bds

Doanh nghiệp bất động sản đứng thứ hai về phát hành trái phiếu trong 8 tháng đầu năm, chỉ sau các ngân hàng thương mại. Ảnh: T.L.

“Chơi” trái phiếu khi tỷ lệ nợ cao

Tổng công ty Đầu tư Phát triển Công nghiệp – CTCP (Becamex IDC, mã BCM, sàn HOSE) đang có kế hoạch phát hành trái phiếu riêng lẻ với tổng mệnh giá trái phiếu phát hành tối đa là 2.500 tỷ đồng.

Becamex IDC có quy mô nợ phải trả ghi nhận ở mức 31.948 tỷ đồng. Giá trị nợ phải trả theo đó lớn gấp hơn 2 lần vốn chủ sở hữu. Trong cơ cấu nợ phải trả, riêng vay và nợ thuê tài chính dài hạn của công ty có giá trị 10.603 tỷ đồng, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn là 5.451 tỷ đồng.

Ngoài tỷ lệ nợ cao, đại gia Bình Dương còn đang đối mặt với trạng thái dòng tiền âm khi lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm 573 tỷ đồng, dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư dương 24 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Becamex IDC không đơn lẻ trong số những doanh nghiệp nợ nhiều, nhưng vẫn phát hành trái phiếu. Tính về quy mô nợ, một doanh nghiệp khác là Công ty cổ phần Bamboo Capital (mã BCG, sàn HOSE) có thể coi là đối thủ xứng tầm bởi giá trị nợ phải trả tại ngày 30/6/2021 cũng lên tới 30.499 tỷ đồng.

Giá trị nợ của Bamboo Capital tuy có phần thấp hơn chút ít so với Becmex IDC, nhưng tính về tỷ lệ nợ cao thì Bamboo Capital có thể được coi là “đàn anh”. Bởi lẽ nếu đem so sánh với vốn chủ sở hữu 5.298 tỷ đồng của doanh nghiệp này, tỷ lệ nợ/vốn của Bamboo Capital đạt tới 5,76 lần.

Bamboo Capital cũng đang thực hiện đợt lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản để đưa ra kế hoạch bổ sung chủ trương phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định về chào bán và giao dịch trái phiếu riêng lẻ, chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế quy định nhà đầu tư phải tiếp cận đầy đủ nội dung công bố thông tin của doanh nghiệp phát hành; hiểu rõ điều kiện, điều khoản trái phiếu và các cam kết khác của doanh nghiệp phát hành trước khi quyết định mua và giao dịch trái phiếu.

Vốn ít phát hành nhiều

Bên cạnh những doanh nghiệp nợ nhiều nhưng vẫn miệt mài “chơi” trái phiếu thì cũng có những doanh nghiệp gây ấn tượng về độ chịu chơi khi thực hiện những đợt phát hành trái phiếu còn lớn hơn cả vốn của công ty. Công ty cổ phần CMC (mã CVT, sàn HOSE) là một tay chơi như vậy.

Mới đây, Hội đồng quản trị CMC đã thông qua phương án chào bán trái phiếu ra công chúng với tổng mệnh giá 500 tỷ đồng; trong đó, 3 loại trái phiếu kỳ hạn 24 tháng, 36 tháng và 60 tháng. Lãi suất từng loại trái phiếu lần lượt là 10%/năm, 10,5%/năm và 10,6%/năm. Thời điểm phát hành dự kiến trong quý III/2021, cả 3 loại trái phiếu được chào bán trong cùng 1 đợt.

Mục đích chào bán được công ty này đưa ra khá chung chung trong phương án phát hành: Bổ sung nguồn vốn hoạt động chuẩn bị cho những bước phát triển mới cho tương lai, đồng thời giảm bớt các khoản nợ hiện hành của công ty.

Điều đáng chú ý là cách đây chưa lâu, hồi tháng 8/2021, CMC cũng vừa đưa ra phương án phát hành 7 triệu trái phiếu thông qua hình thức phát hành riêng lẻ, cũng thực hiện trong quý III/2021. Lãi suất trái phiếu dự kiến cố định 10,5%, kỳ hạn trái phiếu từ 1 – 5 năm, kỳ tính lãi 6 tháng/1 lần.

Như vậy, CMC đang cùng lúc muốn thực hiện cả đợt phát hành trái phiếu, với tổng giá trị cả 2 đợt phát hành này lên tới 1.200 tỷ đồng.

Trong khi đó đối chiều về quy mô vốn, CMC hiện có vốn điều lệ là 367 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu hơn 715 tỷ đồng, thấp hơn khá nhiều so với tổng giá trị các đợt phát hành trái phiếu mà doanh nghiệp này sắp thực hiện.

Tài sản đảm bảo không có

Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long (mã NLG, sàn HOSE) cũng là một doanh nghiệp đang có kế hoạch thực hiện đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ với tổng giá trị phát hành tối đa là 500 tỷ đồng. Một trong những “đặc điểm” đáng chú ý của đợt phát hành trái phiếu này là không được đảm bảo bằng tài sản. Trái phiếu có thứ tự thanh toán ít nhất ngang bằng với các nghĩa vụ chung khác không được đảm bảo của tổ chức phát hành.

Lãi suất trái phiếu cố định trong 4 kỳ tính lãi đầu tiên, tối đa là 9,5% và lãi suất cho mỗi kỳ tính lãi còn lại là tổng của tối đa 3,28% và lãi suất tham chiếu của kỳ tính lãi đó. Công ty dự kiến sử dụng số tiền thu được từ việc chào bán trái phiếu cho mục đích tăng quy mô vốn hoạt động và thực hiện đầu tư các công trình, dự án.

Thực chất, các đợt phát hành trái phiếu không có tài sản đảm bảo diễn ra trên thị trường thời gian qua cũng không phải quá hiếm, nhưng vẫn có nhà đầu tư mua trái phiếu. Chẳng hạn như hồi giữa năm 2021, Công ty cổ phần Đầu tư Kinh doanh Nhà Khang Điền (mã KDH, sàn HOSE) cũng hoàn tất đợt phát hành 400 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ không có tài sản đảm bảo. Trái phiếu của Khang Điền có lãi suất khá cao lên tới 12%/năm trong suốt thời hạn trái phiếu, nhưng mục đích phát hành cũng được nêu khá chung chung là nhằm tăng quy mô hoạt động của công ty.

Vừa qua, Bộ Tài chính đã đưa những khuyến nghị nhà đầu khi tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Theo đó, doanh nghiệp huy động vốn trái phiếu riêng lẻ theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm, cơ quan quản lý Nhà nước không cấp phép phát hành.

Bộ Tài chính khuyến cáo, với tính chất rủi ro cao nên trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ chỉ phù hợp với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp (là đối tượng nhà đầu tư có khả năng phân tích, đánh giá rủi ro, có năng lực tài chính và dám chấp nhận rủi ro khi quyết định mua trái phiếu).

Đặc biệt, trong trường hợp “lách” quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp bằng hình thức mua trái phiếu thông qua các hợp đồng đầu tư với công ty chứng khoán, nhà đầu tư sẽ không phải là chủ sở hữu trái phiếu và không được bảo đảm các quyền lợi đối với trái phiếu theo các cam kết của doanh nghiệp phát hành. Vì vậy, việc tuân thủ pháp luật và nắm rõ thông tin về trái phiếu trước khi đầu tư là cách duy nhất để hạn chế rủi ro cho các nhà đầu tư cá nhân khi tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp.


Chí Tín