PV: Qua quá trình tiếp xúc tư vấn doanh nghiệp, theo bà, những vấn đề gì doanh nghiệp đặt mối quan tâm đối với việc chuyển đổi sang áp dụng IFRS?

Bà Nguyễn Thị Đăng Phương: Doanh nghiệp có nhiều mối quan tâm đối với việc chuyển đổi IFRS như: lợi ích mà việc chuyển đổi này mang lại là gì, cân nhắc giữa lợi ích mang lại và chi phí cần thiết cho việc chuyển đổi này, khi nào nên công bố số liệu theo IFRS…

Ngân hàng phải sớm chuyển đổi IFRS vì thời gian chuẩn bị dài hơn doanh nghiệp
Bà Nguyễn Thị Đăng Phương

Ngoài ra, còn có ba mối quan tâm chính hiện nay. Đầu tiên phải kể đến là các phương pháp chuyển đổi IFRS. Hiện nay, một số doanh nghiệp áp dụng chuyển đổi hoàn toàn thủ công, một số doanh nghiệp áp dụng các công cụ bán thủ công cho các tính toán phức tạp và một số tương đối ít doanh nghiệp có đầu tư cho việc thực hiện chuyển đổi tự động.

Mối quan tâm thứ 2 là về dữ liệu. Do việc chuyển đổi IFRS đòi hỏi khối lượng dữ liệu tương đối lớn và khác biệt so với Chế độ Kế toán Việt Nam (VAS), các doanh nghiệp rất quan tâm tới mức độ đáp ứng từ kho dữ liệu hiện tại, cũng như làm thế nào để quản lý và xây dựng kho dữ liệu dành riêng cho mục tiêu IFRS trong tương lai.

Một vấn đề quan tâm lớn của doanh nghiệp là tác động của việc chuyển đổi, không chỉ là tác động đến khía cạnh báo cáo tài chính và thực hành kế toán, mà còn ảnh hưởng trên nhiều khía cạnh về hoạt động kinh doanh, hệ thống và quy trình, nhân sự và quản lý thay đổi. Nhằm có sự chuẩn bị sẵn sàng cho việc áp dụng IFRS, các doanh nghiệp cần tìm hiểu, đánh giá các khác biệt giữa báo cáo tài chính hiện tại và IFRS để từ đó, đánh giá cụ thể tác động của việc chuyển đổi và xây dựng lộ trình triển khai một cách toàn diện và hợp lý.

Ưu và nhược điểm của mỗi phương pháp chuyển đổi

Mỗi phương pháp chuyển đổi đều có ưu điểm và nhược điểm do yêu cầu của từng phương pháp đối với hệ thống công nghệ thông tin và chi phí đầu tư cho công nghệ thông tin của doanh nghiệp, cũng như trình độ của đội ngũ nhân sự, kiến thức và kỹ năng khác nhau.

Phương pháp thủ công giúp tiết kiệm chi phí đầu tư, nhưng lại đòi hỏi sự quản lý chặt chẽ của đội ngũ nhân sự để tránh sai sót từ thao tác thủ công trong khi phương pháp sử dụng công cụ tính toán hay sử dụng hệ thống phần mềm đòi hỏi chi phí đầu tư cao hơn nhưng sẽ giúp giảm thiểu sai sót không đáng có.

PV: Được biết, các ngân hàng có vẻ là đối tượng khá tích cực trong việc chuyển đổi IFRS, thực tế chuyển đổi của ngân hàng như thế nào?

Bà Nguyễn Thị Đăng Phương: Có rất nhiều ngân hàng đã và đang thực hiện chuyển đổi báo cáo tài chính sang IFRS. Số còn lại cũng đã và đang xây dựng kế hoạch để triển khai trong tương lai gần. Ngoài các nguyên nhân chung cho việc áp dụng IFRS của tất cả các doanh nghiệp, có nhiều lý do giải thích cho việc các ngân hàng tích cực áp dụng IFRS.

