Tội phạm trong và ngoài nước cấu kết, hoạt động xuyên quốc gia

Theo Tổng cục Hải quan, từ đầu năm 2022 đến nay, tình hình vận chuyển trái phép các chất ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam và trung chuyển đi nước thứ ba diễn biến khá phức tạp. Tội phạm ma túy trong và ngoài nước câu kết chặt chẽ với nhau, hình thành đường dây, tổ chức tội phạm xuyên quốc gia, hoạt động với phương thức che giấu nhân thân và ngụy trang tinh vi, thủ đoạn vận chuyển ngày càng manh động.

Lực lượng Hải quan đã phát hiện, bắt giữ nhiều vụ việc mang tính chất nghiêm trọng. Lượng lớn các chất ma túy lớn được vận chuyển trái phép từ một số quốc gia châu Âu, Mỹ, Canada…dưới hình thức quà biếu phi mậu dịch thông qua đường hàng không, bưu điện, chuyển phát nhanh vào Việt Nam và xuất trái phép sang Hồng Kông. Đồng thời, lượng lớn methamphetamine, heroin từ Myanmar, Lào, Campuchia xâm nhập qua các cửa khẩu đường bộ chuyển về TP. Hồ Chí Minh, sau đó tập kết xuất sang Đài Loan (Trung Quốc), Philippines bằng đường biển.

Lực lượng Hải quan bắt giữ nhiều vụ vận chuyển ma túy ngụy trang tinh vi từ một số quốc gia châu Âu, Mỹ, Canada…về Việt Nam. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Lực lượng Hải quan bắt giữ nhiều vụ vận chuyển ma túy ngụy trang tinh vi từ một số quốc gia châu Âu, Mỹ, Canada…về Việt Nam. Ảnh: Phương Thảo

Bên cạnh đó, theo đánh giá của các lực lượng chức năng, thời gian qua, có một số địa bàn tiềm ẩn nhiều nguy cơ ma tuý thẩm lậu qua biên giới tiêu thụ vào nội địa và vận chuyển qua nước thứ ba. Trên tuyến biên giới đường bộ, đối tượng tập trung vào các cửa khẩu thuộc các tỉnh giáp ranh biên giới Trung Quốc, Lào, Campuchia như Điện Biên, Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Gia Lai, Long An, Bình Phước, Tây Ninh.

Trên tuyến đường biển, cảng biển, cảng sông quốc tế, tập trung vào khu vực cảng biển có lưu lượng hàng hóa lớn thuộc các tỉnh, thành phố như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu; khu vực đường sông thuộc các tỉnh như: An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang; tuyến hàng không, bưu điện, chuyển phát nhanh tập trung vào các sân bay quốc tế Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Tân Sơn Nhất; các Bưu điện Hà Nội, Bưu điện TP.Hồ Chí Minh; các kho hàng chuyển phát nhanh...

Phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn ngành

Thời gian qua, Tổng cục Hải quan đã rất quan tâm và trang bị, tiếp nhận nhiều máy móc, thiết bị chuyên dùng hiện đại phục vụ phòng, chống ma túy. Dự đoán, từ nay đến cuối năm, tình hình buôn bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy tiếp tục diễn biến phức tạp. Do đó, để phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy, không để Việt Nam là địa bàn trung chuyển ma túy, lực lượng Hải quan tiếp tục nỗ lực phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn ngành, toàn lực lượng trên tinh thần nêu cao thế chủ động, phát huy sức mạnh nội lực kết hợp khai thác tối đa nguồn lực hỗ trợ từ bên ngoài - trong khuôn khổ các quan hệ hợp tác, phối hợp với các lực lượng chức năng trong nước và quốc tế nhằm thúc đẩy hiệu quả công tác phòng chống ma túy.

Triển khai Tháng hành động phòng, chống ma túy

Hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống ma túy (tháng 6), Ngày quốc tế phòng, chống ma túy và Ngày toàn dân phòng, chống ma túy (26/6), Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu các bộ, ngành thành viên Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo triển khai Tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2022 từ ngày 01/6 – 30/6 với chủ đề "Nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy và quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy - Vì một cộng đồng khỏe mạnh và an toàn".

