Hiệu quả đầu tư thay đổi rõ rệt sau 7 năm

Chủ tịch Nguyễn Xuân Đường cho biết thêm, trong những năm qua, các cấp, ngành, đơn vị hữu quan cũng đã vào cuộc quyết liệt, có trách nhiệm, với nhiều giải pháp, kênh kêu gọi xúc tiến đầu tư, cùng nhiều sự kiện được tổ chức liên tục cả trong, ngoài tỉnh và ở ngoài nước.

Với phương châm đồng hành cùng doanh nghiệp, chúng tôi cam kết sẽ thực hiện nhất quán chính sách đã ban hành, chuẩn bị quỹ đất "sạch" và cơ sở hạ tầng tại khu kinh tế và các khu công nghiệp; chuẩn bị nguồn nhân lực, nâng cấp cơ sở hạ tầng và các dịch vụ phụ trợ khác để các NĐT hoạt động đầu tư có hiệu quả nhất.

Nguyễn Xuân Đường

Ông Nguyễn Xuân Đường

Đặc biệt, Chính phủ và các ban, bộ, ngành Trung ương, các tỉnh bạn, các tổ chức quốc tế, nhiều NĐT trong và ngoài nước quan tâm đến tìm hiểu, khảo sát cơ hội đầu tư tại Nghệ An để giúp tỉnh thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020.

Vì vậy, trong năm 2015 đã cấp mới cho 120 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 88.380 tỷ đồng. Nhất là qua 7 lần đồng hành cùng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tổ chức gặp mặt các NĐT từ năm 2009 đến nay, Nghệ An đã thu hút được 663 dự án, với tổng số vốn đăng ký gần 230.000 tỷ đồng, trong đó: 626 dự án đầu tư trong nước với trên 70.000 tỷ đồng và 37 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với gần 158.000 tỷ đồng (tương đương gần 7.200 triệu USD). Trong đó, có nhiều dự án lớn, sử dụng công nghệ cao đã đi vào hoạt động có hiệu quả, tạo được nhiều việc làm và nộp ngân sách lớn.

Riêng năm 2014 và 2015, nhiều NĐT có thương hiệu quốc tế, khu vực đã đến đầu tư vào tỉnh Nghệ An, với các dự án quy mô lớn, công nghệ hiện đại như: Nhà máy Hoa Sen Nghệ An; Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quỳnh Lập I; các dự án Nhà máy xi măng Sông Lam 1 và Sông Lam 2;... Và đặc biệt là dự án Khu Công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP Nghệ An - dự án mang tính động lực, được kỳ vọng sẽ kéo theo nhiều NĐT nước ngoài.

Bên cạnh đó, nhiều công trình hạ tầng quan trọng được tập trung chỉ đạo và hoàn thành trong năm 2015; các công trình hạ tầng trọng điểm khác cũng đang được tập trung đầu tư nâng cấp, mở rộng và từng bước hoàn thiện; hứa hẹn một tốc độ tăng trưởng cao hơn, nhanh hơn và hỗ trợ tốt nhất cho các NĐT thực hiệu quả các dự án trên địa bàn tỉnh.

Phấn đấu PCI thuộc top 15

Để đạt mục tiêu Nghị quyết số 26/NQ-TW đề ra, Nghệ An sẽ tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh để thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào đầu tư phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, tranh thủ sự hỗ trợ của các bộ, ngành, các tổ chức quốc tế và thực hiện các mục tiêu, giải pháp thu hút đầu tư.

Cụ thể hơn, Nghệ An phấn đấu đến năm 2020, PCI sẽ đứng trong top 15 của cả nước. Riêng trong năm 2016 này, phấn đấu thu hút đầu tư vào Nghệ An được ít nhất 120 dự án với số vốn đăng ký đạt từ 25.000 - 30.000 tỷ đồng, chú trọng thu hút FDI với tổng mức vốn đăng ký khoảng 7.000 - 8.500 tỷ đồng. Vốn thực hiện phấn đấu đạt 15.000 tỷ đồng. Tạo công ăn việc làm mới cho khoảng 13.000 - 15.000 lao động.

Các cấp Lãnh đạo sẽ quyết liệt chỉ đạo triển khai việc xúc tiến, vận động và hỗ trợ đầu tư, tập trung đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm, các dự án lớn. Đồng thời, chỉ đạo thực hiện đúng tiến độ các dự án trọng điểm sử dụng vốn ODA. Mặt khác, tỉnh sẽ rà soát, giải quyết dứt điểm vướng mắc cho các dự án chậm tiến độ, không triển khai; tiếp tục tập trung thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, chỉ đạo triển khai nhanh các dự án đã ký kết...

Về định hướng thu hút đầu tư năm 2016, Nghệ An sẽ tập trung mọi nguồn lực, thu hút các NĐT thứ cấp đầu tư vào các dự án đã hoàn chỉnh hạ tầng; tiếp tục thu hút đầu tư vào các dự án trọng điểm; đồng thời, kêu gọi, thu hút các NĐT trong và ngoài nước thực hiện các dự án về giao thông đường bộ, cảng biển... theo hình thức xã hội hóa như BOT, BT.

Nghệ An định hướng sẽ thu hút đầu tư vào công nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu (đặc biệt sản phẩm nằm trong Hiệp định TPP mà Nghệ An có thế mạnh); công nghiệp sạch, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao; công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp chế biến gắn với phát triển vùng nguyên liệu nông lâm thủy sản; công nghiệp đồ uống;...

Về dịch vụ, Nghệ An hướng đến xây dựng các trung tâm thương mại, siêu thị có quy mô lớn, có thương hiệu; ưu tiên các NĐT có hệ thống kinh doanh trên cả nước và quốc tế; chú trọng phát triển dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, khách sạn; khu vui chơi giải trí cao cấp, đạt chuẩn phục vụ khách du lịch.

Nghệ An còn định hướng xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tiến tới triển khai xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao miền Tây theo quy hoạch đã phê duyệt; ...

Về đối tác, Nghệ An chú trọng thu hút các NĐT có chiến lược, định hướng mở rộng thị trường, cam kết đầu tư lâu dài, các NĐT trong lĩnh vực công nghệ cao, tạo thêm giá trị gia tăng, sử dụng nhiều lợi thế cạnh tranh của tỉnh hoặc tạo ra nhiều việc làm trong dài hạn.

Đối với các NĐT nước ngoài, Nghệ An tiếp tục hướng đến các NĐT truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc; mở rộng sang các đối tác tiềm năng như Singapore, Thái Lan, Đài Loan, châu Âu và Mỹ, trong đó, mỗi đối tác sẽ gắn với một lĩnh vực thu hút cụ thể.

Bên cạnh việc đẩy mạnh xúc tiến đầu tư hướng đến các đối tác tiềm năng (Iran; Cộng hòa Séc,...), Nghệ An tiếp tục hướng đến các tỉnh của nước ngoài có quan hệ hợp tác, kết nghĩa hoặc các tỉnh đang thiết lập quan hệ và các nhà tài trợ lớn..../.

Châu Nho - VPMT