Cổ phiếu "vua" hút dòng tiền

VN-Index vừa có một giai đoạn tăng trưởng tốt từ đầu tháng 11/2023 đến nay. Chỉ số VN-Index đã tăng vượt 1.250 điểm, vượt mức đỉnh thiết lập hồi tháng 9/2023, tăng 21% so với mức đáy ngày 31/10/2023. Dẫn dắt đà tăng của thị trường chung là nhóm cổ phiếu ngân hàng.

Theo đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã có nhiều phiên bứt phá, một số mã đã về lại đỉnh, thậm chí vượt đỉnh năm 2022. Là nhóm vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán và được mệnh danh là cổ phiếu "vua", cổ phiếu của các ngân hàng được kỳ vọng sẽ hút dòng tiền trong năm 2024.

Trên thị trường chứng khoán, ngoài VCB, các cổ phiếu cũng vượt đỉnh lịch sử hoặc đang ở vùng đỉnh như BID, ACB, HDB, MBB, NAB… Nhiều mã ngân hàng vốn hóa lớn có mức tăng đến hàng chục phần trăm từ đầu năm. Theo đó, tính đến hết phiên sáng 29/2/2024, CTG tăng hơn 30%, MBB tăng hơn 28%, TCB tăng gần 30%, BID tăng hơn 23%, HDB tăng 17%, ACB tăng 14,5%…

Nhà đầu tư có thể kỳ vọng gì từ mùa đại hội cổ đông của các ngân hàng?
Cổ phiếu ngân hàng thu hút dòng tiền. Ảnh: T.L

Các chuyên gia cho rằng, nhóm cổ phiếu “vua” tăng trưởng tốt nhờ hiệu ứng tâm lý tích cực của nhà đầu tư sau những thông tin về hỗ trợ của hành lang pháp lý, đặc biệt đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản. Bên cạnh đó, một trợ lực khác đến từ kết quả kinh doanh tích cực. Theo đó, ngân hàng là nhóm cổ phiếu đóng góp chính vào lợi nhuận toàn thị trường trong quý IV/2023. Lãi ròng nhóm này tăng 22,5% so với cùng kỳ trong quý IV/2023 và tăng 3,8% trong cả năm 2023.

Kết quả kinh doanh tích cực của các ngân hàng là nhờ tăng trưởng tín dụng được đẩy nhanh trong kỳ; thu nhập ngoài lãi (thu nhập từ phí, hoạt động ngoại hối) tăng mạnh, toàn ngành tăng 20% và chi phí trích lập dự phòng giảm 5%.

Công ty chứng khoán BSC nhận định triển vọng lợi nhuận của ngành ngân hàng trong 2024 đang trở nên sáng hơn. Đơn vị này kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận toàn ngành ngân hàng sẽ phục hồi với động lực chính đến từ sự nở ra của NIM (biên lãi ròng), tuy nhiên tốc độ nhanh hay chậm sẽ phụ thuộc vào diễn biến của cầu tín dụng và chất lượng tài sản. Dù vậy, BSC cho rằng định giá của ngành đã phản ánh những yếu tố bất định nêu trên.

Theo các chuyên gia BSC mức định giá hiện tại của ngành vẫn phù hợp để tích lũy, nhất là đối với nhóm tư nhân. Các chuyên gia cũng lưu ý rằng các quy định quản trị rủi ro chặt chẽ hơn và sức khỏe bảng cân đối được cải thiện là những điểm khác biệt chính ở chu kỳ hiện tại so với quá khứ.

Nhiều ngân hàng lên kế hoạch chia cổ tức

Trong khi đó, thời gian gần đây, nhiều ngân hàng đã có thông báo về việc chốt quyền tham dự đại hội cổ đông 2024. Từ giữa tháng 3 đến tháng 4 liên tiếp các đại hội cổ đông ngân hàng diễn ra. Nội dung được các ngân hàng đưa ra tại đại hội là phê duyệt các tờ trình về báo cáo tài chính và phương án phân phối lợi nhuận năm 2023; chia cổ tức; lựa chọn đơn vị kiểm toán độc lập và phương án tăng vốn điều lệ cũng như các tờ trình khác.

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Phân tích Khối Khách hàng cá nhân của Công ty Chứng Khoán Yuanta Việt Nam, cho rằng sau một thời gian liên tục tăng giá, định giá của ngành ngân hàng đã không còn rẻ.

Nhà đầu tư có thể kỳ vọng gì từ mùa đại hội cổ đông của các ngân hàng?
Nhiều ngân hàng lên kế hoạch chia cổ tức. Ảnh: T.L

"Nhóm ngân hàng thời gian vừa qua đã tăng nhiều. Nếu nhìn trên góc độ định giá, nhiều ngân hàng có P/B đã trên 2 lần. Tất nhiên sẽ có sự phân hoá nhưng đa phần không còn quá hấp dẫn" - ông Minh nói.

Trong khi đó, khi đánh giá về kỳ đại hội đồng cổ đông ngành ngân hàng 2024 bắt đầu từ tháng 3 này, ông Nguyễn Thế Minh cho rằng, nhà đầu tư có thể kỳ vọng về một làn sóng chia cổ tức bằng tiền mặt và một số kế hoạch tăng vốn lớn.

Giải thích rõ hơn, vị chuyên gia này cho biết, sau nhiều năm không thể chia cổ tức bằng tiền mặt do cần dùng vốn bổ sung để đảm bảo các tiêu chí Basel II và yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước thì năm nay nhiều ngân hàng sẽ trả cổ tức bằng tiền. Đây cũng là yếu tố tác động tốt lên giá cổ phiếu.

Kỳ vọng thứ hai liên quan tới kế hoạch tăng vốn. Một số ngân hàng lớn đang thực hiện tái cấu trúc các ngân hàng yếu kém. Để thực hiện được quá trình này phải có nguồn lực, như vậy có thể sẽ có một làn sóng tăng vốn trong năm nay, đặc biệt là các nhà băng lớn và quốc doanh. Một kỳ vọng nữa với ngành ngân hàng trong ngắn và trung hạn là việc tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài khi Ngân hàng Nhà nước nới room ngoại cho các ngân hàng thương mại lên 35%. Ngoài ra, ngay từ đầu năm Ngân hàng Nhà nước đã giao hết room tín dụng toàn ngành 15%, giúp các ngân hàng chủ động hơn trong kế hoạch cho vay và huy động.

ABBank (Mã Ck: ABB) vừa có thông báo về ngày đăng ký cuối cùng tham dự cuộc họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 là ngày 8/3/2024.

Sacombank (Mã: STB) vừa công bố ngày đăng ký cuối cùng để cổ đông tham dự ĐHĐCĐ năm tài chính 2023 là ngày 14/3. ĐHĐCĐ dự kiến được tổ chức vào lúc 7h30 ngày 26/4.

MSB (mã: MSB) cũng có kế hoạch tổ chức ĐHĐCĐ vào ngày 10/4. Thời điểm đăng ký cuối cùng là 8/3, tương ứng với ngày giao dịch không hưởng quyền là 7/3.

ACB cũng vừa công bố kế hoạch tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 vào thứ Năm, ngày 4/4/2024. Ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền tham dự họp ĐHĐCĐ là ngày 1/3/2024.

VIB cũng vừa có thông báo sẽ chốt danh sách cổ đông tham dự ĐHĐCĐ năm 2024. ĐHĐCĐ của VIB dự kiến tổ chức vào tháng 3/2024 tại TP. Hồ Chí Minh….