Cụ thể, ngành Hải quan xác định tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp đã thực hiện trong thời gian qua; tăng cường nghiệp vụ kiểm soát hải quan, phối hợp tuần tra, giám sát; đẩy mạnh công tác thu thập, trao đổi thông tin với các lực lượng chức năng, dự báo tình hình, nắm chắc đối tượng, tuyến, địa bàn, nhất là các tuyến địa bàn trọng điểm, phương thức, thủ đoạn buôn lậu mới…

Đặc biệt, tập trung vào các yếu tố then chốt, chủ đạo là nâng cao năng lực của lực lượng chuyên trách theo hướng chuyên sâu, chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ và khai thác, sử dụng trang thiết bị chuyên dùng, chó nghiệp vụ phục vụ công tác phòng chống ma túy; triển khai thành công mô hình Hải quan số, quản lý biên giới thông minh theo mục tiêu Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030; thúc đẩy quan hệ phối hợp, hợp tác giữa cơ quan Hải quan với các lực lượng chuyên trách khác...

Triển khai Chiến dịch Con rồng Mê Kông giai đoạn 4

Tổng cục Hải quan đã có văn bản chỉ đạo các Cục Hải quan địa phương triển khai Chiến dịch Con rồng Mê Kông giai đoạn 4 (từ ngày 15/4 - 15/9/2022).

Văn phòng Tổng cục Hải quan cho hay, Chiến dịch Con rồng Mê Kông do Hải quan Việt Nam và Hải quan Trung Quốc đồng sáng kiến, được khởi động từ tháng 9/2018, đến nay đã triển khai 3 giai đoạn chính và 1 giai đoạn mở rộng với sự tham gia của 20 cơ quan Hải quan và thực thi pháp luật trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Theo đó, đã phát hiện, xử lý 1.203 vụ vận chuyển trái phép các chất ma túy và động thực vật hoang dã, được nhập số liệu vào cơ sở hệ thống Mạng lưới kiểm soát hải quan toàn cầu (CENcomm).

Để thể hiện vai trò nước chủ động nêu sáng kiến của Hải quan Việt Nam cũng như triển khai thực hiện thành công chiến dịch trong giai đoạn 4, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị tổ chức quán triệt, nâng cao nhận thức, phân công nhiệm vụ cho các đơn vị thuộc và trực thuộc để triển khai có hiệu quả.

Cụ thể, các đơn vị tăng cường thu thập thông tin về tình hình, phương thức, thủ đoạn buôn lậu, vận chuyển trái phép ma túy và các loài động thực vật hoang dã để phân tích rủi ro, nhằm xác định trọng điểm, cảnh bảo rủi ro phục vụ hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan.

Đồng thời, lực lượng hải quan tăng cường kiểm soát, kiểm tra chặt chẽ về hàng hóa, hồ sơ, chứng từ đối với các lô hàng có nghi vấn, nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm, áp dụng các biện pháp cần thiết để phát hiện, bắt giữ, xử lý theo quy định, trong trường hợp cần xác minh thông tin từ phía nước ngoài, đề nghị gửi văn bản về Cục Điều tra chống buôn lậu để hỗ trợ.

Ngoài ra, Tổng cục Hải quan yêu cầu các cục hải quan địa phương cần tiếp tục chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng như bộ đội biên phòng, công an... để tổ chức đấu tranh hiệu quả đối với nội dung vận chuyển trái phép ma túy và các loài động thực vật hoang dã…

Mới đây, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo Cục Điều tra chống buôn lậu chịu trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra tình hình thực hiện; tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Tổng cục và Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm về tình hình, kết quả triển khai thực hiện Tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2022 của toàn ngành Hải quan; tham mưu lãnh đạo các cấp tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình phòng, chống ma túy, tội phạm ma túy… Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá kết quả triển khai, thực hiện Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021 - 2025 toàn ngành Hải quan.