Ngân hàng Thế giới dự báo, tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu sẽ đạt mức tăng trưởng 2,1% trong năm 2023. Ảnh: T.L |
Báo cáo “Triển vọng kinh tế toàn cầu” mới nhất của WB cho thấy, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu sẽ đạt mức tăng trưởng 2,1% trong năm 2023, cao hơn so với dự báo 1,7% được đưa ra hồi tháng 1, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng 3,1% được ghi nhận năm 2022.
Đối với năm 2024, WB hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu từ mức 2,7% vào tháng 1 xuống còn 2,4%. Nguyên nhân xuất phát từ những tác động của chính sách thắt chặt tiền tệ và các điều kiện tín dụng hạn chế dẫn đến tình trạng sụt giảm đầu tư ở lĩnh vực kinh doanh và nhà ở.
Báo cáo nêu rõ, những yếu tố kể trên sẽ khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại ở nửa cuối năm 2023 và tiếp tục kéo dài đến năm 2024. WB cũng dự báo, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi lên mức 3% vào năm 2025.
Indermit Gill, chuyên gia kinh tế trưởng của WB nhận định, năm 2023 vẫn sẽ đánh dấu một trong những năm tăng trưởng chậm nhất đối với các nền kinh tế tiên tiến trong 5 thập kỷ qua. Theo đó, 2/3 các nền kinh tế đang phát triển sẽ có mức tăng trưởng thấp hơn so với năm 2022, từ đó gây trở ngại lớn cho quá trình phục hồi thời kỳ hậu đại dịch toàn cầu Covid-19, giảm nghèo và gia tăng khó khăn về nợ chính phủ.
Trước đó, hồi tháng 1/2023, WB cảnh báo GDP toàn cầu đang chậm lại và đứng trước bờ vực suy thoái. Nhưng kể từ thời điểm đó, sức mạnh thị trường lao động và nhu cầu tiêu dùng ở Mỹ đã vượt quá mong đợi, trong khi Trung Quốc cũng cho thấy dấu hiệu phục hồi khả quan sau khi gỡ bỏ các biện pháp phòng, chống Covid-19 nghiêm ngặt.
Tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2023 hiện được dự báo ở mức 1,1%, cao gấp đôi so với mức 0,5% hồi tháng 1. Trong khi đó, tăng trưởng của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng lên mức 5,6% so với dự báo 4,3% trước đó. Đối với năm 2024, WB đã hạ dự báo tăng trưởng của Mỹ xuống mức 0,8% và cắt giảm 0,4 điểm phần trăm dự báo của Trung Quốc, xuống còn 4,6%.
Ở khu vực đồng tiền chung euro (Eurozone), WB nâng dự báo tăng trưởng lên mức 0,4% cho năm 2023 nhưng cắt giảm nhẹ dự báo đối với năm 2024.
Cũng theo WB, những căng thẳng gần đây trong lĩnh vực ngân hàng đang góp phần khiến các điều kiện tài chính thắt chặt sẽ tiếp tục kéo dài đến năm 2024. Tình trạng này có thể dẫn đến kịch bản khủng hoảng tín dụng nghiêm trọng và căng thẳng trên thị trường tài chính ở các nền kinh tế tiên tiến. Nếu viễn cảnh này xảy ra, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 có thể sẽ giảm xuống chỉ còn 1,3%, mức thấp nhất được ghi nhận trong 30 năm, ngoại trừ các đợt suy thoái năm 2009 và 2020.
WB dự báo, lạm phát sẽ giảm dần khi tăng trưởng giảm tốc, nhu cầu lao động ở nhiều nền kinh tế giảm và giá cả hàng hóa ổn định. Tuy nhiên, lạm phát cơ bản dự kiến sẽ vẫn cao hơn mục tiêu của ngân hàng trung ương ở nhiều quốc gia trong năm 2024./.