Hỏi: Doanh nghiệp đã sử dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT) có mã của cơ quan thuế, sau đó doanh nghiệp chuyển địa chỉ sang quận khác thì phải nộp tờ khai gì?

Trả lời: Khi thực hiện chuyển địa điểm sang quận khác, doanh nghiệp chỉ phải thực hiện các thủ tục theo quy định mà không phải thực hiện đăng ký lại sử dụng HĐĐT.

Hỏi: Doanh nghiệp nhận được 2 hóa đơn, cùng 1 người bán, cùng ký hiệu 1C22THT nhưng số hóa đơn tháng 4/2022 là 70 và tháng 5/2022 là 50. Được biết do người bán sử dụng 2 phần mềm HĐĐT song song nên gặp trường hợp trên. Vậy 2 HĐĐT trên có hợp lệ không? 2. Được biết người bán có thể sử dụng song song nhiều phần mềm cung cấp hóa đơn, vậy sử dụng như nào cho hợp lệ? 3. Ngày lập hóa đơn và ngày ký hóa đơn nếu khác nhau thì hóa đơn có hợp lệ và có bị phạt không? Nếu khác ngày như vậy thì người bán kê khai theo ngày lập, người mua kê khai theo ngày ký phải không?

Trả lời: Không có quy định về việc người bán chỉ được sử dụng một phần mềm HĐĐT, tuy nhiên theo quy định tại khoản 3 Điều 10 Nghị định 123/2020/NĐ-CP “Hóa đơn được lập theo thứ tự liên tục từ số nhỏ đến số lớn trong cùng một ký hiệu hóa đơn và ký hiệu mẫu số hóa đơn”. Như vậy, kể cả trong trường hợp sử dụng nhiều giải pháp thì số hóa đơn vẫn phải là duy nhất trong cùng một ký hiệu hóa đơn và ký hiệu mẫu số hóa đơn.

Theo quy định tại khoản 9 Điều 10 Nghị định 123/2020/NĐ-CP: “Thời điểm ký số trên HĐĐT là thời điểm người bán, người mua sử dụng chữ ký số để ký trên HĐĐT được hiển thị theo định dạng ngày, tháng, năm của năm dương lịch. Trường hợp HĐĐT đã lập có thời điểm ký số trên hóa đơn khác thời điểm lập hóa đơn thì thời điểm khai thuế là thời điểm lập hóa đơn”. Theo đó, thời điểm lập và thời điểm ký có thể khác nhau, người bán kê khai theo ngày lập hóa đơn, người mua kê khai theo thời điểm nhận hóa đơn có đầy đủ nội dung.