Đây là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Thanh Tú – Chuyên gia phân tích cao cấp, Trung tâm Phân tích và tư vấn đầu tư – Công ty CP Chứng khoán SSI (SSI Research), khi trao đổi với phóng viên TBTCO về rủi ro trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện nay.

* PV: Thưa bà, dù không còn “nóng” như năm trước nhưng thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn có mức trưởng khá tích cực. Bà có thể cho biết cụ thể hơn về thị trường này từ đầu năm tới nay? Bà có nhận xét những gì về những thay đổi từ thị trường này, nhất là khi các văn bản pháp lý ban hành?

Bản chất đầu tư trái phiếu doanh nghiệp sẽ có rủi ro lớn hơn so với đầu tư tiền gửi vì người sở hữu trái phiếu doanh nghiệp sẽ là chủ nợ của tổ chức phát hành.

nguyễn thị thanh tú

Bà Nguyễn Thị Thanh Tú

- Bà Nguyễn Thị Thanh Tú: Theo số liệu tổng hợp của SSI Research, lượng phát hành tăng rất mạnh trong quý II/2021, có tới 164 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, gấp 3,66 lần lượng phát hành trong quý I/2021.

Tính chung trong nửa đầu năm 2021, tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành là 208,9 nghìn tỷ đồng, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Có thể thấy, thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn rất sôi động trong bối cảnh mặt bằng lãi suất tiền gửi thấp, dòng tiền đầu tư tìm kiếm các kênh đầu tư có mức sinh lời cao hơn. Sự thay đổi trong khung pháp lý khiến cơ cấu nhà đầu tư có sự thay đổi theo hướng giảm tỷ trọng tham gia của nhà đầu tư cá nhân. Các công ty chứng khoán, ngân hàng, quỹ đầu tư chứng khoán và công ty bảo hiểm chiếm tỷ trọng lớn hơn trong cơ cấu nhà đầu tư.

* PV: Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã có sự thay đổi phần nào về chất, tuy nhiên, mới đây cơ quan quản lý vẫn tiếp tục đưa ra cảnh báo nhà đầu tư cần quản trị rủi ro khi tham gia thị trường này. Trên góc nhìn của đơn vị trung gian trên thị trường, bà đánh giá thế nào về tính rủi ro của thị trường này?

- Bà Nguyễn Thị Thanh Tú: Bản chất đầu tư trái phiếu doanh nghiệp sẽ có rủi ro lớn hơn so với đầu tư tiền gửi vì người sở hữu trái phiếu doanh nghiệp sẽ là chủ nợ của tổ chức phát hành.

Trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát như hiện tại, hầu hết các doanh nghiệp đều có thể bị tổn thương nên rủi ro của kênh đầu tư này cũng tăng lên. Các nhà đầu tư cần được trang bị kiến thức để có khả năng đánh giá rủi ro và mức sinh lời để đưa ra quyết định đầu tư hợp lý hoặc tìm đến các đơn vị trung gian uy tín để được tư vấn.

* PV: Vừa qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có xuất hiện hiện tượng “lách luật” để trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp nhằm tham gia mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Điều này cụ thể như thế nào và có thể để lại hậu quả gì hay không, thưa bà?

- Bà Nguyễn Thị Thanh Tú: Xác nhận nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là yêu cầu bắt buộc với các giao dịch mua và có hiệu lực trong vòng 1 năm kể từ thời điểm được xác nhận. Có những cá nhân bổ sung vào danh mục chứng khoán niêm yết để đủ mức tối thiểu 2 tỷ đồng, đáp ứng yêu cầu được xác nhận là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để giao dịch trái phiếu doanh nghiệp, sau đó nhanh chóng rút ra.

Tôi nghĩ quy định đưa ra vẫn bảo vệ được những nhà đầu tư yếu thế, thiếu thông tin và tài sản tích lũy nhỏ như các cán bộ hưu trí, người dân dùng tiền tiết kiệm chuyển sang đầu tư trái phiếu doanh nghiệp… bởi 2 tỷ đồng không phải số tiền nhỏ. Còn với các nhà đầu tư đã chủ động “lách luật” thì cũng cần có tiềm lực tài chính tốt hơn để chịu trách nhiệm cho quyết định phân bổ danh mục của mình.

* PV: Bà có đề xuất gì để thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ phát triển theo hướng ổn định, an toàn và bền vững hơn?

- Bà Nguyễn Thị Thanh Tú: Để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển ổn định, an toàn, bền vững, tôi nghĩ cần xây dựng hệ thống thông tin tập trung, cập nhật, dễ tra cứu về các lô phát hành, thông tin tổ chức phát hành.

Hiện tại đã có chuyên trang trái phiếu doanh nghiệp nhưng thông tin vẫn hạn chế và thiếu hệ thống, khó tra cứu.

Thị trường thứ cấp trái phiếu doanh nghiệp cũng phải đẩy mạnh phát triển thông qua các yêu cầu về niêm yết trái phiếu tập trung, xếp hạng tín nhiệm trái phiếu.

* PV: Về thị trường năm nay, bà dự đoán thế nào về diễn biến thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian còn lại của năm 2021?

- Bà Nguyễn Thị Thanh Tú: Mặc dù hạn mức tín dụng mới được nới cho các ngân hàng thương mại, nhưng mức nới nhìn chung vẫn thấp hơn đề xuất của các ngân hàng và thấp hơn cùng kỳ 2020. Do vậy, nhu cầu huy động vốn vay qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp vẫn cao.

Tôi cho rằng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong nửa cuối 2021 sẽ tiếp tục sôi động, do mặt bằng lãi suất tiền gửi dự kiến chỉ nhích nhẹ về cuối năm và vẫn thấp hơn khá nhiều so với lãi suất trái phiếu doanh nghiệp.

* PV: Xin cảm ơn bà!

Duy Thái