Theo ông Mori Mutsuya, Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam, kết quả điều tra tín dụng nông nghiệp của JICA tại Lâm Đồng cho thấy, tại địa phương này, khoản vay ngân hàng của các doanh nghiệp nông nghiệp được phỏng vấn về vay ngắn hạn chiếm 83%, vay trung và dài hạn chiếm 17%, trong khi đó với sản xuất nông nghiệp thì vay ngắn hạn tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn so với vay dài hạn.

Đặc biệt, đối với nhu cầu về vốn cho đầu tư thiết bị lớn vay trung và dài hạn thì đa số đều không vay được do không có tài sản đảm bảo, 60% doanh nghiệp, người dân chỉ vay được số tiền không dưới 50 triệu đồng. Do không có đủ nguồn vốn nên nhiều nông dân, doanh nghiệp không thể đầu tư nhà kính, cơ sở vật chất,...để tiếp tục mở rộng sản xuất.

Đại diện tổ chức Jica cũng nhấn mạnh, mặc dù Việt Nam có nhiều chính sách tín dụng trong nông nghiệp, tuy nhiên các doanh nghiệp và người nông dân chưa tiếp cận được vốn do thực tế hiện nay hệ thống tài chính Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu đầu tư quy mô lớn của nông dân; chưa hình thành hệ thống cung cấp dịch vụ tín dụng đảm bảo nguồn vốn để người dân tiếp cận được chính sách này.

Jica
Hội nghị hướng tới tín dụng nông nghiệp bền vững tại Việt Nam từ nghiên cứu cho tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: NNK

Để tạo điều kiện hỗ trợ người nông dân và doanh nghiệp nông nghiệp tiếp cận tín dụng nông nghiệp hiệu quả hơn, đại diện JICA đã giới thiệu, đề xuất khung Dự án tín dụng nông nghiệp mới từ trường hợp của tỉnh Lâm Đồng. Theo đó, Lâm Đồng sẽ là tỉnh thực hiện thí điểm thực hiện tín dụng nông nghiệp mới ở hai sản phẩm trọng tâm gồm rau và hoa. Nếu thành công, dự án sẽ được triển khai rộng ra các địa phương khác, tập trung vào từng thế mạnh riêng.

Với Dự án tín dụng nông nghiệp trên sẽ có những điểm mới về tài sản đảm bảo với các khoản vay ưu đãi bớt điều kiện ngặt nghèo, đăng ký vay vốn với Kế hoạch kinh doanh khả thi,…Bên cạnh đó, tiêu chuẩn về sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị sẽ được phát triển cho từng nhóm hoạt động (sản xuất, sau thu hoạch, công tác thị trường, phân phối,…). Dựa trên các tiêu chuẩn này, việc lập kế hoạch kinh doanh sẽ khả thi hơn, nhờ vậy, ngân hàng sẽ định giá tài sản đảm bảo cao hơn trong quá trình đăng ký vay vốn hoặc thanh lý, phát mãi.

Bên cạnh đó, tín dụng nông nghiệp mới sẽ hướng đến những người vay là các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân sản xuất quy mô vừa và lớn và có điều kiện tiếp cận tín dụng chính thức. Các hạng mục vay đủ điều kiện gồm vốn lưu động (vay ngắn hạn dưới 1 năm) về giống, phân bón; đầu tư thiết bị (vay dài hạn 7-10 năm) sử dụng cho cải thiện mặt bằng, thiết bị sản xuất, thiết bị sau thu hoạch, dây chuyền chế biến, nhà kho, phương tiện vận chuyển,…

Để thực hiện dự án thành công, theo các đại biểu, thực hiện tín dụng nông nghiệp mới cần đảm bảo nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích, trong đó, cần tăng cường năng lực giám sát trong sử dụng nguồn vốn. Ngân hàng Nhà nước cần xây dựng một số kế hoạch kinh doanh mẫu, tiến hành cho vay để thử nghiệm thành công. Mặt khác, các ngân hàng cần nâng cao năng lực của bản thân trong việc thực hiện tín dụng chính sách mới.

Phúc Nguyên