục xấu đi thì có thể gây ra nhiều hệ lụy với nền kinh tế, trong đó đúng là ngân hàng cũng sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp, bởi phần lớn tài sản thế chấp của các ngân hàng là các tài sản bất động sản.

PV: Vậy theo ông, cần làm gì lúc này để gỡ nút thắt?

TS. Nguyễn Hữu Huân: Quan sát của tôi cho thấy tình hình giải ngân vốn tín dụng cho lĩnh vực bất động sản thời gian gần đây chậm hơn rất nhiều so với trước đây. Lý do chủ yếu là do lãi suất. Do đó, giải pháp đồng bộ cần phải nhất quán và rõ ràng, đặc biệt là hỗ trợ lãi suất vì nếu có chính sách lãi suất ưu đãi tốt cho người mua nhà sẽ giúp tháo gỡ được đầu ra cho thị trường bất động sản.

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần có giải pháp để phân biệt người có nhu cầu nhà ở thực sự và người đầu cơ. Chẳng hạn, chính sách ưu đãi lãi suất có thể chỉ nên dành cho những người chưa từng vay mua nhà bao giờ. Còn lại, những người đã vay mua nhà trước đó và nếu còn tiếp tục vay thêm thì có thể vẫn nên áp dụng lãi suất cao nhằm hạn chế đầu cơ.

Các ngân hàng phải ngồi với các doanh nghiệp bất động sản để rà soát từng trường hợp, từng dự án để xem nhu cầu vốn của họ ra sao. Mục đích là sẽ tháo gỡ đúng điểm nghẽn, đưa dòng vốn đến được đúng đối tượng.

Ngoài ra, các yếu tố vĩ mô như lạm phát và tỷ giá đã tạm ổn định và trong điều kiện này thì Ngân hàng Nhà nước cũng có thể cân nhắc việc bơm tiền nhiều hơn vào nền kinh tế để nền kinh tế có dòng tiền tốt hơn, phục vụ các nhu cầu chung cho các hoạt động kinh tế.

Nên ưu đãi lãi suất cho người mua nhà có nhu cầu thực
Các doanh nghiệp bất động sản trước hết phải có trách nhiệm giải quyết các khó khăn của chính mình.

PV: Không chỉ các chủ đầu tư dự án, những doanh nghiệp hoạt động trong các ngành hỗ trợ như các nhà thầu thi công, doanh nghiệp cung ứng vật liệu… đang gặp rất nhiều khó khăn. Vậy theo ông, giải pháp về vốn cho các doanh nghiệp này nên như thế nào?

TS. Nguyễn Hữu Huân: Đúng là các doanh nghiệp hỗ trợ nêu trên đang rất khó khăn, khi thị trường bất động sản đóng băng. Tuy nhiên, khó khăn của họ không nằm ở vốn, mà nằm ở tình trạng không có việc để làm. Nhiều doanh nghiệp phải giãn công, cho công nhân nghỉ việc. Tuy nhiên, việc rót vốn cho các đối tượng này cũng không giải quyết được đáng kể vấn đề, mà vấn đề là phải tạo được công việc cho họ.

PV: Quan điểm tháo gỡ của Ngân hàng Nhà nước đưa ra gần đây là chỉ ưu tiên vốn cho các dự án nhà ở bình dân, nhà ở xã hội... trong khi vẫn khá cứng rắn với phân khúc cao cấp. Tuy nhiên, việc này có thể khiến các doanh nghiệp bất động sản dừng không triển khai các dự án cao cấp nữa, gây thiếu nguồn cung về lâu dài và sẽ làm cho sản phẩm này sẽ càng tăng giá về mặt dài hạn hay không?

TS. Nguyễn Hữu Huân: Phân khúc cao cấp đa phần là đầu cơ. Nhiều người mua nhà để găm giữ chứ không phải phục vụ nhu cầu sử dụng. Do đó, nhu cầu thực của phân khúc này theo tôi là không lớn, nên cũng sẽ không có tình trạng thiếu cung, vì cho dù chủ đầu tư không có thêm hàng mới để bán ra thì thị trường thứ cấp cũng vẫn đang dư thừa rất nhiều.

Giải pháp hợp lý về mặt chính sách theo đó vẫn hướng tới việc dành tỷ lệ quỹ đất nhiều hơn cho phân khúc nhà ở bình dân để đáp ứng đúng nhu cầu của xã hội.

PV: Xin cảm ơn ông!