Ghi nhận chiều hướng giảm

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 2/2023, tổng trị giá xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa của Việt Nam ước đạt 49,46 tỷ USD, trong đó trị giá xuất khẩu ước đạt 25,88 tỷ USD và trị giá nhập khẩu ước đạt 23,58 tỷ USD. Với số liệu này, tổng XNK hàng hóa trong tháng 2/2023 tăng 6% so với tháng 1/2023; trong đó xuất khẩu tăng 10% và nhập khẩu tăng 3%. So với tháng 2/2022, tổng XNK hàng hóa trong tháng 2/2023 tăng 2%; trong đó xuất khẩu tăng 11% nhưng nhập khẩu giảm 7%.

Dù có tăng, song lũy kế 2 tháng đầu năm tổng trị giá XNK của cả nước ước tính đạt 96,06 tỷ USD, giảm 13%, tương ứng giảm 14,6 tỷ USD về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, trị giá xuất khẩu ước là 49,44 tỷ USD, giảm 10% (tương ứng giảm 5,74 tỷ USD) và trị giá nhập khẩu ước là 46,62 tỷ USD, giảm 16% (tương ứng giảm 8,86 tỷ USD).

Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong 2 tháng qua ước tính xuất siêu 2,82 tỷ USD, trái ngược với trạng thái thâm hụt 300 triệu USD của cùng kỳ năm trước. Trong đó, một số nhóm hàng xuất khẩu chủ lực giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái như: dệt may giảm 845 triệu USD, tương ứng giảm 19,7%; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 664 triệu USD, tương ứng giảm 35,6%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 574 triệu USD, giảm 9,9%; sắt thép các loại giảm 352 triệu USD, tương ứng giảm 34,8%...

Ở chiều nhập khẩu, cả nước chi 3,27 tỷ USD nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, qua đó nâng tổng kim ngạch tính từ đầu năm đến 15/2 của nhóm hàng này lên con số 9,83 tỷ USD. Dù vậy, so với cùng kỳ năm ngoái, kết quả trên vẫn thấp hơn 904 triệu USD (tương đương giảm 8,4%). Hiện nay, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là nhóm hàng XNK có quy mô kim ngạch lớn nhất cả nước.

Nguồn: Tổng cục Hải quan. Đồ họa: Văn Chung
Nguồn: Tổng cục Hải quan. Đồ họa: Văn Chung

Việc sụt giảm về kim ngạch cũng được ghi nhận tại một số địa phương trọng điểm. Ví dụ như Cục Hải quan Đồng Nai, tính đến ngày 15/2, số lượng tờ khai hải quan phát sinh tại đơn vị giảm 17% so với cùng kỳ năm 2022. Tương ứng với đó, kim ngạch XNK tại Cục Hải quan Đồng Nai cũng giảm rất mạnh, tới gần 25%.

Tại Cục Hải quan Hà Nội, kim ngạch XNK qua đơn vị trong tháng đầu năm 2023 giảm 71,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu giảm 32,8%; nhập khẩu giảm 45,3% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều nhóm mặt hàng trọng điểm đóng góp số thu lớn đều giảm như: linh kiện ô tô, xe máy; thiết bị viễn thông; linh kiện; máy móc, thiết bị…

Tổng kim ngạch XNK làm thủ tục tại Cục Hải quan Hải Phòng trong tháng 1/2023 cũng giảm mạnh 22,5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu giảm 22,1%, kim ngạch có thuế giảm 39,4%; nhập khẩu giảm 22,9%; kim ngạch có thuế giảm 25,3%. Xét theo từng mặt hàng cụ thể, kim ngạch nhập khẩu một số ít mặt hàng tăng mạnh gồm: ô tô tăng 103,2%; mỹ phẩm tăng 57,3%. Tuy nhiên, nhiều nhóm hàng giảm sâu như linh kiện, phụ tùng ô tô giảm 55,2%; xe máy giảm 73,2%; linh kiện, phụ tùng xe máy giảm 9,4%; xăng dầu giảm 25,5%; bia, rượu giảm 5,3%; sắt thép giảm 32,2%; máy móc, thiết bị giảm 17,1%...

Khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ

Kim ngạch giảm sâu, trong đó có nhiều nhóm hàng chủ lực là thách thức không nhỏ đặt ra cho mục tiêu XNK đạt hơn 800-840 tỷ USD trong năm 2023. Để hỗ trợ hoạt động XNK của doanh nghiệp, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao, ngành Hải quan đang quyết liệt triển khai hiệu quả các giải pháp như đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi thương mại, phát triển quan hệ đối tác hải quan - doanh nghiệp.

Sự nỗ lực của ngành Hải quan mang lại kết quả rõ rệt

Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam cho biết, cơ quan này vừa thực hiện khảo sát 3.600 doanh nghiệp xuất nhập khẩu (XNK) trên cả nước nhằm tổng kết đánh giá kết quả về những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp XNK. Kết quả khảo sát cho thấy, ngành Hải quan và các bộ ngành có những thay đổi rất tích cực. Sự nỗ lực của ngành Hải quan trong thời gian qua để kéo giảm thời gian thông quan là rất trân trọng, cơ quan hải quan sẵn sàng lắng nghe để thay đổi và kết quả mang lại rất rõ rệt, được doanh nghiệp đánh giá cao.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường, ngoài các chương trình, kế hoạch cải cách có tính dài hơi, ngành Hải quan luôn chủ động, kịp thời nắm bắt tháo gỡ khó khăn phát sinh, đột xuất của cộng đồng doanh nghiệp để có giải pháp ứng phó. Bên cạnh đó tiếp tục nỗ lực cải cách, hiện đại hóa, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Gần đây, Tổng cục Hải quan đã triển khai Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan. Đến nay, cơ quan hải quan đã ký kết với 203 doanh nghiệp tham gia. Với chủ trương, quan điểm luôn đồng hành, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, Tổng cục Hải quan đã cử thành phần tham dự hội nghị gồm nhiều lãnh đạo các vụ, cục chức năng để sẵn sàng trao đổi, tháo gỡ các vướng mắc của doanh nghiệp.

Đồng thời, các đơn vị hải quan cả nước cũng kịp thời xử lý các vướng mắc, bất cập trong thực thi chính sách quản lý thuế của Nhà nước nhằm tạo tiềm tin, uy tín, môi trường hoạt động XNK minh bạch, bình đẳng cho cộng đồng doanh nghiệp nhằm thu hút đầu tư, phát triển nguồn thu ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, ngành Hải quan cũng thường xuyên đánh giá các yếu tố tác động đến tiến độ thu ngân sách nhà nước của đơn vị như tác động của việc thực hiện các FTA; biến động về giá; biến động kim ngạch XNK có thuế; tốc độ và khả năng phục hồi kinh tế của các doanh nghiệp thuộc địa bàn quản lý cũng như những khó khăn, vướng mắc về chính sách thuế… Trên cơ sở đó, kịp thời có các giải pháp và phương án xử lý phù hợp.