Mở rộng thị trường, chiếm lĩnh thị phần
Các DNNVV Thái Lan vào Việt Nam chủ yếu với các mặt hàng tiêu dùng như: Đồ ăn uống, hoa quả tươi, may mặc, trang sức, sản phẩm chăm sóc sức khoẻ, làm đẹp và đặc biệt là ngành hàng điện tử, điện máy như tivi, tủ lạnh, nồi cơm điện, máy sấy tóc... Lợi thế của các DN này là sản phẩm đa dạng, chiến lược kinh doanh linh hoạt và đặc biệt am hiểu tâm lý tiêu dùng của người Việt Nam.
Thực tế cho thấy, trên khắp các tuyến phố của nhiều đô thị lớn, đâu đâu cũng có cửa hàng mang thương hiệu "made in Thai Lan". Và mạng lưới kinh doanh này, ngày càng được các DNNVV của Thái mở rộng, với quy mô lớn hơn, hàng hóa phong phú hơn.
Thậm chí, ngay cả trong bối cảnh kinh tế khó khăn, "cầu" ở mức thấp, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam có lượng tồn kho cao...thì các cửa hiệu bán hàng Thái Lan vẫn đang mọc lên như nấm, những Hội chợ triển lãm hàng Thái Lan dù được tổ chức thường xuyên nhưng vẫn sôi động, nhộn nhịp.
Tham tán thương mại Đại sứ quán Thái Lan tại Việt Nam, bà Busaba Butrat, cho rằng, Việt Nam là một thị trường trẻ, năng động với khoảng 50 triệu dân có khả năng chi trả tiêu dùng ngay, nên có sức hấp dẫn lớn với các DN Thái Lan.
Ngược lại, hàng có xuất xứ Thái Lan cũng đã nhanh chóng chiếm được cảm tình của người tiêu dùng Việt Nam nhờ mẫu mã đẹp, chất lượng tốt và giá cả tương đối hợp lý với thu nhập của người Việt.
Áp lực cạnh tranh cho DNNVV Việt Nam
Ngay trên "sân nhà", các DN Việt hoàn toàn có lợi thế to lớn về sự am hiểu khách hàng và mạng lưới phân phối. Thời gian gần đây, các DN may mặc trong nước đã chú trọng đến thị trường nội địa và xây dựng hệ thống phân phối. Thương hiệu "made in Viet Nam" đã nổi lên trên thị trường và nhanh chóng tạo được ấn tượng, niềm tin với người tiêu dùng cũng như có được hiệu quả kinh doanh tốt.
Tuy nhiên, qua nhiều "phi vụ" bị trà trộn hàng Trung Quốc gắn mác “Made in Vietnam”, uy tín của thương hiệu này đã bị giảm đi ít nhiều. Nếu các DN sản xuất và cơ quan chức năng không sớm ngăn chặn tình trạng đó thì người tiêu dùng Việt sẽ dần mất niềm tin vào thương hiệu “Made in Vietnam”. Và chắc chắn, đây sẽ là một cơ hội "không thể bỏ lỡ" cho các DN may mặc Thái đang ngấp nghé, chờ đợi.
Theo ông Đỗ Kim Lang, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, “Trong quá trình hội nhập nếu như trình độ của chúng ta không đủ, không có điều kiện tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là tham gia vào chuỗi giá trị của các ngành hàng, các DNNVV Việt Nam sẽ gặp bất lợi rất lớn và mất đi nhiều cơ hội để phát triển”./.
Tố Uyên