Tỷ lệ nội địa hóa thấp
Theo ông Nguyễn Mạnh Quân - Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công thương), tỷ lệ nội địa hóa của ngành này vẫn ở mức rất thấp, chưa đạt mục tiêu đề ra. Theo Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2004, đến năm 2005 tỷ lệ nội địa hóa phải đạt 40%, năm 2010 tỷ lệ nội địa hóa đạt 60% (đối với xe con, xe tải và xe khách).
Tuy nhiên, sau gần 10 năm phát triển, tỷ lệ nội địa hóa đối với xe con mới chỉ đạt khoảng 7-10%. Việc tỷ lệ nội địa hóa này tập trung chủ yếu vào dòng xe tải nhẹ, bình quân từ 30-50%. Có hai doanh nghiệp có tỷ lệ nội địa hóa cao nhất là Xuân Kiên (khoảng 40%) và Thaco Trường Hải (15-18%).
|
Thị trường nhỏ bé là một rào cản đối với sự phát triển ngành công nghiệp ô tô. Ảnh: MN. |
Theo ông Lâm Chí Quang - Tổng Giám đốc Cty máy động lực và máy nông nghiệp, các nhà sản xuất ô tô không thể tự sản xuất 100% linh kiện mà chỉ sản xuất những linh kiện chính như động cơ và những chi tiết quan trọng khác, còn lại là do các nhà sản xuất phụ trợ khác cung cấp. Do đó, việc nội địa hóa là một nhu cầu tất yếu khách quan.
Việc tỷ lệ nội địa hóa các linh kiện ô tô của Việt Nam còn thấp theo ông Quang là do thị trường của Việt Nam còn nhỏ, tiêu thụ còn hạn chế khiến công nghiệp phụ trợ chưa phát triển.
Số liệu của Vụ Công nghiệp nặng cho thấy, Việt Nam hiện có khoảng 210 DN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, nhưng chủ yếu thuộc loại DN nhỏ và vừa. Trong đó chỉ sản xuất được những loại phụ tùng đơn giản, có hàm lượng công nghệ thấp như: gương, kính, ghế ngồi, bộ dây điện, ắc quy, sản phẩm nhựa; một vài DN đầu tư dây chuyền dập thân, vỏ xe tải của Xuân Kiên, Trường Hải.
Vẫn là lý do "nhiều rào cản"!
Ông Lâm Chí Quang cho rằng, cơ sở hạ tầng giao thông kém, thị trường nhỏ, cùng với đó là thuế đối với ô tô còn cao. Đây là những rào cản đối với ngành công nghiệp ô tô hiện nay.
Ông Phạm Văn Tài - Phó Tổng giám đốc Cty CP ô tô Trường Hải cũng cho biết, nếu giảm thuế thì giá thành ô tô sẽ giảm đáng kể, khi đó, người tiêu dùng sẽ tiếp cận được nhiều hơn với ô tô giá rẻ, cơ hội mua và sử dụng cũng sẽ tăng lên.
Không đồng tình với nhận định này, bà Nguyễn Thị Cúc – Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam cho rằng, giá thành ô tô cao không phải do thuế cao, mà là do việc quản lý của các DN chưa hiệu quả, dẫn đến chi phí sản xuất tăng, làm cho giá thành tăng. Bà Cúc đề nghị các DN ô tô cũng nên đầu tư công nghệ, tiết kiệm chi phí để giảm giá thành.
Theo ông Jesus Metelo Arias - Tổng giám đốc Ford Việt Nam kiêm Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) thì cho rằng, với quy mô nhỏ bé như hiện nay, ngành công nghiệp phụ trợ chỉ dừng ở mức thủ công là chính, chưa có sản phẩm công nghệ cao là một thách thức lớn cho việc phát triển ngành công nghiệp ô tô…/.
Nhật Minh