Cán bộ Hải quan sân bay Nội Bài giám sát hàng hóa XNK. Ảnh: Hải Anh
Theo đánh giá của cơ quan hải quan, NĐ 59 có những quy định đáp ứng được yêu cầu cải cách tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) của doanh nghiệp (DN), tương thích với các điều ước quốc tế…, song vẫn đảm bảo ngăn ngừa các hành vi gian lận.
Linh hoạt, gỡ vướng về thủ tục
Phân tính nội dung cốt lõi của nghị định mới này, ông Nguyễn Nhất Kha, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý hải quan (Tổng cục Hải quan) cho rằng, so với NĐ 08, NĐ 59 đã bổ sung, sửa đổi tháo gỡ nhiều vướng mắc cho DN, từ khâu khai báo hàng hóa trước thông quan đến hoạt động kiểm tra sau thông quan.
Ví dụ, một số loại hàng hóa hiện nay phải khai trên tờ khai hải quan giấy (hàng xuất khẩu, nhập khẩu của cư dân biên giới; quà biếu, quà tặng, tài sản di chuyển của cá nhân; hàng hóa XNK vượt định mức miễn thuế của người xuất cảnh, nhập cảnh…), từ ngày NĐ 59 có hiệu lực, người khai hải quan có thể lựa chọn phương thức khai điện tử.
Bên cạnh đó, NĐ 59 cũng bổ sung quy định, người khai hải quan được khai hải quan giấy, trong trường hợp hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan, hệ thống khai hải quan điện tử không thực hiện được các giao dịch điện tử. Trường hợp hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan gặp trục trặc, cơ quan hải quan có trách nhiệm thông báo trên trang thông tin điện tử hải quan chậm nhất 1 giờ, kể từ thời điểm không thực hiện được các giao dịch điện tử.
Một điểm quan trọng nữa là NĐ 59 đã khắc phục những hạn chế phát sinh trong thực tế hoạt động XNK của DN liên quan đến thủ tục hàng tạm nhập - tái xuất mà các quy định hiện hành chưa bao quát được. Theo phân tích của ông Kha, tại NĐ 08 quy định, hàng hóa nhập khẩu (NK) đã đăng ký tờ khai hải quan nếu phát hiện không phù hợp với hợp đồng, thì phải hoàn thành thủ tục hải quan sau đó mới làm thủ tục tái xuất. Quy định này dẫn đến phát sinh vướng mắc và tăng thêm thủ tục cho người khai hải quan. Cụ thể, vì hàng hóa không thực NK, trong trường hợp hàng hóa phải lấy mẫu để kiểm tra chuyên ngành sẽ không đảm bảo tính nguyên vẹn của hàng hóa nên người NK không thể trả lại hàng cho phía nước ngoài...
Chính vì vậy, NĐ 59 đã bổ sung quy định: Trường hợp hàng hóa (trừ ma túy, vũ khí, tài liệu phản động, hóa chất độc bảng I theo công ước cấm vũ khí hóa học) chưa làm thủ tục NK hoặc đã đăng ký tờ khai hải quan nhưng chưa hoàn thành thủ tục hải quan, đang nằm trong khu vực giám sát hải quan nhưng do gửi nhầm lẫn, thất lạc, không có người nhận hoặc bị từ chối nhận, nếu người vận tải hoặc chủ hàng có văn bản đề nghị được tái xuất hoặc hàng hóa buộc tái xuất theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, thì chi cục trưởng chi cục hải quan nơi hàng hóa đang được lưu giữ tổ chức giám sát hàng hóa cho đến khi thực xuất ra khỏi lãnh thổ Việt Nam ngay tại cửa khẩu nhập (Khoản 21 Điều 1 NĐ 59).
Tại khâu sau thông quan, NĐ 59 bổ sung quy định mới, đơn giản thủ tục hành chính, khi miễn kiểm tra sau thông quan tại trụ sở cơ quan hải quan đối với DN ưu tiên. Quy định này, khắc phục được tình trạng DN ưu tiên cũng bị kiểm tra sau thông quan tại cơ quan hải quan (theo NĐ 08) đối với các tờ khai hải quan trong thời gian 60 ngày, dẫn đến trường hợp có DN một năm bị kiểm tra sau thông quan nhiều lần và liên tục.
Minh bạch trong xác định trị giá hải quan
Cũng theo ông Kha, một trong những nội dung quan trọng bậc nhất được sửa đổi, bổ sung tại NĐ 59 là về kiểm tra, xác định trị giá hải quan. Các quy định mới theo hướng minh bạch, thống nhất, chặt chẽ trong cách áp dụng thực hiện các quy định khai XNK, tính thuế đối với cả cơ quan hải quan và DN. Bên cạnh đó, quy định cũng đảm bảo ngăn chặn được các hành vi gian lận trong khai báo trị giá tính thuế; phát sinh tiêu cực giữa cán bộ hải quan và DN…
Cụ thể, NĐ 59 đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định liên quan đến trị giá hải quan như về phương pháp xác định trị giá hải quan hàng xuất khẩu (XK); khái niệm về cửa khẩu xuất; về kiểm tra, xác định trị giá hải quan.
Tại Điều 86 Luật Hải quan và NĐ 08 chưa quy định phương pháp xác định trị giá hải quan cho trường hợp không xác định được trị giá hải quan theo hợp đồng mua bán, hóa đơn thương mại (bao gồm cả trường hợp chi phí liên quan đến hàng hóa XK tính đến cửa khẩu xuất chưa thể hiện trên hợp đồng mua bán, hóa đơn thương mại).
Khắc phục hạn chế nêu trên, nghị định mới đã bổ sung thêm 3 phương pháp xác định trị giá hải quan hàng XK, là: Sử dụng trị giá của hàng hóa giống hệt, tương tự trên cơ sở dữ liệu trị giá hải quan; giá bán hàng hóa giống hệt, tương tự tại thị trường Việt Nam; giá bán hàng hóa XK do cơ quan hải quan thu thập, tổng hợp, phân loại. Việc sửa đổi, bổ sung nêu trên nhằm đảm bảo đủ căn cứ pháp lý, tạo thuận lợi cho việc xác định trị giá hải quan hàng XK mà không làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, tạo sự chủ động cho DN trong thực hiện nghĩa vụ nộp thuế.
Việc kiểm tra, xác định trị giá hải quan căn cứ trên hồ sơ hải quan, các chứng từ tài liệu có liên quan, thực tế hàng hóa. Trường hợp đủ cơ sở bác bỏ trị giá khai báo, cơ quan hải quan thông báo, đề nghị người khai hải quan thực hiện khai bổ sung trong thời hạn tối đa 5 ngày làm việc kể từ ngày thông báo và giải phóng hàng theo quy định.
Trường hợp nghi vấn về trị giá khai báo, cơ quan hải quan thông báo cơ sở nghi vấn, mức giá, phương pháp do cơ quan hải quan dự kiến xác định và giải phóng hàng hóa theo quy định. Người khai hải quan thực hiện tham vấn với cơ quan hải quan nhằm làm rõ về tính chính xác của trị giá khai báo…
Để triển khai Nghị định 59, Tổng cục Hải quan cũng trình Bộ Tài chính xem xét, ban hành Thông tư 38/2015/TT-BTC sửa đổi; đồng thời từ nay đến khi Nghị định 59 có hiệu lực 5/6/2018, cơ quan hải quan tiến hành tổ chức hội nghị tập huấn, hướng dẫn thực hiện nghị định cho cộng đồng DN và cả cơ quan hải quan trên cả nước. |
Hải Linh