Nhiều bất ngờ về giá cà phê trong thời gian tới
Dù nguồn cung trong nước giảm, giá cà phê vẫn chịu áp lực từ thị trường quốc tế. Ảnh minh họa

Biến động từ chính sách định hình thị trường cà phê

Ông Nguyễn Đức Dũng - Phó Tổng giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) nhận định, giá cà phê thế giới và trong nước sẽ còn nhiều biến động khó đoán từ nay đến cuối quý II và xa hơn, do ảnh hưởng chính của yếu tố cung - cầu và các yếu tố bên ngoài như chính sách thuế quan, thời tiết và động thái của các ngân hàng trung ương.

Giá thế giới sẽ tác động mạnh lên giá cà phê trong nước

Theo ông Nguyễn Đức Dũng, trong thời gian tới, thông tin về thời tiết tại Brazil và Việt Nam, tiến độ và sản lượng thu hoạch tại các vùng sản xuất cà phê lớn trên thế giới sẽ còn tác động mạnh mẽ lên giá cà phê thế giới và trong nước.

Từ đầu tháng 4 đến nay, giá cà phê Arabica trên thị trường thế giới dao động mạnh, khởi đầu ở mức trung bình 8.400 USD/tấn, sau đó giảm mạnh, rồi phục hồi mạnh mẽ lên tới hơn 9.200 USD/tấn vào cuối tháng 4, mức cao nhất trong vòng 2,5 tháng. Cà phê Robusta lại chứng kiến xu hướng ngược lại, với giá trung bình giảm 5% so với quý I, xuống mức khoảng 5.100 USD/tấn.

Ở trong nước, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và Nam Bộ dao động trong khoảng từ 118.000 - 133.700 đồng/kg, thấp hơn mức trung bình quý I. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là dù nguồn cung trong nước giảm, giá cà phê vẫn chịu áp lực giảm từ thị trường quốc tế, phản ánh mối liên hệ ngày càng chặt chẽ giữa thị trường nội địa và thị trường toàn cầu.

Một trong những nguyên nhân chính gây ra biến động mạnh là yếu tố chính sách. Cụ thể, những lo ngại về chính sách thuế quan mới của Mỹ đã từng đẩy giá cà phê giảm sâu hồi đầu tháng 4. Tuy nhiên, việc Mỹ sau đó thông báo tạm hoãn chính sách thuế trong 90 ngày (trừ Trung Quốc) đã giúp thị trường ổn định trở lại phần nào. Cùng thời điểm, báo cáo từ Hedgepoint Global Markets cho thấy sản lượng cà phê Brazil niên vụ 2025 - 2026 dự báo sẽ thấp hơn so với kỳ vọng trước, góp phần làm giá phục hồi.

Khó đưa ra dự báo

Về phía nguồn cung, Brazil - nước xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới đang đối mặt với việc giảm sản lượng Arabica, nhưng lại tăng mạnh sản lượng Robusta (Conilon). Công ty Cung ứng quốc gia Brazil dự báo sản lượng Arabica sẽ giảm 6,6%, trong khi Robusta tăng gần 28% so với cùng kỳ. Việt Nam - quốc gia xuất khẩu Robusta lớn nhất dự kiến cũng sẽ tăng sản lượng trong vụ tới khoảng 6,9%, đạt 31 triệu bao.

Tuy nhiên, theo ông Dũng, những con số dự báo này chưa đủ đảm bảo sự ổn định giá trong thời gian tới. Diễn biến thời tiết, tốc độ thu hoạch, cùng với sức mua thực tế từ các thị trường tiêu thụ lớn như Mỹ và EU sẽ tiếp tục chi phối giá cà phê. Ông nhấn mạnh: “Rất khó đưa ra một dự báo chắc chắn về giá cà phê trong thời gian tới. Những biến động kinh tế vĩ mô gần đây có thể đang định hình cả nhu cầu ngắn hạn và động lực thị trường dài hạn”.

Với bức tranh tổng thể như vậy, nhiều khả năng giá cà phê Robusta sẽ dao động quanh mức 4.000 USD/tấn, còn Arabica nằm trong vùng 7.500 - 8.500 USD/tấn. Tuy nhiên, các yếu tố địa chính trị và kinh tế toàn cầu vẫn có thể khiến kịch bản này thay đổi bất ngờ./.