Chẳng hạn như việc có khá nhiều ngân hàng là doanh nghiệp niêm yết, thuộc đối tượng áp dụng tự nguyện trong giai đoạn hiện tại. Tiếp theo là đặc thù ngành Ngân hàng thường xuyên có giao dịch với các định chế tài chính nước ngoài và các đơn vị này đòi hỏi các ngân hàng phải có báo cáo tài chính theo IFRS. Thứ ba là do khác biệt giữa VAS và IFRS đối với ngành Ngân hàng là rất lớn, nên thời gian chuẩn bị và triển khai cũng cần dài hơn nên các ngân hàng phải thực hiện sớm hơn để có đủ thời gian hoàn thành và tinh chỉnh, để đảm bảo tính tuân thủ nhưng vẫn hoàn thành mục tiêu kinh doanh của mình.

PV: Ngân hàng có những đặc thù gì khác so với doanh nghiệp thông thường trong việc chuyển đổi IFRS, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Đăng Phương: Như vừa đề cập, đối với ngành Ngân hàng, sự khác biệt giữa chuẩn mực hiện tại và IFRS là rất lớn. Sự khác biệt lớn nhất giữa IFRS và VAS tập trung chủ yếu ở nhóm các chuẩn mực về công cụ tài chính (IFRS 9, IAS 32 và IFRS 7) - nhóm chuẩn mực chi phối hầu hết các khoản mục trên báo cáo tài chính của các tổ chức tài chính.

Nhóm chuẩn mực này thay đổi toàn diện cách phân loại, ghi nhận và đo lường công cụ tài chính, đòi hỏi các thay đổi và dữ liệu lớn để xây dựng các mô hình định lượng về giá trị hợp lý và tổn thất tín dụng dự kiến (ECL).

Ngân hàng phải sớm chuyển đổi IFRS vì thời gian chuẩn bị dài hơn doanh nghiệp
Ngân hàng phải sớm chuyển đổi IFRS vì thời gian chuẩn bị dài hơn doanh nghiệp. Ảnh: T.L
Việt Nam đã có nhiều bước tiến trong chuẩn bị cho việc áp dụng IFRS Kỳ vọng công cuộc chuyển đổi số ngân hàng, lộ trình giảm lãi suất vẫn gian nan

Các dữ liệu sử dụng trong việc xây dựng mô hình thường có độ dài tối thiểu từ 5 đến 7 năm dẫn tới khối lượng dữ liệu yêu cầu là tương đối lớn. Việc thu thập, làm sạch dữ liệu để đáp ứng cho mô hình cũng tốn nhiều thời gian và công sức trong quá trình xây dựng mô hình, do các dữ liệu trước đây đang được thiết kế cho việc quản trị hoặc báo cáo theo VAS, thay vì IFRS.

PV: Ngoài các quy định chung từ phía Bộ Tài chính trong việc hướng dẫn chuyển đổi IFRS cho các doanh nghiệp nói chung, phía Ngân hàng Nhà nước có cần thêm những hướng dẫn cụ thể hơn để phù hợp cho việc chuyển đổi IFRS của các ngân hàng không?

Bà Nguyễn Thị Đăng Phương: Do IFRS chỉ quy định về mặt nguyên tắc hạch toán kế toán, việc có những hướng dẫn cụ thể hơn áp dụng cho từng đối tượng ngành, đặc biệt là ngành Ngân hàng là cần thiết, tạo điều kiện triển khai IFRS đồng bộ và thống nhất.

Mức độ đón nhận của cộng đồng doanh nghiệp đối với việc chuyển đổi IFRS

Nhìn chung, các doanh nghiệp ở Việt Nam đang đón nhận việc chuyển đổi IFRS một cách tương đối cởi mở, đặc biệt là các tập đoàn và các doanh nghiệp trong mảng dịch vụ tài chính, tiêu biểu là các ngân hàng.

Các doanh nghiệp thuộc đối tượng áp dụng tự nguyện theo quy định hiện tại đang có các bước chuẩn bị tích cực cho kế hoạch chuyển đổi. Một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và phải báo cáo cho các nhà đầu tư nước ngoài theo chuẩn mực IFRS bày tỏ mong muốn được triển khai IFRS thay cho VAS trong thời gian tới. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa có nhiều động thái trong việc áp dụng IFRS.

(Bà Nguyễn Thị Đăng Phương)